Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Xe ôm công nghệ cạnh tranh tìm khách

Chí Thịnh -

Nếu như trước đây xe ôm chỉ là phương tiên vận chuyển bình dân thì nay nó đang được gọi là xe ôm công nghệ. Các ứng dụng có chữ “bai” (bike) lần lượt ra đời, tạo sự nhộn nhịp trong phân khúc vận chuyển những tưởng chỉ dành cho những người kiếm sống qua ngày bằng chiếc xe cũ đậu ở góc phố.

M.Bike và V.Bike

Những gì đang diễn ra cho thấy, dịch vụ xe ôm công nghệ đang thu hút nhiều hãng tham gia. Nếu như thời gian ngắn trước đây người ta chỉ nghe đến cái tên GrabBike, UberMoto thì nay đã thấy Go Bike, VivuMoto và gần đây nhất là M.Bike - dịch vụ gọi xe máy qua ứng dụng di động của hãng taxi Mai Linh.

Từ ngày 20-11, hãng taxi Mai Linh chính thức ra mắt dịch vụ xe ôm Mai Linh (M.Bike) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Trong giai đoạn đầu, hãng này chỉ triển khai dòng xe Mai Linh Bike phổ thông, còn Mai Linh Bike Premium (sử dụng loại xe máy cao cấp hơn) và dịch vụ giao hàng bằng xe máy sẽ được triển khai ở giai đoạn kế tiếp.

Theo đại diện hãng Mai Linh, để có thể cạnh tranh với dịch vụ xe ôm GrabBike và UberMoto, Mai Linh đưa ra tỷ lệ ăn chia doanh thu với tài xế M.Bikelà 0% trong hai tháng đầu tiên kể từ khi tài xế đăng ký. Ở những tháng tiếp theo, tỷ lệ ăn chia doanh thu sẽ là 15%, thấp hơn mức chiết khấu 20-25% mà các dịch vụ xe ôm công nghệ khác đang áp dụng.

Đồng thời, dịch vụ cũng cam kết giữ giá cước ổn định và không tăng giá giờ cao điểm. Điều này khác với GrabBike và UberMoto, bởi cả hai đều áp dụng chính sách giá cước linh hoạt. Cước phí sẽ thay đổi tuỳ theo nhu cầu, tăng giá vào những giờ kẹt xe hoặc ít xe phục vụ.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 vào cuối tháng 4, cổ đông của Vinasun đã đề xuất hãng taxi này nên có ứng dụng gọi xe ôm để cạnh tranh với Grab và Uber. Sau đó, lãnh đạo của Vinasun cho biết đang nghiên cứu cho việc ra mắt dịch vụ vận tải bằng xe máy trong năm 2017.

“Hiện tại, chúng tôi đang tăng cường chất lượng dịch vụ, cung cấp các tiện ích mới cho khách hàng, chẳng hạn như đi taxi biết trước giá, gọi xe qua Facebook Messenger… Đồng thời, Vinasun cũng đang lập dự án V.Bike khảo sát nhu cầu, xác định thị trường cho loại hình vận tải xe máy”, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết.

Hiện tại, giá cước M.Bike đang ngang bằng với GrabBike và UberMoto. Cụ thể M.Bike có mức cước 11.000 đồng/2km đầu, các km kế tiếp là 3.700 đồng/km. Cước phí GrabBike hiện tại ở TPHCM là 12.000 đồng/2km đầu, 3.800 đồng/km. Còn UberMoto áp dụng cước tối thiểu là 10.000 đồng/2km đầu, 3.700 đồng/km kế tiếp, và tính thêm 200 đồng/phút (thời gian chạy xe).

Ngoài ra, hãng Grab còn tung ra dịch vụ GrabBike Premium với các loại xe cao cấp tại TPHCM và Hà Nội từ tháng 3-2017. Dòng xe này sẽ có cước phí 20.000 đồng/2km đầu tiên, các km kế tiếp là 7.000 đồng/km.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội địa?

Tại Việt Nam, ngoài M.Bike của Mai Linh và sắp tới là V.Bike của Vinasun còn có thêm ứng dụng gọi xe ôm Go Bike (Go-ixe) và VivuMoto. Theo ghi nhận, các ứng dụng gọi xe ôm này có quy mô hoạt động còn nhỏ, số lượng xe tham gia còn khá ít… nên người dùng cũng khó gọi xe hơn so với GrabBike hoặc UberMoto.

Ông Trần Thanh Nam, quản lý dịch vụ gọi xe Vivu bao gồm VivuMoto, VivuCar và VivuTaxi, cho biết: “Ứng dụng gọi xe Vivu còn mới nên cũng không đặt tham vọng cạnh tranh với Grab và Uber. Hiện tại, dịch vụ xe ôm của chúng tôi đang hoạt động mạnh ở một số tỉnh, còn TPHCM chỉ mới ở giai đoạn chạy xe làm quen với khách hàng”.

Ông Nam cho biết, VivuMoto đang triển khai các chương trình tặng các chuyến xe khuyến mãi cho người mới sử dụng dịch vụ. Đồng thời, dịch vụ cũng đưa ra chính sách đảm bảo doanh thu cho tài xế chạy VivuMoto ở khu vực Cần Thơ.

Từ thực tế trên, có thể thấy các doanh nghiệp nội địa vẫn đang loay hoay ở bài toán cung cầu, nếu lượng xe quá ít thì khách hàng khó gọi xe nên dẫn đến không sử dụng dịch vụ. Đồng thời nếu tài xế đăng ký tham gia dịch vụ xe ôm công nghệ nội địa mà không hiệu quả sẽ nản, lại không được đảm bảo doanh thu nên sẽ từ bỏ. Và dù một số doanh nghiệp đang tìm cách thức thu hút khách hàng thông qua việc tặng mã khuyến mãi, nhưng do nguồn lực có hạn nên không đủ sức duy trì khuyến mãi dài hạn.

Trong khi đó, Grab và Uber lại giải quyết bài toán này bằng nguồn tài chính dồi dào, kích thích nhu cầu sử dụng với chương trình điền mã khuyến mãi, tặng chuyến đi miễn phí… Về phía tài xế thì được áp dụng chính sách đảm bảo doanh thu, khuyến khích tài xế trực tuyến liên tục để khi khách đặt xe sẽ cảm thấy lượng xe lúc nào cũng đông ở nhiều khu vực.

Đứng trước thực tế đó, các hãng xe ôm công nghệ trong nước sẽ cạnh tranh ra sao? Hiện nay, VivuMoto và một vài doanh nghiệp phát triển ứng dụng gọi xe đang thực hiện cách “lấy nông thôn vây thành thị”. Họ tránh đối đầu trực diện với Uber và Grab ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, tập trung đầu tư cho các tỉnh thành mà Grab và Uber chưa cung cấp dịch vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối