Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ứng dụng dữ liệu lớn vào thời trang

Một trong những vấn đề mà các thương hiệu thời trang cao cấp lẫn nhà bán lẻ quần áo bình dân luôn phải giải quyết là làm sao bắt kịp thị hiếu người mua đồng thời hạn chế tối đa lượng hàng tồn kho. Dự án khởi nghiệp Choosy ở New York đã tìm ra giải pháp cho cả hai vấn đề nhờ vào công nghệ dữ liệu lớn (big data).

Trang đặt mua của công ty Choosy.

Vào tháng 3-2018, tập đoàn bán lẻ quốc tế về thời trang H&M buộc phải thừa nhận họ đang “mắc cạn” với số trang phục tồn kho trị giá lên đến 4,7 tỉ đô la Mỹ. Nguyên do là vì chuỗi cung ứng của H&M không thể theo kịp được thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng. Đây là một ví dụ điển hình của rủi ro trong kinh doanh thời trang, trong đó yếu tố giảm thiểu hàng tồn kho là quan trọng nhất.

Đặt trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), hãng bán lẻ thời trang Choosy chọn một chiến lược tiếp cận bao gồm hai bước. Một là, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (big data) của người dùng trên mạng xã hội nhằm tìm ra các sản phẩm được yêu thích nhất. Hai là, chuyển thông tin dạng số hóa đến các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc để may và chuyển hàng đến người mua trong khoảng hai tuần lễ.

Thay đổi trình tự sản xuất lẫn thói quen mua hàng

Thông thường, để mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phải tự mình tìm các mẫu đã có sẵn trên trang bán hàng hoặc trên mạng xã hội như Instagram. Họ sẽ đặt mua ngay trên Instagram hoặc lấy thông tin từ đó rồi tìm đến trang riêng của hãng để mua. Các hãng thời trang khi đã đăng mẫu thì buộc phải có sẵn trong kho một lượng hàng nhất định. Jessie Zeng, Giám đốc điều hành của Choosy, cho rằng có thể rút gọn các bước đó, đặc biệt là không cần phải trữ sẵn hàng.

Người mua nay chỉ cần thêm thẻ ảnh (hashtag) #GetChoosy vào bất kỳ tấm ảnh nào có bộ đồ mà họ thích trên mạng xã hội Instagram. Phần mềm AI của Choosy sẽ tổng hợp tất cả dữ liệu hình ảnh để chọn ra 5 xu hướng thịnh hành nhất trong 3 ngày qua. Từ đó, đội ngũ thiết kế của Choosy sẽ làm và đăng tải mẫu mới lên trang web, mỗi tuần hai lần, mỗi lần 5 mẫu. Khách hàng có khoảng 3 ngày để đặt hàng, sau đó mẫu cũ sẽ được thay bằng lượt mẫu mới. Sản phẩm có đủ mọi loại kích cỡ với giá thành không quá 100 đô la Mỹ.

Tóm lại, người mua sẽ có ngay bộ quần áo theo kiểu dáng thời thượng nhất chỉ sau gần 3 tuần từ lúc xuất hiện trên mạng xã hội. Tốc độ và năng suất kiểu này làm cho các “đại gia” bán lẻ-vốn hầu hết có chu kỳ sản xuất khoảng sáu tháng - có vẻ chậm chạp như rùa bò.

Tâm điểm chỉ trích

Năng suất “kinh khủng” của Choosy được cho là vì gia đình của Jessie Zeng hiện đang làm chủ một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu Trung Quốc. Nói đến đồ Trung Quốc giá rẻ thì đâu đó luôn có những ý kiến hoài nghi. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế đến từ Trung Quốc đang phải cố gắng hết mình để được giới thời trang tôn trọng khả năng sáng tạo. Điều đó đặt dấu hỏi cho một công ty như Choosy.

Tuy nhiên, lập luận của Jessie Zeng là khá khó bắt bẻ. Cô cho rằng nếu chúng ta nhìn vào thời trang, không có thiết kế nào thực sự là nguyên bản. Mọi người đều lấy cảm hứng từ nhau. Zeng khẳng định Choosy không “đạo nhái”, nhóm thiết kế của công ty sẽ dựa trên bản gốc do người nổi tiếng mặc để tạo ra các bản thiết kế riêng nhưng “cùng một phong cách”.

Bên cạnh vấn đề về kiểu dáng, một số ý kiến cho rằng cách làm của Choosy cỗ vũ kiểu thời trang mặt một lần. Điều đó là có hại cho việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đối mặt với chỉ trích, Jessie Zeng có cách lý giải khác: “Thực ra phải là ngược lại mới đúng. Đồ chúng tôi làm là theo yêu cầu, chúng tôi chỉ may sau khi đã có người đặt. Do vậy chúng tôi rất khác với mô hình kinh doanh của các hãng khác, họ phải làm dư ra hàng chục nghìn bộ để sẵn rồi cầu mong hàng sẽ bán được hết”. Lập luận này nghe qua cũng có vẻ có lý.

Tương lai xán lạn

Bộ sưu tập đầu tay của Choosy với giá thành chỉ từ 59 đến 89 đô la Mỹ đã ngay lập tức củng cố vị thế công ty trong làng thời trang giá rẻ. Choosy không phải là công ty duy nhất có thể đảm bảo việc cung cấp hàng hóa đến tay người mua trong vòng hai tuần, các nhà bán lẻ Asos và Boohoo ở Anh cũng có năng lực tương tự. Tuy nhiên, Choosy hiện đang là tiên phong trong việc ứng dụng big data và AI vào phân tích thị hiếu người mua. Luật sư Julie Zerbo, chủ trang web tư vấn pháp lý thời trang The Fashion Law cho rằng mô hình của Choosy cho phép công ty hạn chế tối đa rủi ro, tối ưu lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Đó cũng là thế mạnh của công ty trong mắt các nhà đầu tư. Cách làm của Choosy cho phép họ đi trước các hãng khác, những hãng mà nay mới bắt đầu đăng ký mua các dịch vụ dự báo xu hướng thời trang. Hiệu quả thực tế là Choosy đã huy động được hơn 5,4 triệu đô la tiền đầu tư chỉ trong hơn nửa năm kể từ khi thành lập từ tháng 10-2017.

Vũ Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối