Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Trưa nay ăn gì: khó quên hủ tiếu Sa Đéc đặc sản Đồng Tháp

(SGTTO) - Cùng với hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc cũng mang hương vị đặc trưng của vùng miền và giữ vững chỗ đứng đặc biệt trong lòng thực khách tứ phương. Với hương vị độc đáo, giàu chất dinh dưỡng và màu sắc vô cùng hấp dẫn, đây là món ăn thích hợp để thay đổi khẩu vị cho bữa trưa thêm phần thơm ngon bổ dưỡng.

Hủ tiếu Sa Đéc với sợi hủ tiếu trắng, mịn, không bị chua, nước dùng ngọt và đậm đà. Ảnh: Internet

Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ xa xưa đã trở thành nơi tập trung lúa gạo lớn của khu vực miền Tây Nam Bộ. Từ nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có, làng bột Sa Đéc đã hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Chính vì thế mà thực phẩm được chế biến từ bột Sa Đéc có độ dai mềm và vị thơm ngon đặc trưng, từ đó, mà sợi hủ tiếu Sa Đéc mang hương vị độc đáo hơn so với sợi hủ tiếu thông thường.

Nhiều người dễ nhầm lẫn món hủ tiếu Sa Đéc với hủ tiếu Nam Vang vì cả hai món đều có hình thức khá giống nhau, nhưng chính sợi hủ tiếu đặc biệt của vùng quê Đồng Tháp đã giúp thực khách phân biệt được sự khác nhau giữa hủ tiếu Sa Đéc với hủ tiếu Nam Vang, và thậm chí với tất cả những món hủ tiếu còn lại. Sợi hủ tiếu làm nên món hủ tiếu Nam Vang và nhiều món hủ tiếu khác có sợi nhỏ và dai. Trong khi sợi hủ tiếu Sa Đéc được làm từ bột gạo tươi, có màu trắng sữa, cọng to, sợi mềm, độ dai vừa phải, không bị chua và dù ăn đến hết tô cũng không bị bở. Đặc biệt, thực khách sành ăn còn sẽ cảm nhận được vị ngọt hậu của loại sợi hủ tiếu này.

Theo đó, sợi hủ tiếu Sa Đéc sau khi trụng sẽ được đánh tơi không dính, độ dai vừa vặn để khi thưởng thức đến những sợi cuối cùng vẫn giữ được độ dai ngon. Nước lèo được nấu từ xương ống và nêm nếm theo hương vị truyền thống mang lại hương vị ngọt thanh dễ chịu. Sở dĩ hủ tiếu Sa Đéc ăn mãi không ngán là do có đa dạng thành phần nguyên liệu như xá xíu, gan heo, thịt bằm, tôm tươi, trứng cút… được sắp đặt đầy đặn trên lớp bánh hủ tiếu, ăn kèm với đó là các loại rau thơm như cần tây, hẹ, giá cùng vài cọng xà lách và rau thơm, đôi khi còn cho thêm tỏi ớt ngâm giấm để món ăn thêm tròn vị. Tất cả tạo nên một món ăn đầy chất dinh dưỡng, vừa có vị thơm ngon đậm đà lại có hình thức hài hòa bắt mắt.

Bí quyết cho một tô hủ tiếu Sa Đéc hoàn hảo là khi trụng hủ tiếu nên trụng nhanh qua nước sôi, tránh trụng quá lâu làm sợi hủ tiếu bị nhão và đứt gãy. Gan và lòng nên chà muối kĩ, làm sạch để không ám mùi hôi. Nước lèo nấu từ xương ống hầm kỹ và vớt bỏ lớp bọt liền tay để giữ cho nước dùng được trong. Có thể thêm vào nồi nước lèo vài con khô mực và tôm khô để nước lèo thêm ngon ngọt đậm đà. Ngoài hủ tiếu nước, hủ tiếu Sa Đéc còn có phiên bản hủ tiếu khô với nước sốt đặc biệt từ nước thịt, nước tương, tương đen và một số gia vị khác, tùy bí quyết của các chủ quán người miền Tây.

Tô hủ tiếu Sa Đéc với nước dùng trong vắt, ngọt thanh của xương ống kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm một cách hài hòa cùng sợi hủ tiếu dai ngon, được điểm xuyết thêm lá hẹ và hành phi làm cho bất kỳ ai cũng không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ món ăn.

Để thưởng thức món hủ tiếu thơm ngon này, bạn có thể lên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến như Baemin, Now, GrabFood gõ từ khóa tìm kiếm "hủ tiếu Sa Đéc". Một phần hủ tiếu Sa Đéc có giá bán khoảng 30.000 - 60.000 đồng. Những hàng quán bán hủ tiếu Sa Đéc được nhiều người quan tâm là hủ tiếu Sa Đéc A Tèo (quận Bình Thạnh), Dì Năm Sa Đéc (quận 1), hủ tiếu Sa Đéc Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), quán ăn Sa Đéc (quận 2), hủ tiếu Sa Đéc Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp), hủ tiếu Sa Đéc Hai Thằng Mập (quận 3)...

Hủ tiếu Sa Đéc cũng rất dễ nấu tại nhà, cách chế biến tương tự hủ tiếu nam vang hay hủ tiếu thịt, xương heo thông thường. 

Cách nấu hủ tiếu Sa Đéc.

Lâm Như tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối