Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Trụ ATM đâu chỉ biết nhả tiền

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG –

ATM là chiếc máy nhả tiền, nhưng nhiều nơi ở Ấn Độ và nay lan sang cả các nước khác những trạm ATM cung cấp nước sạch. Ở những nơi này, nước sạch còn quý hơn cả tiền do nguồn nước sạch để ăn uống, tắm giặt mỗi ngày một khan hiếm, ô nhiễm. Hàng trăm triệu người không còn đủ nước sạch để dùng và các chương trình chính phủ gần như không đuổi kịp nhu cầu, vì thế những trạm cấp nước ATM đang lần lượt mọc lên.

ATM-nuocATM nước, giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân tại Ấn Độ.

Sáng kiến thiết lập hệ thống ATM cung cấp nước sạch bắt đầu từ Ấn Độ khi năm 2008, chàng thanh niên Anand Shah từ Mỹ trở về mang theo ý tưởng sử dụng công nghệ mới để cung cấp nước sạch cho những người dân nghèo ở những vùng khan hiếm nguồn nước, bắt đầu từ Rajasthan, Gujarat rồi Madhya Pradesh. Với sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện Piramal Foundation, chương trình Sarvajal, tiếng Hindu có nghĩa là “nước cho mọi người” ra đời và chỉ trong thời gian ngắn đã có thể cung cấp nước sạch hàng ngày cho hàng trăm ngàn người.

Trụ ATM kể trên được thiết kế như những trạm bán xăng, đặt ở nơi thuận tiện nhất để người trong các thôn xóm có thể tự đến đó lấy nước vào bất cứ lúc nào mà không phải xếp hàng dài suốt buổi sáng để chờ xe phân phối như trước nay. Từ các nguồn nước khác nhau như nước giếng, nước ngầm hay nước mưa đang bị ô nhiễm, Sarvajal xử lý vệ sinh chúng bằng phương pháp thấm ngược (RO) nhờ vào lắp đặt nguồn năng lượng mặt trời, rồi chuyển chúng bằng đường ống đến những trạm ATM chứa nước.

Người dân Ấn Độ nay đã rất thành thạo với việc mua nước qua trạm nước sạch, nơi mà họ dùng những thẻ ATM trả trước để thanh toán khối lượng nước mà họ cần lấy. Đưa thẻ ATM vào khe máy, bộ phận cảm biến sẽ hiển thị lên màn hình cho biết thẻ còn bao nhiêu tiền, và khi họ quyết định nhấn nút lấy 5, 10 hay 20 lít nước vào đồ đựng, máy sẽ khấu trừ đi một lượng tiền rất nhỏ, rẻ hơn rất nhiều so với hệ thống cấp nước qua đường ống hiện hữu.

Thực ra, chính quyền địa phương, các công ty phi lợi nhuận và tổ chức từ thiện đã nhanh chóng bắt tay vào chương trình Sarvajal bằng việc cung cấp những ngân khoản phát triển và những điều kiện để tổ chức các trạm ATM cung cấp nước. Trên thực tế, giải pháp ATM nước đang tỏ ra hữu hiệu, cả trong việc cấp nước cho người dân lẫn trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh và y tế, nơi mà những nguồn nước bẩn từ lâu đã gây ra khoảng 3/4 các loại bệnh tật. Nhiều người dân nay ý thức rằng số tiền họ bỏ ra để mua nước bằng thẻ ATM sẽ thấp hơn nhiều so với tiền thuốc cho gia đình nếu chẳng may bệnh tật.

Hệ thống tổ chức ATM nước mỗi ngày một hoàn thiện và đến năm 2013 đã có tại sáu bang ở Ấn Độ, cung cấp 8,8 tỉ lít nước sạch cho người dân với chỉ hơn 400 nhân viên phục vụ. Bằng công nghệ di động, một nhân viên bán hàng có thể kiểm soát trung bình 20 trạm ATM nước. Một khi vì lý do nào đó chất lượng nước ở một trạm xử lý không bảo đảm, hệ thống sẽ tự động ngắt đường ống dẫn tới trạm ATM và rồi nhân viên kỹ thuật sẽ được điều tới ngay để xử lý.

Chính quyền thủ đô New Dehli của Ấn Độ đã quyết định mở rộng chương trình cấp nước sạch cho dân chúng tại đây lên 500 trạm ATM nước. Đầu tháng 2-2016, thành phố Hyderabad cũng quyết định thiết lập hệ thống ATM nước sạch tại đây để thay thế cho việc phải chuyển nước uống từ Nagarjunasagar và Yellampally, lần lượt cách đó 110 km và 186 km. Hiện tại, Ấn Độ có khoảng 150 triệu người đang thiếu hụt nguồn nước sạch để dùng vào việc ăn uống. Bảo đảm nhu cầu nước sạch sẽ làm giảm đáng kể chi phí y tế cho người dân và chính phủ nước này.

Trong khi đó, từ đầu năm ngoái, Chính phủ Pakistan cũng đã cho phép triển khai thí điểm các trạm ATM nước tại ba thành phố là Bahawalpur, Rajanpur và Faisalabad thuộc tỉnh Punjab ở miền Đông nước này. Dự án thực hiện phối hợp giữa Công ty Nước sạch PSPC và Viện Thí nghiệm những sáng kiến có lợi cho người nghèo IPAL ở Lahore. Ông Jawad Abbasi, Giám đốc của IPAL, cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch lắp đặt máy ATM tại 20 nhà máy lọc nước trong giai đoạn đầu phục vụ cho khoảng 17.500 hộ gia đình”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Giải nhiệt ngày hè với 5 thức uống mát lạnh, mới...

0
(SGTT) - Xoài hồng dừa non, trà quýt bạc hà hay nước dừa matcha... là những loại thức uống mới lạ, giúp bạn giải...

Dapen. – Không gian cà phê cá tính tại Đà Nẵng

0
(SGTT) – Dapen. - Quán cà phê “núp hẻm” với lối thiết kế đầy cá tính là địa điểm được nhiều bạn trẻ tại...

Hoa giáng hương ‘tô vàng’ đường phố Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày mùa Hạ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội được “tô vàng” bởi sắc hoa giáng hương. Đầm hoa lục bình...

Trưa nay ăn gì: Thử salad gà sốt chanh dây lành...

0
(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, buổi trưa đi làm lại của mọi người nên chọn món ăn...

Kết nối