Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Trồng ấu cho thu nhập ổn định

Ngọc Liễu –

Củ ấu dùng để ăn chơi nhưng giúp nhiều nông dân miền Tây có thu nhập ổn định. Trong những năm gần đây, một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển nghề trồng ấu, không chỉ ổn định kinh tế gia đình, mà còn giải quyết được không ít lao động khi nông nhàn.

Ấu bén rễ trên đất ruộng

Ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ấu Đài Loan được trồng với diện tích hàng trăm héc ta. Nhiều người trồng ở đây cho hay, họ chỉ trồng củ ấu vào thời điểm đã rảnh rỗi việc đồng án, độ từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch. Cũng theo người trồng, mùa nước nổi là thời điểm củ ấu phát triển ổn định và giá cũng “nhích” lên so với ngày thường. Nhờ vậy mà thu nhập của họ cũng được cải thiện.

Theo những người trồng ấu lâu năm, ấu khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại thích nghi tốt với nhiều vùng đất. Trồng ấu cũng mang lại khoảng thu nhập khá nên diện tích ngày càng được mở rộng. Ông Lương Văn Chân, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, cho biết nhà ông trồng khoảng 2 ha, với giá bán 4.000 đồng/kg thì “tính ra lời cũng vài chục triệu đồng”. Cũng theo ông Chân, một mùa ấu sẽ thu hoạch được nhiều lần cho đến khi dây ấu tàn.

Củ ấu có thể được thu hoạch nhiều lần, cho đến khi dây ấu tàn. Ảnh Ngọc Liễu.

Nếu như nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang chỉ trồng ấu kiếm thêm thu nhập nhờ tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi, thì nhiều người dân ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long lại trồng ấu cố định thay cho cây lúa.

Trên cánh đồng trồng gần 4.000 m2 ấu của gia đình mình ở  ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Thanh Hoàng xắn quần quá gối, đẩy chiếc xe chất đầy ấu. Ông Hoàng cho biết nhà ông hiện có khoảng hơn 1 ha cả vườn và ruộng nhưng nằm sâu giữa đồng, không thuận tiện trồng lúa nên ông trồng ấu Đài Loan. “Trồng lúa phải có đường cho máy móc vô gặt này nọ, còn trồng ấu thì không cần mà thu nhập cũng ổn định lắm”, ông nói.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng ấu nên ông Hoàng cũng có nhiều kinh nghiệm, nhờ vậy mà ruộng ấu luôn cho năng suất rất cao. Đặc biệt vào vụ đông xuân, ruộng ấu của ông cho năng suất cao gấp đôi.

Hiện tại, người dân tại xã Tân Hạnh này tiếp tục thu hoạch ấu đợt cuối và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Theo họ, giá ấu hiện ở mức 5.500- 6.000 đồng/kg nên người trống ấu lời khá.

Nghề “ăn theo” củ ấu

Bên cạnh các hộ trồng ấu, thì nhiều lao động nông nhàn khác ở các địa phương nói trên cũng có thêm thu nhập nhờ “ăn theo” mùa ấu.

Chị Cao Thị Hiền, nhà ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết nhà chị chỉ có một ít đất ruộng nên để có thêm thu nhập, người thân của chị phải làm thêm nghề tay trái là ươm dây ấu giống. Còn chị thì bán ấu dọc tuyến quốc lộ 1.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề ươm dây ấu giống nên dây ấu của gia đình chị Hiền ươm luôn cho nhiều củ. Tiếng lành đồn xa nên hễ cứ đến mùa ấu là người dân lại tìm đến để mua dây giống về trồng. Chị cũng cho biết, không chỉ bán dây ấu giống, chị còn nhận dọn ruộng và trồng ấu nếu chủ ruộng yêu cầu. “Tiền công từ 200.000-250.000 đồng một ngày tùy công việc. Còn dây ấu thì tôi bán 250 đồng/dây, một công đấy trồng khoảng 2.500 dây. Nói chung vô vụ ấu là sống khỏe”, chị nói.

Công việc thu hoạch ấu cũng thu hút rất nhiều lao động địa phương tham gia để có thêm thu nhập. Hình ảnh những người phụ nữ và ngay cả cánh đàn ông cũng lom khom dưới ruộng ấu xanh mướt để thu hoạch củ trở nên quen thuộc, thay cho cảnh trồng lúa trước đây.

Từ 6g sáng, vợ chồng chị Trần Thị Hoằng cùng nhiều bà con khác trong xóm đã lội bì bõm dưới cánh đồng bạc ngàn ấu. Chị Hoằng cho hay, vợ chồng chị đã gắn bó với nghề hái ấu thuê hơn 10 năm nay. Công việc tuy có phần vất vả song cũng cho thu nhập tương đối. “Nhà có hai công ruộng thì tôi trồng lúa cho có gạo ăn, còn tiền chi tiêu hằng ngày đều dựa vào nghề này. Ngày hái vậy hai vợ chồng cũng kiếm được 200.000 đồng. Nói chung làm đều đều nên cũng ổn định”, chị kể.

Chị Phạm Thị Oanh, nhà ở xã Long Hưng B, Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết mỗi ngày chị cùng nhiều người khác có thể kiếm được 100.000-120.000 đồng/ngày. “Ngày hai vợ chồng hái cũng được vài trăm ngàn có tiền trang trải chi phí ăn uống, cho con ăn học”, chị nói.

Bên cạnh đó, tại đây cũng có nhiều hộ chuyên mua ấu tươi bán cho các địa điểm bán ấu ven đường. Ông Nguyễn Văn Hoa, nhà ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết cứ đến mùa ấu là từ một nông dân “chánh tông”, ông chuyển sang thu mua ấu rồi bỏ mối cho mấy điểm bán lẻ khác. “Mỗi ngày tôi giao vài trăm ký ấu, kiếm cũng vài trăm ngàn”, ông cho biết.

Bà Võ Thị Chính, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho hay người mua thích ấu tại vùng này bởi vỏ mỏng, ruột lớn, ngọt bùi hơn các giống ấu khác. Ngày thường bán khoảng 50 kg, còn những ngày cuối tuần bà bán gấp đôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thể thao

0
(SGTT) - Trong những năm gần đây, các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các môn thể thao đang ngày càng thịnh...

Kết nối