Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Trang trí món ăn: nghề có thu nhập cao lại nhiều thú vị

(SGTTO) – Nhiệm vụ của một food stylist – người trang trí món ăn – là khiến thực khách phải “phát thèm” dù chỉ nhìn ngắm món ăn đó qua hình ảnh. Công việc này đòi hỏi sự đam mê, óc thẩm mỹ và cả kiến thức ẩm thực của người làm nghề. Với yêu cầu cao, food stylist mang đến thu nhập từ khá đến cao cho những ai theo đuổi công việc này.

Người chụp ảnh thì cần hiểu biết về thiết bị chụp ảnh, góc máy đẹp, ánh sáng, bố cục hay phần mềm chỉnh sửa ảnh. Nhưng nếu biết thêm nghệ thuật trình bày món ăn và một chút kiến thức về ẩm thực, người thợ chụp ảnh hoàn toàn có thể trở thành một food stylist. Nói chính xác hơn, công việc trang trí món ăn là sự kết hợp của kiến thức nhiếp ảnh và kỹ năng trình bày đồ ăn, thức uống sao cho bắt mắt. 

Trang trí món ăn là công việc đặc thù, mang lại thu nhập cao cho người làm nghề. Ảnh: Pexel.
Food styling là gì? 

Muốn biết món ăn ngon hay không, bạn cần nếm hương vị. Tuy nhiên, sự lựa chọn của thực khách đôi khi lại đến từ một bức ảnh đẹp của món ăn. Đây cũng là nhiệm vụ của người làm công việc food styling – trang trí món ăn. 

Nghề trang trí món ăn là một trong những nghề giúp người theo đuổi công việc thể hiện tình yêu với ẩm thực, bên cạnh nghề đầu bếp hay food-blogger. Bởi muốn theo đuổi công việc này, bạn phải có hiểu biết về ẩm thực, thực phẩm, gia vị… để cho ra đời những bức ảnh khiến người khác phải “thòm thèm” hay trầm trồ. Công việc này được gọi tên “food styling” và người làm nghề là “food stylist”. 

Để tạo ra bức ảnh sống động, food stylist cần có nhiều kỹ năng và đặc biệt là cảm quan về ẩm thực, nguyên liệu. Ảnh: Pixabay.

Food styling là công việc khá linh động, có tính sáng tạo cao. Đó có thể là một buổi chụp ảnh cho thực đơn nhà hàng, chụp ảnh minh họa cho sách ẩm thực, chụp ảnh quảng cáo in ấn, quay video cho các nhãn hàng thực phẩm… Nhiệm vụ của họ là trình bày khung cảnh chụp thực phẩm, sao cho toát lên vẻ tự nhiên, bắt mắt, giúp người xem cảm nhận được sự hấp dẫn của món ăn. Đôi lúc, food stylist kiêm nhiệm cả công việc chụp ảnh nếu có kỹ năng này. 

Yêu cầu kiến thức ẩm thực và năng khiếu thẩm mỹ

Food styling yêu cầu người làm nghề đáp ứng các yếu tố quan trọng: hiểu biết về ẩm thực, gu thẩm mỹ tốt, sự tỉ mỉ và ham học hỏi. 

Không phải lúc nào hậu trường chụp ảnh món ăn cũng được trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản thức ăn. Nếu không có hiểu biết về nguyên liệu, cách nấu nướng, người làm nghề sẽ khó lòng tìm được cách thể hiện hợp lý. Chẳng hạn cách giữ cho món salad tươi xanh, cách bày biện thứ tự các thành phần của món ăn, món nào cần tạo độ bóng bẩy, món nào cần sự tinh khiết, nhẹ nhàng… Hiểu biết về nguyên liệu, phong cách món ăn cũng giúp food stylist dễ dàng tìm kiếm những vật dụng trang trí phù hợp. 

Việc có hiểu biết về ẩm thực giúp food stylist tìm được phong cách riêng, vật dụng trang trí phù hợp, tôn lên linh hồn món ăn. Ảnh: Pixabay.

Không ít food stylist bắt đầu từ công việc đầu bếp, được đào tạo bài bản về kỹ năng trình bày món ăn. Song, nếu có khiếu thẩm mỹ tốt và tình yêu với ẩm thực, bạn hoàn toàn có thể trở thành food stylist. Các kiến thức về bố cục ảnh, cách kết hợp màu sắc, nghệ thuật sắp đặt, điểm nhìn… rất quan trọng để tạo ra ảnh món ăn đẹp. Khiếu thẩm mỹ thường đi kèm với tính sáng tạo. Đôi lúc, việc phá vỡ những nguyên tắc cũng giúp bức ảnh trở nên ấn tượng và độc đáo hơn. 

Thức ăn không nhất thiết phải bày trên đĩa, cũng không cần quá nhiều ánh sáng. Đôi lúc, phá vỡ những nguyên tắc sẽ giúp tạo ra ảnh ấn tượng. Ảnh: Pixabay.

Yếu tố thành công của các food stylist còn nằm ở sự tỉ mỉ, tinh tế. Đã bao giờ bạn thắc mắc làm sao để bắt được khoảnh khắc đồ nướng nghi ngút khói, giọt nước chấm rơi xuống, những que kem mát lạnh tan chảy? Món ăn sẽ trở nên sinh động hơn nhờ những chi tiết rất nhỏ này. Việc này đòi hỏi food stylist phải có óc quan sát, cảm quan tốt để tìm những thủ thuật hỗ trợ tạo ra bức ảnh sống động. Một số thủ thuật trong ngành trang trí món ăn thường thấy: dùng dầu xịt để làm món chiên thêm bóng bẩy, tạo hơi nước giả bằng cách hun nóng bông gòn trong lò vi sóng, dùng nhíp để điều chỉnh nguyên liệu trên bề mặt món, cố định thực phẩm bằng tăm, keo chuyên dụng…

Food Stylist cần có óc quan sát tốt, tinh tế để thêm vào những chi tiết sống động cho bức ảnh. Ảnh: Pixabay.

Nghề trang trí món ăn còn yêu cầu food stylist sự cầu tiến, liên tục học hỏi các xu hướng chụp ảnh và ẩm thực mới. Cụ thể, viêc chụp món ăn Việt chắc chắn sẽ khác với món Âu. Và mỗi đầu bếp, khách hàng lại có câu chuyện, thông điệp riêng trong món ăn của mình. Thậm chí, người làm nghề còn phải tìm tòi các thủ thuật xử lý hình ảnh để phục vụ ngành quảng cáo. Nếu không tự học thêm kiến thức, food stylist sẽ khó lòng đáp ứng được nhu cầu đa dạng khách hàng. 

Food stylist cũng cần trang bị thêm các kỹ năng như: thuyết trình ý tưởng, làm việc nhóm, nhiếp ảnh, quản lý thời gian, quản lý tài chính và rèn luyện sức khỏe để đáp ứng công việc đặc thù này. 
Thù lao lên đến “tám con số”

Food stylist góp một phần quan trọng giúp các doanh nghiệp thực phẩm phát triển. Đa phần, food stylist sẽ làm việc tự do. Để bắt đầu, người muốn theo nghề này có thể làm trợ lý cho những food stylist chuyên nghiệp, các đầu bếp, các dự án quảng bá ẩm thực… Sau đó, dần học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng, thêm kinh nghiệm làm nghề để có thể hoạt động độc lập. Thông qua việc tự tạo một “profile” ấn tượng, họ sẽ có thể xây dựng mối quan hệ với những công ty quảng cáo để hợp tác trong những dự án ẩm thực lớn hơn. 

Khách hàng của food stylist có thể là ông chủ nhà hàng năm sao, doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị phát hành sách, in ấn… Thông thường, họ đều là những doanh nghiệp lớn, sản phẩm làm ra được sử dụng lâu dài trong chiến dịch marketing, bán hàng. Vì vậy, thù lao mà food stylist được chi trả có thể lên đến tám con số nếu đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Những bức ảnh đẹp còn có thể bán trên các diễn đàn nhiếp ảnh. 

Ngoài ra, food stylist cũng có thể kiếm tiền từ các yêu cầu chụp ảnh sản phẩm, quảng cáo thông thường không liên quan đến ẩm thực. Tương tự nhiều công việc khác, các food stylist tiến xa thành một chuyên gia, có những dự án “khổng lồ” hơn nhờ sự cầu tiến, chăm chỉ của họ.

Hiện tại Việt Nam chưa có đào tạo chính quy ngành food styling. Song, người muốn theo học có thể tham khảo bằng hai cách: tự học và học khóa ngắn hạn. Có khá nhiều trang blog về ẩm thực, food styling để bạn tìm hiểu về cách sắp đặt, gu thẩm mỹ như Meo Thùy Dương, Ducan Kitchen, VietNam Food Stylist, Cook Republic… Sách tham khảo về food styling: The food stylist’s handbook, Plate to pixel, Food photography for bloggers, Food photography – from snapshots to great shots…Để tìm kiếm khóa học ngắn hạn, bạn có thể tham khảo tại trường Hướng Nghiệp Á Âu và trang web foodstylistvn.com.

Vũ Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Tổ chức ngày Chung tay gói quà trước thềm Caravan lần...

0
CLB Doanh nhân 2030 tổ chức Ngày Chung tay ráp 200 xe đạp, gói quà, dán decal… chuẩn bị cho hành trình về Kon...

Buýt vi vu: 4 địa điểm nên dừng chân khám phá...

0
(SGTT) - Đình Đông Phú, hội quán Sùng Chính, chùa Sùng Quang hay công viên Đầm Sen… là những điểm du khách có thể...

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thanh đạm với bún gạo...

0
(SGTT) – Bún gạo lứt kết hợp cùng nước lèo thanh ngọt từ xương heo hoặc gà mang đến cho thực khách bữa trưa...

Kết nối