Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

TPHCM: Đủ chỗ học cho học sinh trong năm 2023-2024

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, dù năm học 2023-2024, số học sinh của thành phố tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT, nhưng thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trên địa bàn, đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết đáp ứng đủ nhu cầu lớp học cho học sinh trên địa bàn thành phố trong năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: M.Thảo.

Theo cổng thông tin Thành ủy TPHCM, liên quan đến công tác chuẩn bị năm học 2023-2024,  Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố dự kiến năm học này, toàn thành phố tăng 35.055 học sinh, tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT và tập trung tại thành phố Thủ Đức,  quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Trong năm 2023, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng 48 dự án với 672 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 371 phòng, dự kiến đưa 27 dự án với 441 phòng học mới vào sử dụng ngày 5-9 và 21 dự án với 231 phòng học mới tiếp tục đưa vào sử dụng sau khai giảng.

Như vậy theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học này vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh sinh sống trên địa bàn thành phố, đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đề xuất UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.

Trong đó tập trung xây trường tại các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất, như quận 7, 12, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh. TPHCM cũng có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.

T.Huy

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối