(SGTT) – Theo đại diện của một số bệnh viện có triển khai kỹ thuật mổ tim trên địa bàn TPHCM, hiện Protamin sulfat – thuốc cầm máu và chống đông máu, chỉ sử dụng trong quy trình mổ tim và lồng ngực vẫn còn để tiếp tục sử dụng trong những tháng sắp tới. Cũng trong ngày 17-8, thông tin từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat đã về đến Việt Nam và được chuyển đến các bệnh viện để sẵn sàng phục vụ nhu cầu mổ tim cho người bệnh.
- Sở Y tế TPHCM nói không thiếu thuốc tại các bệnh viện mổ tim
- Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, Bộ Y tế gia hạn đăng ký lưu hành 133 loại thuốc
- Bệnh viện thiếu thuốc nhưng gần 3.500 túi thuốc trị sốt xuất huyết hết hạn, chờ hủy
Đủ thuốc dùng phẫu thuật tim
Những ngày qua, nhiều thông tin cho rằng, một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang bị thiếu thuốc Protamin sulfat để phục vụ phẫu thuật tim. Trước những thông tin phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, Sở Y tế TPHCM đã khẳng định các bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn đáp ứng đủ thuốc cho phẫu thuật tim.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) – nơi có triển khai kỹ thuật mổ tim, cho biết đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chưa nhận được thông tin từ khoa dược của bệnh viện nói về tình trạng thiếu thuốc đông máu Protamin sulfat. Do đó, quá trình phẫu thuật tim vẫn được diễn ra theo kế hoạch. Đối với những ca bệnh đang chờ phẫu thuật tim, hội đồng chuyên môn của bệnh viện vẫn họp để đánh giá, chẩn đoán bình thường.
Nói về nguy cơ thiếu thuốc, vị lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, kho dược của đơn vị này đã có báo cáo thuốc chống đông máu vẫn còn để tiếp tục sử dụng trong những tháng sắp tới. Đối với những loại thuốc hiếm, có nguy cơ thiếu hụt thì bệnh viện sẽ thực hiện việc đấu thầu gối đầu nhằm đảm bảo cung ứng đủ cho bệnh nhân điều trị bệnh.
Ngoài ra, theo một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM), hiện đơn vị này cũng không có tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat – một hoạt chất không thể thiếu khi triển khai kỹ thuật mổ tim hở. Hiện bệnh viện này còn hơn 400 ống thuốc có thể sử dụng trong vòng một năm.
Nếu xảy ra trường hợp thiếu hụt thuốc, đơn vị này sẽ có nguồn thuốc khác để bổ sung. Ngoài ra, Protamin sulfat là loại thuốc hiếm nên đơn vị này cũng chủ động lên kế hoạch dự trù nhập thuốc để đảm bảo quá trình điều trị cho bệnh nhân thuận lợi.
Nhập thêm 28.000 ống thuốc đông máu giải nguy cơ ngưng mổ tim
Trong ngày 17-8, thông tin từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat đã về đến Việt Nam. Các đơn vị đang chuyển đến các bệnh viện để dùng phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Như vậy, với thêm 28.000 ống thuốc Protamin sulfat – thuốc cầm máu và chống đông máu, các bệnh viện chuyên khoa tim mạch và cơ sở y tế triển khai mổ tim có thêm nguồn thuốc để sẵn sàng phục vụ nhu cầu mổ tim cho bệnh nhân.
Trước đó, có một số thông tin phản ánh về tình trạng một số bệnh viện thông tin thiếu thuốc Protamin sulfat, các đơn vị phải xoay xở, “đi mượn” các bệnh viện khác để thực hiện phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện phải giảm công suất phẫu thuật. Cụ thể là Bệnh viện E (Hà Nội) đã phải giảm công suất phẫu thuật từ 1,5 tháng nay, xuống còn 50% so với mức bình thường.
Lý giải về tình trạng thiếu hụt thuốc, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho rằng vì Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.
Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.
Vì vậy, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho thị trường Việt Nam; đồng thời nếu chờ để sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài, khoảng vài tháng.
Minh Thảo