Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Thực phẩm Tết ‘nhà làm’: mua bằng niềm tin, chất lượng may rủi

(SGTT) – Hiện nay, nhiều người tiêu dùng lo ngại hoá chất công nghiệp có trong thực phẩm nguy hại đến sức khoẻ nên chuyển sang tìm mua các loại mặt hàng bánh kẹo, giò chả, mứt Tết… được gắn mác ‘nhà làm’. Việc mua bán các sản phẩm này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua với những cam kết miệng, không có đơn vị kiểm chứng chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động mua và bán các sản phẩm ‘nhà làm’ vẫn rất nhộn nhịp, đắt hàng.

Đến hẹn lại lên, thực phẩm ‘nhà làm’ đắt hàng giáp Tết

Càng gần đến Tết Nguyên đán 2024, số lượng người bán thực phẩm nhà làm càng tăng. Khi có nhu cầu, chỉ cần gõ từ khóa ‘thực phẩm Tết nhà làm’ trong các hội nhóm trên mạng xã hội, người tiêu dùng có thể tiếp cận được rất nhiều những sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt và mẫu mã đa dạng.

Một số sản phẩm được người bán khẳng định 100% là hàng làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại. Thời điểm này, những thực phẩm chế biến thủ công, được rao bán nhiều nhất là giò chả, lạp xưởng, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô, bánh quy, kẹo hạnh phúc, mứt…

Những ngày cận Tết này, chị Phan Hoài Thu, một đầu mối bán mứt dừa non tại quận Bình Tân (TPHCM), đang tất bật để cho ra những mẻ mứt dừa kịp giao cho khách. Năm nay, mứt dừa non do cơ sở sản xuất tại nhà của chị Thu được bán ra thị trường gồm nhiều vị như trà xanh, ca cao, lá dứa, lá cẩm, gấc…

Loại mứt này có nhiều mức giá khác nhau. Theo đó, mứt dừa sáp non có giá 650.000-700.000 đồng/kg, mứt dừa xiêm non từ 350.000-500.000 đồng/kg, các loại mứt dừa non khác từ 250.000-300.000 đồng/kg. Do được làm từ dừa non cùng sữa tươi và đường phèn nên so với các loại mứt trái cây trên thị trường Tết, mứt dừa non nằm ở phân khúc giá cao nhưng vẫn rất hút khách hàng tìm mua.

Mùa Tết năm ngoái, chị sản xuất và bán ra gần 1,3 tấn mứt dừa non. “Năm nay, kinh tế khó khăn, người dân đều thắt chặt chi tiêu nhưng số lượng khách sỉ và lẻ đặt hàng trong dịp Tết này cũng đạt gần 1 tấn. Do số lượng khách đặt hàng nhiều, tôi phải tuyển thêm hai nhân viên thời vụ để hỗ trợ khâu sản xuất và đóng gói”, chị Thu nói.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cơ sở của chị Thu đã đầu tư hệ thống máy hút chân không, bao bì đóng hộp và nhãn mác đầy đủ. Để khách hàng an tâm hơn, các quy trình từ chọn nguyên liệu đến chế biến cũng thường được chị quay, chụp và đăng tải lên mạng xã hội.

Sản phẩm mứt dừa non nhà làm thu hút nhiều khách hàng đặt mua trong dịp Tết năm nay. Ảnh: NVCC

Lựa chọn kinh doanh lạp xưởng vào dịp Tết, chị Lưu Hà, ngụ tại quận Tân Phú, cho biết đây là thời điểm sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Những ngày thường, chị Hà chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ cho gia đình, bạn bè và một số khách hàng quen. Dịp cận Tết, chị bắt đầu nhận nhiều đơn đặt hàng sỉ và lẻ cho lạp xưởng.

Hiện chị Hà đã nhận được hơn 70kg lạp xưởng đặt hàng. Khách hàng chủ yếu của chị là người quen, đã đặt hàng nhiều lần và biết chất lượng nên tin tưởng đặt tiếp. “Dù là thực phẩm tự làm nhưng sản phẩm của tôi đều được đóng gói và hút chân không cẩn thận, đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng”, chị Hà cho biết.

Nói về vấn đề an toàn thực phẩm, chị Hà cho rằng sản phẩm gắn mác nhà làm chỉ nên được bán cho một nhóm khách hàng nhỏ. Nếu có xảy ra bất kỳ sự cố gì, người làm ra sản phẩm có thể dễ dàng nắm bắt, hỗ trợ. “Còn với các cửa hàng bán rộng rãi, phổ biến thì tất nhiên cần đăng ký với cơ quan chức năng về an toàn về vệ sinh thực phẩm”, chị Hà bày tỏ quan điểm.

Không thể phủ nhận có nhiều người đã tạo được thành công, uy tín riêng khi kinh doanh thực phẩm nhà làm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội hiện không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Bên cạnh đó, một số người bán còn sử dụng lại hình ảnh sản phẩm của các cơ sở làm ăn chân chính để quảng cáo. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng, tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.

Nguồn gốc trôi nổi, khó kiểm soát chất lượng

Trước tình trạng nở rộ kinh doanh thực phẩm nhà làm hiện nay, ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, nhìn nhận hầu hết các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng thực phẩm nhà làm thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin. Do đó, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn khó kiểm soát chất lượng của những sản phẩm này.

Dù được đảm bảo bằng uy tín cá nhân nhưng ông Hải cho rằng nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm nhà làm vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do không ổn định về chất lượng giữa các lần sản xuất; nguyên liệu đầu vào, phụ gia sử dụng không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng; không có quy trình sản xuất cụ thể. Ngoài ra, phương tiện chế biến, cách bảo quản và thành phẩm không được kiểm tra, giám sát định kỳ…

Bên cạnh các loại mứt, củ kiệu ngâm cũng là một trong những sản phẩm được người dân ưa chuộng dịp Tết. Ảnh: MT

Trao đổi thêm với KTSG Online về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết: “Nếu thực phẩm được gắn mác ‘nhà làm’ không có nhãn mác, sản xuất theo quy định thì hãy để người trong gia đình tự ăn với nhau. Còn một khi thực phẩm được bán ra cộng đồng và thu lợi nhuận, người sản xuất cần phải tuân thủ tất cả những quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.”

Theo đó, những thực phẩm chế biến đóng gói phải tự công bố theo các tiêu chuẩn chất lượng, có phiếu kiểm nghiệm, quy trình sản xuất. Ngoài ra, người trong khâu chế biến phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không bị các bệnh truyền nhiễm… Dựa vào những thông tin này, người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm.

Bà Lan cũng cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc quản lý thực phẩm nhà làm, trong khi đó thị phần đang ngày càng mở rộng hơn. Đa số thực phẩm nhà làm được rao bán trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Vì đây là hình thức mới phát sinh trong những năm gần đây nên những quy định bán hàng trực tuyến chưa có đầy đủ. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm gọi là nhà làm nhưng được rao bán qua mạng để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

Để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm nhà làm ở những địa chỉ đáng tin cậy, có thương hiệu, uy tín để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Hiện Sở An toàn thực phẩm thành phố vẫn đang kiểm tra các cơ sở sản xuất, cũng như nghiên cứu, đề xuất những mô hình để quản lý thực phẩm nhà làm phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, khi phát hiện những cơ sở bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân có thể thông báo qua số đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TPHCM là 02839301714 để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ ăn đạm có giúp giảm cân nhanh sau Tết?

0
(SGTT) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp giảm cân chỉ ăn chất đạm như ức gà, thịt bò nạc… có thể...

Số lượt khách đến TPHCM dịp Tết tăng so với năm...

0
(SGTT) - Trong 15 ngày Tết Nguyên đán 2024, có khoảng 3,6 triệu lượt khách đến TPHCM, tăng 5% so với cùng kỳ năm...

Da khô ráp, nổi mụn ồ ạt: Bác sĩ chỉ cách...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ Tết vừa qua, một số chị em phụ nữ có thói quen trang điểm kỹ càng để trông diện mạo...

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Năm rồng nói chuyện rắn bay

0
(SGTT) - Những tiếng rào rào kéo dài từ dưới mái tranh lan nhanh về phía những ngọn cây ở cuối góc vườn. Trời...

Mùng 5 Tết, người dân trở lại TPHCM, cửa ngõ miền...

0
(SGTT) - Trong ngày nghỉ cuối của Tết Nguyên đán, nhiều người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ trở lại TPHCM làm việc. Trên...

Kết nối