(SGTTO) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin nhiều người rủ nhau ăn cơm gạo lứt muối mè thực dưỡng để chữa bách bệnh, thậm chí chữa hẳn cả ung thư. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thực dưỡng không giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà còn làm sức khỏe suy kiệt, giảm sức đề kháng và suy dinh dưỡng.
Giá trị tinh thần là chính
Gạo lứt là một loại ngũ cốc lành mạnh được người ăn kiêng, giảm cân tin dùng… Tuy nhiên, hiện nay, người bán lẫn người mua lại đang lạm dụng loại thực phẩm này một cách quá mức, khi xem đây là "thần dược" trong chế độ ăn thực dưỡng.
Một người thường xuyên bán gạo lứt đã thành lập một diễn đàn mang tên “Thực dưỡng…” để chia sẻ với nhiều người thông tin về chế độ ăn này. Cụ thể, người này khuyến khích một tuần bảy ngày chỉ nên ăn cơm gạo lứt và muối mè, uống trà thất vị (bốn loại gạo và ba loại đậu), trà gạo lứt hoặc trà bancha, trà đậu đỏ, trà bồ công anh, trà gạo lứt với đậu đỏ, nước trinh nữ hoàng cung nếu ai đủ kiên nhẫn chế biến... "Tốt nhất nên uống trà thất vị với trà củ sen và trà củ ngưu bàng. Khi ăn thực dưỡng, chỉ được phép ăn duy nhất bí đỏ để trị táo bón. Ăn trong 10 ngày bệnh sẽ thuyên giảm 70% đến 80%", người này nói.
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết thực dưỡng mang ý nghĩa thanh lọc và có giá trị tinh thần là chính.
Cám gạo trong gạo lứt là thành phần duy nhất mà gạo trắng không có, tạo ra sự khác biệt khiến người người ngợi ca công dụng của gạo lứt. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất như magiê, mangan, phốt pho và có nhiều hơn đến 40% protein so với gạo trắng. Đặc biệt, cám gạo còn chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol, chống oxy hóa cao gấp 4 lần vitamin E.
Tuy nhiên, muốn tận dụng được thành phần dinh dưỡng của cám gạo thì chỉ có cách ép thành dầu gạo - thứ thực phẩm người Nhật nhiều năm nay hay dùng trong công nghiệp làm đẹp và đương nhiên, có thể thay thế nhiều loại dầu thực vật khác trong bữa ăn vì nó chứa nhiều vitamin, a xít béo không no ở tỷ lệ khá cân bằng.
Đặc biệt, gạo lứt khi nấu lên và ăn sẽ vô cùng mỏi răng, người ăn cần nhai kỹ trước khi nuốt. Đó là lý do vì sao, sau nhiều thế kỷ từ khi con người biết đến cây lúa, họ lại chọn gạo trắng làm thức ăn chính chứ không phải gạo đỏ.
Muốn sống khỏe, hãy ăn sạch, điều độ và tập thể dục. Tiêu hóa muốn tốt thì ăn gạo trắng, còn muốn ăn cám thì thêm dầu gạo, vậy là đủ, bác sĩ Tiến đưa ra lời khuyên.
Không chết vì bệnh, chết vì suy kiệt!
Hầu hết các chuyên gia điều trị về ung thư cho biết, các bệnh nhân khi bị ung thư áp dụng chế độ ăn thực dưỡng đều nhập viện trong tình trạng suy kiệt, ung thư di căn, đau đớn, tràn dịch màng phổi... Các bác sĩ hết sức bất ngờ vì bệnh nhân tin theo phương pháp thực dưỡng để chữa bệnh ung thư với chế độ nhai cơm lứt, muối mè.
Nhiều người bỏ thuốc, bỏ xạ trị, hóa trị, một thời gian dài chỉ ăn cớm lứt với muối mè dẫn đến suy kiệt cơ thể, sụt cả chục cân, cơ thể tiều tụy, mất sức mới nhập viện cấp cứu. Do đó, các bác sĩ khẳng định rằng, điều trị ung thư bằng chế độ ăn thực dưỡng là phản khoa học. Đây là phương pháp ăn uống thiếu chất, làm cơ thể suy kiệt, suy giảm sức đề kháng và bệnh nhân chết nhanh hơn.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết thực tế Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã chứng kiến có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, sụt trên 10kg trong 2 tháng do chỉ ăn ít gạo lứt muối mè. Thế nhưng khối u chẳng những không teo mà còn lớn hơn so với 2 tháng trước, di căn hay xâm lấn cấu trúc xung quanh.
Theo BS. Tường, về mặt sinh học, khối ung thư phát triển là một diễn tiến tự nhiên, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là dinh dưỡng. Hơn nữa, khối ung thư có mạch máu nuôi thông nối với mạch máu người bệnh, vì vậy nhịn đói là "cả hai" cùng đói, người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng nặng nề hơn. Nguy hiểm hơn, khi người bệnh suy dinh dưỡng thì không thể thực hiện được các phương pháp điều trị: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Chế độ ăn kiêng, nhịn ăn sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nhân chưa chết vì bệnh ung thư thì đã chết vì cơ thể suy kiệt.
Thay vì kiêng khem món này món kia, hãy ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; thay vì ngồi "cào bàn phím" thì hãy đứng dậy, đi ra ngoài và tập thể dục giúp máu lưu thông, tiêu tốn bớt năng lượng thừa, cơ thể khỏe lên. Hệ thống miễn dịch từ một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại được nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài hơn.
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, việc ăn sạch, ăn khoa học và điều độ, cân bằng các yếu tố dinh dưỡng trong bữa ăn là rất cần thiết. Mỗi bữa ăn cần đầy đủ chất đạm, đường và chất béo theo tỷ lệ nhất định. Việc kiêng khem phiến diện bất kể chất nào cũng có nguy cơ gây mất cân bằng cho cơ thể, từ đó khởi phát nhiều hệ lụy bệnh tật.
Theo GS. BS Nguyễn Chấn Hùng, chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.Hơn thế, nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó năng vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Hoàng Nhung