Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Thiên đường ăn vặt ngày tết trong mắt giới trẻ Bình Định

Ẩm thựcBạn cần biếtThiên đường ăn vặt ngày tết trong mắt giới trẻ Bình Định
(SGTT) - “Về quê ngày tết, mình chắc chắn tìm những món ăn vặt đầu tiên. Đối với mình đồ ăn vặt ở Bình Định là một điều gì đó lưu luyến những bạn trẻ xa quê. Thật đặc biệt khi có món chỉ bán giá 1.000 đồng”, Từ Giuy, bạn trẻ Bình Định về quê ăn tết cho hay.

Vốn là mảnh đất được yêu thích bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những món đặc sản khó quên, nơi đây còn là thiên đường của những món ăn vặt chế biến từ nguyên liệu tại vùng. Mỗi khi tết đến, bạn trẻ lại có dịp tìm về những món ăn vặt gắn liền ký ức tuổi thơ.

Kim Chi, làm công việc kế toán tại TPHCM về quê ăn tết chia sẻ: “Đồ ăn vặt ở Sài Gòn thường là món Hàn Quốc, Thái Lan, fast food… Tuy phong phú nhưng không thể hiện nét đặc trưng riêng, mình vẫn thích đồ ăn vặt ở quê (Bình Định) hơn, vừa rẻ lại vừa ngon”. Đồ ăn vặt ở Bình Định thể hiện rõ nét đặc trưng của vùng miền và con người nơi đây. Danh sách sau đây chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú!

Chả cá Bình Định

Chả cá Bình Định được làm từ các loại cá biển đánh bắt tại vùng như cá mối, cá lạt, cá hồng… kết hợp cùng gia vị, hành, tiêu xay. Chả cá sau sơ chế được ép thành từng miếng mỏng, khi ăn chiên hoặc nướng. Món ăn này ngon nhất vẫn là khi nướng trên bếp than hồng cho cháy xém một chút, cuốn với rau răm và chấm cùng thứ tương được pha theo công thức đặc biệt.

Chả cá Bình Định (trên, bên phải) được giới trẻ chọn ăn kèm thịt nướng. Ảnh: Bích Duy

Chả cá Bình Định là món ăn độc đáo và khác biệt so với chả cá của những tỉnh khác. Đặc biệt, món ăn này khiến nhiều du khách ngạc nhiên khi giá chỉ từ 1.000 đồng/miếng.

Lụi - Xiên

Lụi và xiên là cách gọi đơn giản của người dân Bình Định về món ăn vặt được chế biến từ thịt heo xay, tôm và những thứ gia vị quen thuộc khác. Lụi có lớp vỏ làm từ bánh tráng, nhân được cuốn bên trong là thịt xay, tôm, có thể có cá xay kết hợp với gia vị. Xiên chính là thịt heo tẩm ướp. Hai món này phải được nướng trên lửa than, đợi đến khi màu sắc chuyển thành vàng cam, cháy xém một chút thì càng thơm và đậm vị.

Món ăn ngon khi ngồi đợi người nướng và chờ thưởng thức. Ảnh: Bích Duy

Khi ăn cuốn với rau răm, dưa chua làm từ cà rốt, củ cải hoặc đu đủ, rồi chấm vào thứ nước tương đặc biệt được pha theo công thức riêng của người bán hàng. Thịt nướng hay chả cuốn thì không phải chỉ Bình Định mới có, nhưng lụi và xiên nướng của nơi đây lại hoàn toàn khác biệt. Giá của xiên nướng là 2.000 đồng và lụi chỉ 1.000 đồng/chiếc.

Nem Chợ Huyện

Nem chua từ lâu đã không còn xa lạ với thực khách bởi hầu như mỗi vùng miền đều có món nem chua mang hương vị đặc trưng riêng. Như nem ở Thanh Hóa có vị chua cay, nem ở Huế ít chua hơn hẳn các vùng, trong khi nem ở miền Nam lại đặc biệt ngọt hơn. Vậy nhưng, nem Chợ Huyện ở Bình Định khác biệt bởi có đủ các hương vị từ ngọt, mặn đến chua, cay, dai, giòn.

Nem Chợ Huyện ở Bình Định có hương vị khác biệt. Ảnh: Bích Duy

Nem được bán theo chiếc có giá từ 2.000 - 4.000 đồng, hoặc bán theo gói gồm 20 chiếc. Điểm đặc biệt khi ăn món này chính là người bán để nguyên lá ổi bọc bên ngoài nem và nướng trên lửa than hồng đến khi mùi thơm của lá ổi bốc lên, nem được nướng đều các mặt thì thưởng thức ngay. Nếu muốn món ăn tròn vị, thực khách cuốn nem kèm rau răm, chấm nước tương và cắn một miếng tỏi tươi sống.

Bánh cuốn Tây Sơn

Người dân Bình Định hay nói rằng, bánh cuốn là thứ lương khô của nghĩa quân Tây Sơn khi hành quân đường dài. Theo thời gian, món ăn này trở thành một phần ẩm thực không thể thiếu của người dân xứ Nẫu.

Món ăn mang trong mình một câu chuyện lịch sử. Ảnh: Bích Duy

Bánh cuốn có vỏ làm từ bánh giòn, một thức quà đặc sản của Bình Định, cuốn bên trong là chả lụa, nem chua hoặc nem nướng, trứng vịt luộc, đậu chiên, chả ram, thịt nướng… cùng các loại rau thơm và vài lát dưa leo.

Nước chấm được làm từ nước mắm ớt tỏi pha với bơ đậu phộng xay nhuyễn và chanh tươi. Vị béo, thơm của thịt nướng, trứng vịt hoàn quyện với cái giòn tan của chả ram và vị cay nồng của ớt khiến thực khách vương vấn mãi. Bánh có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy vào nguyên liệu được cuốn.

Bánh tráng trứng

Đơn giản chỉ là một cái bánh tráng để trên bếp lửa, sau đó đập 1 - 2 quả trứng gà, cho thêm hành lá, cầu kỳ hơn thì cho thêm thịt heo xay nhuyễn đã ướp sẵn gia vị. Tiếp đến, đánh đều tay để phủ hết nguyên liệu lên bánh tráng, nướng xung quanh cho đến khi bánh tráng chín đều là có thể thưởng thức.

Bánh tráng trứng. Ảnh: Bích Duy

Điểm độc đáo của món ăn này chính là ăn kèm với tương ớt rim đặc trưng của Bình Định. Tương ớt có đủ vị ngọt, mặn đến cay nồng, kết hợp với vị béo của trứng, cái giòn tan của bánh tráng nóng hổi. Giá của bánh tráng trứng dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/cái, được bán nhiều ở các khu ẩm thực tại thành phố Quy Nhơn.

Cắc cụp

Cắc cụp là cách gọi ngày xưa của món gỏi khô bò tại TP Quy Nhơn. Cách gọi này bắt nguồn từ việc người bán gỏi ngày xưa dùng một chiếc kéo thật to và chắc chắn để cắt những lát thịt bò khô, tiếng kéo cắt vào nhau tạo nên âm thanh “cắc - cụp”. Cái tên cắc cụp cũng ra đời từ đó.

Ở Sài Gòn, món ăn này có tên gọi là gỏi khô bò. Ảnh: Bích Duy

Cắc cụp có cách ăn đơn giản khi cho những sợi đu đủ được thái mỏng lên đĩa, cho gan bò thái nhỏ, thịt bò khô lên bên trên, rắc thêm đậu phộng, rau răm và một thứ nước dùng với thành phần chính là dấm pha theo công thức gia truyền của người bán, trên cùng cho thêm vài chiếc bánh phồng tôm lên bên trên. Món ăn vặt đầy đủ dinh dưỡng này có giá chỉ từ 10.000 đồng/đĩa.

Tàu hủ Má Lan

“Má Lan” là cách gọi thân thương mà người dân trong vùng đặt cho gánh đậu hũ của cô Lan tại xã Mỹ An, Phù Mỹ. Món tàu hủ được làm hoàn toàn thủ công từ hạt đậu nành. Tàu hủ Má Lan đặc biệt ở chỗ vẫn giữ được màu sắc của hạt đậu nành chứ không bị ngả sang màu trắng đục như những nơi khác; tàu hủ mềm mịn nhưng không dễ nát, ăn vào tan ngay trong khoang miệng. Món tàu hủ được ăn kèm với nước đường, vài lát gừng thơm nồng và nước cốt dừa béo ngậy.

Chén tàu hủ dung dị nhưng thơm ngon đến khó quên. Ảnh: Bích Duy

Món ăn đơn giản này đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Mỹ An. Mỗi ngày, gánh đậu hủ đi bán khắp các nẻo đường quen thuộc với giá mỗi chén chỉ 3.000 - 4.000 đồng.

Bích Duy