Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tăng lực cho “cầu nối” bình ổn thị trường

Vũ Yến

Đưa hàng hóa phong phú đến tay người dân, với giá thấp hơn mặt bằng chung 5-15%, là có sự đóng góp khá lớn của các kênh phân phối-bán lẻ với vai trò như những chiếc cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, theo ghi nhận của Sở Công Thương TPHCM. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết trong năm 2015 này sẽ tiếp tục phát triển mạnh hệ thống phân phối, mạng lưới bán lẻ trong chương trình bình ổn thị trường.

Chủ động nguồn hàng, cam kết giá rẻ

Vào mỗi chiều, sau giờ tan tầm, chị Minh Chi (quận Thủ Đức, TPHCM) thường ghé cửa hàng bình ổn thị trường Satrafoods trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) để mua thực phẩm cho bữa tối. Theo chị, thực phẩm phong phú và rẻ hơn thị trường chút đỉnh là lý do chị chọn những cửa hàng có tham gia chương trình này. Thêm vào đó, vì bảo quản trong không gian lạnh, mát nên thực phẩm giữ được độ tươi hơn so với chợ truyền thống buổi chiều.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại khu vực bán hàng bình ổn thị trường trong siêu thị Co.opMart.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại khu vực bán hàng bình ổn thị trường trong siêu thị Co.opMart.

Để tiếp cận được những yêu cầu của người tiêu dùng như trường hợp của chị Chi nói trên, theo các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, họ phải nỗ lực nhiều trong việc sắp xếp, củng cố lại mạng lưới phân phối-bán lẻ, từ chủ động về nguồn hàng hóa cho đến đầu tư quy mô các điểm bán hàng. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc kinh doanh Tổng công ty Thương mại Saigon (Satra), cho biết năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015, Satra tham gia chương trình bình ổn thị trường ở mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với gần 40.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 2.400 tỉ đồng. Trong chương trình năm nay, ông Khoa cho biết kế hoạch của Satra đăng ký tham gia bình ổn là 71.320 tấn hàng hóa.

Theo ông Khoa, để chuẩn bị tốt nguồn hàng cũng như có mức giá luôn thấp hơn thị trường 5-15%, Satra có thuận lợi ở chỗ vừa là nhà sản xuất vừa là đơn vị phân phối-bán lẻ với các đơn vị thành viên như Vissan, Cầu tre, Agrex, Cofidec, APT… Song song đó, Satra tập trung xây dựng vùng nguyên liệu tại các tỉnh, thành khác. Đây là các chương trình liên kết và xúc tiến thương mại với 35 tỉnh, thành của UBND TPHCM, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại (ITPC) thành phố.

Về phía Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc, cho biết để có đủ lượng hàng cung ứng hàng ngày cũng như những dịp lễ, tết, Saigon Co.op gắn kết chặt chẽ với các nhà cung cấp chiến lược, các HTX nông nghiệp sản xuất. Theo bà Thủy, công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng luôn được chú trọng. Đơn cử, Saigon Co.op phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và đưa tiêu chuẩn VietGAP thành điều kiện nhập hàng vào hệ thống của mình, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả.

Còn tại hệ thống Lotte Mart, ông Trần Văn Chúc, Giám đốc ngành hàng thực phẩm tươi sống, cho biết năm 2014 Lotte Mart có gần 500 mã trong tổng lượng 20.000 mã sản phẩm hàng hóa là hàng bình ổn thị trường. Tại TPHCM, Lotte Mart có ba siêu thị đạt lượng hàng hóa bình ổn tiêu thụ khoảng 5,2 tỉ đồng/năm. “Năm 2015, nhóm hàng bình ổn thị trường của siêu thị dự kiến tăng 20% so với năm trước, trong số đó mặt hàng sữa bột tăng 117 mã sản phẩm, gạo khô 30 mã sản phẩm, sữa 179 mã sản phẩm”, ông Chúc liệt kê.

[box type=”download”] Liên quan đến chương trình bình ổn thị trường, ngoài các kênh siêu thị, hiện thành phố có gần 9.000 điểm bán tại các khu vực ngoại thành, chợ truyền thống, các khu chế xuất-khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân đã được phát triển. Bên cạnh đó, những chuyến bán hàng lưu động thường xuyên được tổ chức. Đơn cử, trong năm 2014 đã có hơn 1.300 chuyến bán hàng được thực hiện.[/box]

Những rào cản

Bên cạnh những thuận lợi, đại diện các hệ thống phân phối chia sẻ, quá trình đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng cũng gặp không ít khó khăn. Ông Khoa cho biết, do cam kết cung ứng đầy đủ lượng hàng hóa đã đăng ký với giá cả ổn định trong suốt kỳ bình ổn thị trường nên các doanh nghiệp tham gia phải dự trữ một lượng lớn hàng hóa để chủ động trong nhiều tình huống.

Tuy nhiên, thị trường luôn biến đổi khó lường, có lúc thị trường thiếu hàng hóa thì những điểm bán hàng bình ổn phải chịu áp lực rất lớn. Ngược lại, khi thị trường có sức mua yếu, khiến lượng hàng dự trữ tồn kho nhiều, chi phí phát sinh thêm dẫn đến nguy cơ mất luôn lợi nhuận từ sản phẩm tham gia chương trình. Vì vậy, khâu dự báo thị trường và dự trữ hàng hóa luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn.

Tại Lotte Mart, ông Chúc nói rằng, việc thông tin giữa các nhà cung cấp hàng hóa với nhau còn chậm, các doanh nghiệp còn hạn chế trong khâu thông tin hàng bình ổn đến với khách hàng. Theo ông Chúc, Sở Công Thương thành phố cần đẩy mạnh việc quảng bá chương trình bình ổn thị trường để những doanh nghiệp tham gia, cũng như khách hàng hiểu nhiều hơn.

Hệ thống phân phối sẽ lớn hơn

Theo đại diện một số siêu thị và hệ thống bán lẻ, điều cốt lõi trong chương trình bình ổn thị trường là làm thế nào hàng hóa phải được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Đó chính là một trong những lý do các hệ thống bán lẻ không ngừng phát triển mạng lưới phân phối. Theo bà Thủy, tính đến nay, Saigon Co.op đã có 348 điểm phân phối hàng bình ổn thị trường. Cụ thể, hàng hóa thuộc chương trình này được bán tại 73 siêu thị, một đại siêu thị Co.opXtra, 87 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và 187 cửa hàng Co.op trên cả nước.

Theo ước tính của Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ của họ đã tham gia phân phối và quảng bá chương trình bình ổn đến với khoảng 300.000 lượt người tiêu dùng tham quan mua sắm mỗi ngày. Trong năm nay, Saigon Co.op sẽ mở thêm sáu siêu thị, một đại siêu thị Co.opExtra, 30 cửa hàng Co.op Food, và một trung tâm thương mại Sense City.

Về phía Satra, ông Ngô Việt Hùng, Trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Satramart, cho biết hai siêu thị Satramart sẽ đi vào hoạt động trong năm nay và như vậy Satra sẽ có năm siêu thị. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 20-30 cửa hàng Satrafoods dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian tới, nâng tổng số cửa hàng lên 70-80.

Đối với hệ thống bán lẻ Lotte Mart, ông Chúc cho biết, hiện nay đơn vị mới tham gia bình ổn thị trường tại ba điểm kinh doanh (Lotte Mart Nam Sài Gòn, Lotte Mart Phú Thọ và Lotte Mart Tân Bình), nhưng thời gian tới việc đưa hàng bình ổn thị trường rộng khắp các cửa hàng siêu thị Lotte Mart sẽ được xem xét. “Trong kế hoạch 2015, việc đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng qua chương trình bình ổn thị trường vẫn được thực hiện với số lượng tăng 20-40%”, ông Chúc nói thêm.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết hệ thống phân phối trong chương trình bình ổn thị trường liên tục phát triển và ngày càng hiện đại. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi tham gia bình ổn thị trường đã có mặt trên địa bàn 24 quận, huyện, xen kẽ vào trong khu dân cư, các chợ truyền thống… “Trong năm 2015, tiếp tục phát triển hệ thống phân phối, đa dạng hóa mô hình mạng lưới điểm bán, tập trung phát triển điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất-khu công nghiệp, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, khu lưu trú công nhân”, bà Đào cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Siêu thị cam kết giữ giá, khuyến mãi hàng hóa để...

0
Dù giá cả đầu vào vẫn đang tăng nhưng nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM đã cam...

Nhiều tỉnh thành lên phương án bình ổn thị trường hàng...

0
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết...

TPHCM: từ tháng 4-2022, nhiều khả năng thịt và trứng gia...

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, vừa phòng chống dịch, chi phí nguyên vật...
mua sắm tết

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhìn từ góc độ...

0
Đã đến lúc cần nhìn nhận thực chất hơn quy định liên quan đến “trách nhiệm sản phẩm”, vốn là gốc rễ của quan...

Chương trình khuyến mãi tập trung năm 2021 chính thức khởi...

0
(SGTT) - Ngày 15-11, chương trình khuyến mại tập trung 2021 với tên gọi “Shopping Season 2021” chính thức được khởi động với chủ...

Phải đảm bảo đủ thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán

0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký và ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp...

Kết nối