Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Sài Gòn cà phê xuyên đêm

Ngân Hà -

Cuộc sống về đêm của Sài Gòn, thành phố không ngủ, thời gian gần đây có thêm loại hình cà phê mở bán đến sáng. Ở đó có những người trẻ chạy đua với thời gian, lại có người lặng lẽ nhìn thời gian trôi đi để lấy lại cân bằng...

Một đêm cuối năm, chúng tôi ngồi lại với nhau ở góc nhỏ bên ngoài quán cà phê Thức ở quận Phú Nhuận. Tiết trời se se lạnh, cả nhóm bảo rằng thật may có ngôi quán này để có thể cảm được không khí cuối năm mà không phải dạo qua các con đường khuya.

Cày đêm ở cà phê

Càng về giữa đêm, quán Thức càng đông khách. Quán có hai tầng, riêng tầng trên đặt những bàn dài với ghế cao, khách có thể ngồi ngắm con đường phía dưới. Quán có nhiều khoảng không gian thiết kế tương tự như các co-working space - một dạng văn phòng chia sẻ, nơi người ta đến để có chỗ ngồi làm việc. Ngoài những dãy bàn có thể ngồi theo nhóm 4-5 người, bất kỳ ai cũng có thể ngồi vào chiếc bàn dài giữa quán, hòa vào những người không quen biết xung quanh. Từ 11 giờ khuya đến gần 2 giờ sáng, cả hai tầng chật cứng với khoảng gần 100 khách trong không gian chưa đầy 100 m2.

Ảnh: Thành Hoa

Có mặt ở quán từ 8 giờ tối, anh Phạm Phú Anh Huy (34 tuổi) và một đồng nghiệp mỗi người ôm một chiếc laptop ngồi đối diện nhau ở bàn sát vách tường. Huy là đạo diễn tự do. Hai người, một đạo diễn, một thiết kế tập trung cao độ để dựng chương trình cho một trò chơi truyền hình. Đồng hồ chầm chậm trôi. “Công việc cuối năm gấp quá mà cả hai phải làm cùng nhau nên chọn quán này để làm việc xuyên đêm”, anh nói.

Huy là một trong gần 30 vị khách đã bám trụ quán cà phê suốt đêm. Xung quanh anh, nhiều bạn trẻ cũng ngồi làm việc, thỉnh thoảng lơ đãng đưa mắt nhìn người qua lại như tìm lại sự tập trung.

“Tôi ở nhà có một mình nhìn bốn bức tường thấy bức bí, không tập trung làm việc được. Ra đây vì thích ồn ào, có không khí để làm việc”, anh Nguyễn Đức Tuấn, 27 tuổi, chủ một studio ở quận Tân Bình nói về lý do nghe có vẻ phi lý khi mang laptop ra cà phê ngồi làm album cưới cho khách. Đi một mình nên anh chọn ngồi gần ba sinh viên ngành thiết kế nội thất của Đại học Kiến trúc TPHCM đang mê mải làm đồ án.

Anh Dũng Tuấn, 30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, chuyên viên truyền thông, “khách ruột” của những quán cà phê đêm, lý giải thói quen cà phê sau nửa đêm của mình: “Tôi đi mấy quán này không phải vì nước uống hay vì thiết kế đẹp, độc đáo. Có những quán rất chật, rất đông đúc, ồn ào. Nhưng, ra đây để tìm năng lượng tích cực”. Quán anh hay ghé nằm ngay hông một bệnh viện ở quận 1. Anh kể ở đây mọi người biết mặt nhau dù không biết tên, có thể mượn sạc pin, mượn đồ đạc thoải mái. “Có những hôm phải làm gấp dự án cho khách hàng thì tôi ra đây ngồi. Nhìn mọi người qua lại sẽ dễ tìm được ý tưởng”, anh chia sẻ.

Đằng sau ly cà phê đắng

Không chỉ có những bạn trẻ đến để làm việc, bên ly cà phê đêm là những khuôn mặt mang nhiều tâm trạng. Họ tới quán chỉ ngồi lặng lẽ, trầm tư.

“Bạn trẻ tới đây thường chia thành bốn nhóm. Có nhóm thích thức khuya ngồi ngoài đường mà không thích nhậu nhẹt, có nhóm đang gặp khó khăn, bế tắc nào đó, thích la cà vô thức vì không muốn ở nhà. Cũng có nhóm phải làm việc chung hoặc thích ngồi cà phê làm việc”, chị Kim Ngân, quản lý một chuỗi quán cà phê 24/7 nằm rải rác ở quận 1, cho biết. Những quán cà phê đêm thường có vài ba bộ bàn ghế ngay vỉa hè cho các bạn trẻ thích ngồi ngắm đường phố hoặc những cặp đôi muốn có chút không gian riêng.

Chọn cho mình một chiếc ghế dọc bờ tường ở một quán cà phê đêm trên đường Pasteur, quận 3, Kim Xuân (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) ngồi lướt điện thoại với đôi mắt buồn rười rượi bên ly nước cam đã tan hết đá. Cô gái trẻ kể mình ở trọ chung với bạn trai sắp cưới nhưng gần đây họ chia tay, anh đã dọn ra ngoài. “Mấy đêm liền tôi không ở phòng vì sợ cảm giác đau đớn khi mà mọi thứ xung quanh quá quen thuộc”, Xuân kể.

“Sắp ra lề đường ở rồi, ra đây tập ngồi cho quen”, bạn trẻ tên Quân hài hước nêu lý do thường ngồi cà phê đến tận sáng. Là dân marketing, thất nghiệp nửa năm nay nhưng Quân vẫn chưa tìm được công việc khác. Nóng ruột, buổi tối Quân thường ra quán ngồi hết đêm để “khỏi cau có, nhăn nhó với mấy đứa cùng phòng” và giải tỏa tâm trạng.

Cà phê đêm cũng là nơi tụ tập của những người trẻ tan làm muộn, ít có thời gian đi chơi, hẹn hò. “Bạn mình làm phục vụ quán dọn dẹp tới 12 giờ đêm mới xong. Mình làm ở cửa hàng điện thoại 10 giờ là tan làm rồi nên ngồi đây đợi bạn về cùng. Lúc người ta đi chơi mình làm, lúc mình làm xong chẳng còn ai chơi nên cũng hay ra đây ngồi”, Nguyễn Thanh Thảo (23 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể.

Xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây nhưng những quán cà phê đêm đã kịp lưu vào ký ức của nhiều bạn trẻ thay vì quán bar, quán nhậu. Thái Vy (23 tuổi, thiết kế nội thất) kể hồi còn sinh viên cả nhóm hay ra một quán cà phê đêm làm đồ án chung. Ra trường rồi đi làm, thói quen cũ thì vẫn còn nên hầu như thứ Bảy nào cả nhóm cũng kéo vào cà phê đêm ngồi đến khoảng 1-2 giờ sáng. “Tụi mình không thích nơi quá ồn ào, xô bồ. Vào cà phê có thể nói chuyện thoải mái, giá lại vừa phải”, Vy bảo.

Quán cà phê G-coffee ở góc đường Hồ Xuân Hương cũng là điểm hẹn của Lưu Thành (17 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và nhóm bạn học chung từ thời cấp hai. Liền kề đó là một không gian khá vắng khách lúc về khuya được cả nhóm chọn để ôm đàn ca hát. Thành ngồi bấm guitar cho cả nhóm hát mấy bài hát tuổi teen. “Bọn tôi ở gần nhà nhau, hồi cấp hai chơi thân nhưng giờ lên cấp 3 mỗi đứa học mỗi nơi. Thỉnh thoảng kéo nhau ra đây uống coca hát mấy bài cho vui”, Thành nói.

Cà phê nửa đêm, cà phê 0 giờ…, thật khó hình dung! Nhưng nó đã hiện diện, đã góp mặt vào đời sống thị dân, bằng cách lý giải riêng của nhiều người trẻ được gọi là thuộc thế hệ Y, Z – thế hệ những người sinh sau năm 1980. Nó cũng góp thêm một nét chấm phá vào bức tranh đa phong cách của cà phê Sài Gòn. 

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối