Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Xúc cảm tết Sài Gòn

Ngân Long -

Người nơi khác nhìn sự năng động và náo nhiệt của Sài Gòn thường hay đùa rằng: “ngày nào ở Sài Gòn chẳng là tết!” Nhưng thực ra, ngày tết ở Sài Gòn có một phong vị mà đôi khi phải dùng đầy đủ các giác quan mới cảm nhận hết được.

Phố quen bỗng lạ

Các dịp lễ thường được người Hà Nội cảm nhận bằng những chuyển biến rõ rệt của tiết trời. Còn với một nơi mà thời tiết chỉ có hai mùa mưa nắng như Sài Gòn, việc đón tết dường như đã bắt đầu từ một tháng trước đó, qua những cái cựa mình rất nhẹ mà cũng rất riêng của tiết trời Sài Gòn. Sáng se lạnh để rồi trưa nóng bừng bừng. Khi nắng vàng tươi đổ xuống từng tán cây, những mái nhà vẫn còn vương chút lạnh sớm mai, sự giao hòa ấy tạo nên một mùi rất riêng.

Ngày còn bé, mỗi lần tới độ này, tôi vẫn thường hay bảo với bà đó là mùi tết. Người lớn vẫn phì cười khi nghe đứa cháu miêu tả mùi hương đặc biệt đó. Nó như mùi tro nhưng không quá khét, vụt đến rồi vụt đi, làm tâm hồn của một đứa trẻ vui như trẩy hội. Cũng cái mùi ấy đã từng khiến tôi muốn bật khóc nơi đất khách. Đó là cái tết xa nhà đầu tiên trong đời.

Tôi còn nhớ như in một ngày mùa đông ở vùng ngoại ô Shizuoka, Nhật Bản. Ở Nhật người ta hay dùng bếp gas hoặc bếp điện. Nhưng ở vùng ngoại ô nơi có những căn nhà cổ, vẫn có nhà dùng bếp củi. Mùi củi cháy từa tựa như mùi tết ở Sài Gòn tạo cho tôi một ảo giác rằng mình đang được về quê ăn tết. Đến khi thực tại theo những cơn gió lạnh táp vào mặt, tôi mới nhận ra hai khóe mắt đã ướt nhòe vì nhớ nhà. Bao năm dùng khứu giác để mong ngóng tết, nên khi khứu giác vừa sai lệch, là cả tâm hồn bị chệch theo mà không hay biết.

Khung cảnh trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông ngày giáp tết điểm sắc màu vào bức tranh tết Sài Gòn. Ảnh: Thành Nguyễn

Những ngày đầu năm mới ở Sài Gòn lạ lắm. Khứu giác và thị giác đánh thức những xúc cảm đầu tiên, để rồi những giác quan khác nếm trải sự bùng nổ chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi của tết. Khi còn là một đứa trẻ, thế giới tràn ngập những điều mới lạ, tết là một bữa tiệc sắc màu đáng mơ ước. Những căn nhà được sơn mới, những chậu hoa kiểng trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông, ở chợ hoa công viên Hoàng Văn Thụ làm thành phố này trở nên đẹp rõ nét hơn bao giờ hết.

Nhưng bức tranh tết Sài Gòn đâu chỉ được vẽ nên từ những sắc màu phấn khởi. Những ngày này, thành phố thưa thớt xe cộ, hàng triệu người về quê ăn tết làm cho lượng khói bụi giảm hẳn. Cành mai như được nhuộm vàng hơn trong bầu không khí trong lành. Những con đường rộng thênh thang lấp lánh ánh đèn về đêm. Những ngày trong năm, công việc bận rộn kéo ta lao đi như tên lửa trong cái nắng thiêu đốt. Nhưng trong cái nắng ấm áp và lóng lánh ngày xuân, những bàn tay cầm lái khẽ thả nhẹ tay ga để được đi lâu hơn trên đường. Những người yêu nhau chầm chậm lướt qua từng góc phố. Người cha đi xe chậm lại, để con nhỏ có thể tíu tít đọc mấy biển quảng cáo, biểu ngữ ngày xuân. Đâu đó gần khu chợ Tân Định, người ta còn có thể bất ngờ bắt gặp hình ảnh chiếc xe chở rác được trang trí dây hoa kim tuyến sặc sỡ từ những đồ vật bị vứt đi của một anh công nhân yêu đời.

Sự vắng vẻ của phố phường ngày tết đem lại sự tĩnh tâm để thính giác vươn xa không kém gì thị giác. Những con phố ngày thường tràn ngập trong tiếng còi xe, giờ yên tĩnh đến bất ngờ. Trong cái tĩnh lặng của đêm giao thừa nơi cuối hẻm vắng, người ta nghe thấy tiếng pháo hoa vang lên từ trung tâm thành phố, tiếng chuông chùa báo hiệu một năm mới đã về. Trong khu phố lao động thường ngày vẫn hay ồn ào tiếng cãi vã của những đôi vợ chồng, giờ văng vẳng những lời chúc tết của con cái, tiếng cười giòn tan của nhà nọ đang sum vầy thưởng thức bữa ăn đầu năm.

Với nhiều người, ngày tết không thể thiếu một chút men, mà khi trong người đã có men thì phải hát. Người Sài Gòn đa dạng vô cùng trong thị hiếu nghệ thuật. Bước vào một khu phố của những cán bộ công chức, người ta có thể nghe thấy giọng của một bác trai người Bắc đang hùng hồn ca bài ca “Đất nước trọn niềm vui”. Nếu vui chân đi qua khu Chợ Lớn sẽ được nghe đủ các bài hát lời Hoa, lời Việt. Và chắc chắn sẽ không thể thiếu được những lời ca boléro trữ tình, sâu lắng của một giọng ca Nam bộ nào đó gần nhà.

Đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ, tươi vui mỗi độ xuân về. Ảnh: Thành Nguyễn

Không còn là đất khách

Tôi được sinh ra trong một gia đình đa văn hóa không kém gì mảnh đất Sài Gòn này. Ông nội là người Quảng Ngãi, bà ngoại người Bắc Ninh và ba mẹ tôi sinh tại Sài Gòn. Thế nên việc đi thăm họ hàng nội ngoại những ngày này chẳng khác nào đi dự một bữa tiệc buffet ba miền.

Ngày ngoại còn sống, tôi thường ăn bữa cơm đầu năm với miếng bánh chưng mang vị rất riêng do chính tay bà gói. Vỏ bánh và nhân hài hòa, cân xứng. Vị ngọt của nếp, vị bùi của đậu xanh, vị béo của thịt và vị cay của hạt tiêu chạy luân phiên nơi đầu lưỡi, như cái cách mà bốn mùa giao nhau ở xứ Bắc quê hương bà. Tôi thường chén hết một phần tư cái bánh chưng rồi mới chịu đi thăm bà nội cùng ba mẹ. Ăn nhiều là thế, nhưng khi đến nhà nội, bụng lại đánh trống trước mùi thơm của những món ăn Nam bộ. Mâm cơm của bà nội năm nào cũng giản dị: thịt kho nước dừa, củ kiệu, tôm khô và nem chua. Buổi chiều, tôi lại cùng ba mẹ qua thăm họ hàng của ông nội.

Ngoài mấy món ngon ngày tết, tôi vẫn thường tranh thủ ăn thêm mấy cái bánh đậu xanh nướng của xứ Quảng. Khác với bánh đậu xanh miền Bắc mềm và béo ngọt, bánh đậu xanh của miền Trung được ép lại thật cứng. Bánh có thể không có nhân hoặc có nhân là thịt muối. Nhấm nháp miếng bánh nhân thịt muối, nghe cô chú pha trò, cảnh tết mang lại cho tôi nhiều xúc cảm đến tận bây giờ. Thế đấy, ngày mùng một tết đưa tôi đi hết chiều dài đất nước với đủ mọi gia vị được nêm nếm bởi tình cảm gia đình.

Rất nhiều người nói “tết phải về quê mới vui, Sài Gòn làm gì có tết, ăn rồi ngủ, chán phèo”. Nhưng nếu một lần ở lại thành phố ăn tết, ai đó sẽ thấy tết Sài Gòn đặc biệt nhường nào. Đến nhà một người bạn ở khu Ông Tạ, bạn sẽ được mời ăn bánh chưng, uống trà bắc. Trong khi một người anh em ở khu chợ Bà Hoa có thể cùng bạn ăn chiếc bánh tro của miền Trung nắng gió. Một bác người Hoa ở khu Chợ Lớn sẽ giữ bạn lại để cùng ăn một bữa đầu năm với các món mang vị thuốc đặc trưng. Hay như gia đình hàng xóm nhà tôi, dẫu định cư ở Sài Gòn đã hơn 20 năm nhưng bàn ăn ngày tết vẫn thường có hai chén canh, một chén khổ qua nhồi thịt dành cho anh chồng người miền Tây và một chén măng giò dành cho chị vợ người miền Bắc. Bọn trẻ được sinh ra ở Sài Gòn thì vẫn hồn nhiên trộn lẫn hai món ấy.

Với nhiều người, dù phương ngữ vẫn còn đậm đặc sau nhiều năm ly hương, nhưng Sài Gòn giờ đã không còn là đất khách. Họ mang theo văn hoá quê nhà vào mảnh đất này tạo nên một mùa tết riêng biệt. Trên phố chiều ba mươi, bên những chiếc xe chở nào mai vàng, quất sum suê trĩu cành, bạn có thể bắt gặp ai đó đang mang về nhà một nhành đào xứ Bắc. Dẫu chỉ chúm chím nụ trong tiết trời ấm áp phương Nam nhưng sắc hồng của cánh hoa đã tô điểm thêm bức tranh mùa xuân đa sắc chỉ Sài Gòn mới có. Tết Sài Gòn là thế đó. Thành phố phóng khoáng, bao dung đón nhận bao khác biệt của dân tứ xứ. Những di dân đổ về đây mang theo những giấc mơ của riêng mình. Có người thành công, có người vẫn đang chật vật tìm lối đi, nhưng niềm hy vọng là điều ai cũng thấy ở mảnh đất này.

Sau này khi lớn lên, tôi vẫn không thể nào miêu tả được rõ ràng “mùi tết Sài Gòn”. Bởi gọi là mùi nhưng kỳ thực, trong đó chở bao hình ảnh, bao âm thanh thương nhớ. Mình nói gì khi nói về tết Sài Gòn? Mùa đông năm ấy ở Nhật, tôi đã suy nghĩ nhiều khi một cậu bạn người Nhật hỏi tôi về tết truyền thống của người Việt Nam. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn không hài lòng với câu trả lời của mình. Người ta chỉ có thể mường tượng được mùi hương, không khí ấy khi đã trải qua nó một lần.

Ngày nào thành phố còn hào sảng, còn bao dung thì bức tranh ngày tết còn không ngừng thêm sắc mới. Làm sao có thể miêu tả chính xác một thứ luôn hướng về trước, luôn đổi thay, luôn dịch chuyển? Biết đâu một ngày nào đó, khi bạn là gia chủ của một gia đình nhỏ ở Sài Gòn và dọn cơm tết đãi khách, bạn sẽ góp thêm một định nghĩa mới cho mùa tết Sài Gòn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối