Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Sắc xuân đi ngang qua làng hương trăm tuổi

(SGTT) – Cứ vào tháng cuối năm Âm lịch, làng hương Thủy Xuân, thành phố Huế lại khẩn trương làm hàng để kịp cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết. Những bó hương với đủ màu sắc tạo nên một khung cảnh rực rỡ sắc xuân, đồng thời mang đến những trải nghiệm du lịch độc đáo, mới lạ cho du khách khi đến Huế.

Tất bật mùa vụ tết

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km, làng hương Thủy Xuân là nơi lưu giữ nghề làm hương truyền thống hàng trăm năm qua. Không chỉ giúp phát triển kinh tế, nghề làm hương còn được người dân nơi đây xem như cách để gìn giữ các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất cố đô.

Người dân lập ra các cơ sở hương để sản xuất và trưng bày sản phẩm. Ảnh: Việt Phong

Tìm đến làng hương Thủy Xuân vào dịp giáp tết, có thể thấy không khí tất bật, khẩn trương của người dân nơi đây để cố gắng hoàn thành những chuyến hàng cuối năm Âm lịch. Hương Thủy Xuân không chỉ phục vụ cho nhu cầu người dân trong tỉnh mà còn được phân phối ra các tỉnh, thành khác hay xuất khẩu sang nước ngoài.

Hương Thủy Xuân bao gồm các loại như: hương quế, hương sả, hương nhài… nhưng loại hương tạo nên thương hiệu cho làng nghề hàng trăm năm tuổi này chính là hương trầm. Mỗi cây hương trầm được người thợ làm ra từ hơn 60 nguyên, phụ liệu và các loại thảo mộc như vị tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương… Sau đó, trải qua công đoạn gia công bột trầm và se hương để có cây hương hoàn thiện.

Làng nhang Huế
Người thợ cần sự tỉ mỉ và kỳ công để làm ra được những cây hương chất lượng. Ảnh: Việt Phong

Điểm thu hút của hương Thủy Xuân nằm ở phần màu sắc đa dạng và bắt mắt. Theo bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (71 tuổi) – người thợ làm hương hơn 60 năm cho biết: “Ban đầu hương chỉ có hai màu đỏ và nâu, nhưng sau này người thợ đã biết pha trộn thêm nhiều màu sắc như tím, hồng, xanh, vàng… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Làng nhang Huế
Những bó hương được phơi dưới ánh nắng tạo ra nhiều màu sắc sặc sỡ và bắt mắt. Ảnh: Việt Phong

Dù phải khẩn trương chuẩn bị cho nhiều đơn hàng cuối năm, nhưng người thợ vẫn luôn đảm bảo hình thức và chất lượng cho từng bó hương. Đối với họ, hương là sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng nên luôn phải hoàn thiện nhất và hơn thế nữa, nó còn là giá trị được các thế hệ người trong làng nối tiếp nhau lưu giữ qua hàng thế kỷ.

Góc check-in nào cũng đẹp”

Do nằm trên trục đường gắn liền với nhiều di sản như lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu… làng hương Thủy Xuân trở thành địa điểm du lịch thu hút đông du khách đến tham quan, đặc biệt là vào các dịp cận tết. Từ nhu cầu đó, nhiều hộ dân đã kết hợp giữa việc sản xuất và trưng bày các sản phẩm hương theo nhiều kiểu dáng khác nhau, qua đó tạo ra một không gian đầy màu sắc rực rỡ.

Làm nhang Huế
Mỗi cửa hàng đều trưng bày sản phẩm hương theo nhiều cách khác nhau. Ảnh: Việt Phong

Đến với làng hương, du khách còn được tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm hương. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn khéo léo đưa những đặc trưng của Huế đến với du khách, thể hiện qua lối nói chuyện chân chất, ngọt ngào và việc trưng bày thêm các món đồ lưu niệm về Huế như nón lá, tranh sơn dầu, quạt…

Thích thú trước vẻ đẹp của những “đoá hương”, bạn Nguyễn Thị Mai Thi, sinh viên năm 3, Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế chia sẻ “Năm nào mình cũng cùng các bạn đến đây để chụp ảnh. Những bó hương được sắp xếp cầu kỳ và nhiều màu sắc nên ở đây góc check-in nào cũng đẹp, vì thế mình chẳng cần đem nhiều phụ kiện gì, chỉ cần đứng vào là có ngay tấm hình ưng ý”.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn làng hương là địa điểm lý tưởng để check-in cuối năm.

Khi đại dịch đã bớt căng thẳng, làng hương Thủy Xuân bắt đầu đón du khách trở lại, cùng với đó là chuẩn bị cho những đợt hàng cuối năm. Trong dịp Tết Nguyên đán này, hương Thủy Xuân lại được lan tỏa khắp các ngôi nhà, đền chùa, mang đến một không khí tết ấm áp và hy vọng về năm mới bình an, may mắn.

Việt Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề