Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Thách thức phát triển sản phẩm mới cho du lịch Huế

(SGTT) – Để có thêm sản phẩm thu hút khách sau khi dịch được kiểm soát, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang tìm cách phát triển tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế. Nhưng cái khó là sản phẩm phải đủ hấp dẫn và thực tế cho khách du lịch chứ không chỉ cho sinh hoạt chuyên đề.
Trường Quốc học tại Huế, nơi Bác Hồ có học vào năm 1908, sẽ trở thành một đểm đến trong tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”. Ảnh: Như Huỳnh

Bốn tỉ cho một đề án hoành tráng

Tour này một phần trong đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” vừa được phê duyệt do Sở Văn Hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp cùng sở ban ngành liên quan thực hiện, bao gồm Sở Du lịch.

Được biết, kinh phí thực hiện đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo (bao gồm chi sự nghiệp thường xuyên và chi đầu tư công) và từ các nguồn huy động xã hội hóa, nguồn tài trợ hợp pháp khác với tổng giá trị là 4 tỉ đồng.

Theo đề án này, năm 2021, Huế sẽ xây dựng và đưa vào thực nghiệm các sản phẩm du lịch phù hợp với các đối tượng khách tham quan: Tour tuyến tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại các địa phương; xây dựng chương trình Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 19-5 trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di tích.

Từ năm 2022, những công trình sẽ được đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan, du lịch.

Đến năm 2025, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cơ bản được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được đổi mới trưng bày, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hệ thống điểm tham quan du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lượng khách tham quan đến bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu mỗi năm trung bình tăng từ 5% đến 10% bên cạnh thu hút sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng trong việc liên kết phát triển du lịch và phát triển các dịch vụ văn hóa gắn liền với tuyên truyền, quảng bá về Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Được biết, qua con số thống kê của Sở Du lịch trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt 4,3 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt khoảng 4.400 tỉ đồng, tăng gần 25% so với năm 2017. Năm 2019, đạt 4,81 triệu lượt, tăng 11,1%; trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,186,747 lượt, tăng 12,06%.

Đối với bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện nay còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thì lượng khách đến tham quan Bảo tàng và hệ thống di tích tăng từ  90.750 lượt khách tham quan (trong đó khách Việt Nam là 85.350 lượt người) năm 2015 lên 120.245 lượt (trong đó khách Việt Nam là 110.355 lượt người) năm 2019. Do Covid-19, năm 2020 con số này giảm xuống 62.134 lượt, trong đó, 601 đoàn đến dâng hoa báo công, 52 đoàn kết nạp Đoàn, đội; 32 đoàn xem phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; 18 đoàn đến sinh hoạt ngoại khóa tại Bảo tàng và các di tích.

Nhiều thách thức cần giải quyết

Từ những con số trên cho thấy, đối tượng khách đến các điểm lịch sử, văn hóa liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn hạn hẹp, chủ yếu học sinh, sinh viên và cơ quan đoàn thể sinh hoạt ngoại khóa. Vì vậy, đề án định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch chú trọng nghiên cứu, khảo sát các đối tượng khách là cựu chiến binh Việt Nam, sinh viên/học sinh, khách du lịch Việt Nam, khách du lịch quốc tế bên cạnh các tour  tuyến tham quan các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, tour, tuyến du lịch kết hợp di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích cách mạng và quần thể di tích cố đô, danh lam thắng cảnh ở Thừa Thiên Huế hay Tour du lịch kết hợp hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ với sản phẩm du lịch địa phương.

Chùa Thiên Mụ tại Huế

Và trong đó, ngành du lịch được giao phát triển tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết sở đang suy nghĩ thêm một số hình thức kết nối tour từ phía Bắc vào hay từ miền Trung ra Bắc.

“Có thể chúng tôi hợp tác với ngành ngành du lịch Nghệ An để gắn với tour đường bộ/tàu hỏa về làng Sen quê Bác ở Nghệ An cùng với tour theo dấu chân thời niên thiếu của Bác ở Huế bên cạnh làm mới hoặc bổ sung điểm tham quan đối với một số sản phẩm tour đã có bằng cách kết nối, lồng ghép giữa tour du lịch về truyền thống học đường“, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nói và cho biết thêm trong tour sẽ có tham quan một số di tích gắn với truyền thống khoa cử triều Nguyễn như Quốc Tử Giám, Văn Thánh với truyền thống giáo dục cận đại là Trường Quốc Học, Đại học Huế, Học viện Phật giáo với di tích gắn với thời niên thiếu của Bác).

Trong thời điểm hiện nay và tương lai gần, ngành du lịch sẽ tập trung phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan đoàn thể vận động và hỗ trợ một số đơn vị xây dựng chương trình tour ngoại khóa riêng phù hợp đi trải nghiệm vào các dịp trong năm.

Nhưng ông Phúc cũng thừa nhận cái khó là phải có nội dung giới thiệu mang tính xuyên suốt về thời niên thiếu của Bác và truyền thống giáo dục của Huế để tăng sự thu hút và quan tâm tìm hiểu cũng như phải mang tính thực tế và hấp dẫn.

“Lâu nay vẫn có tour lồng ghép với một số tour tham quan di sản, chứ tour chuyên đề như vậy đang còn ý tưởng vì cần khảo sát và đánh giá nhu cầu và nguyện vọng của du khách và các trường học“, ông Phúc cho biết. “Đồng thời việc bố trí trưng bày, tìm chọn các hiện vật (gốc và phục dựng) phải được nghiên cứu kỹ,  có tính xác thực và nghệ thuật cao, các di tích và hiện vật phải được duy tu bảo trì thường xuyên“.

Về mặt doanh nghiệp, đại diện một số công ty lữ hành chia sẻ rằng đây là loại tour hấp dẫn cho một phân khúc khách tiềm năng muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, để tránh sự nhàm chán, khô khan, người làm đề án phải thiết kế những câu chuyện đủ hấp dẫn để thu hút khách, chứ nếu không lại đi vào vết xe đổ. Đó là chỉ tạo phong trào và vẫn thu hút khách đến sinh hoạt là chủ yếu.

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số địa điểm di tích vệ tinh nằm trên đường Mai Thúc Loan, là đường nội thành nhỏ hẹp, cấm xe từ 30 chỗ, không có bãi đậu xe làm hạn chế cho việc đón tiếp khách du lịch. Đây cũng là một thách thức mà doanh nghiệp du lịch nhắc đến.

Bên cạnh đó, các dịch vụ còn ít, ở các di tích chưa có quầy lưu niệm, giải khát, khu vực nghỉ chân tuy đã có nhưng còn hạn chế, chưa kết nối được với những sản phẩm du lịch địa phương để nâng cao chất lượng điểm đến chưa kể quảng bá và đội ngũ nhân lực biết kể chuyện.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối