Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Rủi ro “tiền mất, tật mang” từ các loại hải sản ngộp giá rẻ bán ở vỉa hè, trên mạng xã hội

(SGTT) - Gần đây, dọc một số tuyến đường ở TPHCM và trên các trang mạng xã hội bày bán các mặt hàng hải sản như tôm hùm, cua, ốc hàng ngộp với mức giá thấp hơn các vựa hải sản từ 50-80%. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, đây là hàng không còn tươi sống, ngoài chất lượng bị giảm sút thì người dùng còn có rủi ro về sức khỏe nếu dùng phải.

Qua khảo sát một số tuyến đường như Trường Chinh (đoạn giáp ranh quận Tân Bình và quận 12), đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) hay trên các hội nhóm Facebook đều có bán một số mặt hàng như cua, tôm, ốc với lời rao hàng ngộp kèm mức giá hấp dẫn.

Cụ thể, giá cua thịt loại bị gãy càng, ngộp (size 2-3 con/kg) được chào bán với giá chỉ hơn 150.000 đồng/kg; trong khi giá cua thịt cùng kích cỡ được bán ở các cửa hàng hải sản (loại còn sống) có giá trung bình 650.000 đồng/kg (giảm gần 80%)

Hay chẳng hạn tôm hùm (size 2-3 con/kg) còn bơi trong hồ có giá bán 1,65 triệu đồng/kg thì ở vỉa hè hay trên các trang mạng, tôm hùm hàng ngộp, hàng dạt cùng size được rao với mức giá 260.000 đồng/kg (giảm hơn 80%).

Còn với các mặt hàng ốc như nghêu, sò huyết, sò dương… bày bán ở các xe tự phát ngay cầu Tham Lương (quận 12) thì có mức giá thấp hơn rất nhiều so với mặt hàng tươi sống, kèm theo đó là mùi hôi khó chịu bốc lên mỗi khi đi ngang qua.

Những bình luận liên quan đến chất lượng, giá cả của mặt hàng hải sản tôm ngộp trên một nhóm mua bán tôm ngộp. Ảnh chụp màn hình

Tham gia vào một hội nhóm buôn bán tôm hùm trên Facebook, người viết khá bối rối khi có rất nhiều cách phân loại tôm ngộp như hàng rớt size, hàng dạt (theo như những người thành viên trò chuyện cùng nhau). Bình luận của một thành viên trên hội nhóm, hàng dạt là hàng bán có mức giá thấp nhất, vỏ tôm xấu, thịt bở, phần đầu nhiều khi không còn dính vào thân. “Tôm nay vựa chị mình mua 50.000 – 70.000 đồng/kg”, người này bình luận. Đáng chú ý, có bình luận nối tiếp là với tôm đó, người mua thu vào, xử lý “hóa chất” rồi bán ra ngoài với giá 120.000 – 160.000 đồng/kg.

Đặc biệt, cua Hoàng Đế và tôm hùm Alaska, hai loại hải sản nhập khẩu có mức giá cao nhưng hàng ngộp cũng chỉ bán với mức giá thấp hơn nhiều lần. Chẳng hạn như, cua Hoàng Đế ngộp chỉ có giá 900.000 đồng/kg (hàng còn sống giá 2,6 triệu đồng/kg); tôm hùm Alaska ngộp giá 650.000 đồng (hàng còn sống giá 1,5 triệu đồng/kg, size 2-3 con).

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về sự việc hải sản bán tràn lan trên mạng và vỉa hè với giá rẻ, anh Trần Chí Lành, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Vựa Hải sản Xanh, cho hay đánh vào tâm lý khách hàng chuộng giá rẻ, một số nơi nhập hàng đông lạnh kém chất lượng hoặc hàng đông lạnh từ Trung Quốc với mức giá thấp. Sau đó, dùng các loại sốt chế biến khác nhau để át đi mùi tanh.

"Để phân biệt hàng ngộp kém chất lượng, cần xem vỏ còn tươi, cứng không; đầu tôm có bị đổi màu hay chuyển sang đen; đặc biệt không nên chọn mua tôm thân và đầu rời rạc. Mọi người có thể tìm mua hải sản ở những nơi uy tín, bao đổi trả để yên tâm sử dụng", anh Chí Lành cho hay.

Nên chọn mua tôm còn sống, vỏ chắc chắn, thân và đầu liền nhau, Ảnh minh họa: Dr.Tom

Cũng theo anh, tôm hùm là hải sản có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng nếu mua phải hàng kém chất lượng thì các chất dinh dưỡng trong hải sản đã bị biến đổi thành độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, mà cụ thể nhất là nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Phúc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối