Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Rủi ro pháp lý nhà container

Cao Ban –

Nhà container với thiết kế đơn giản và giá thành rẻ đã được chào bán và sử dụng tại một số nơi trong khoảng vài năm trở lại đây. Song, có những rủi ro về mặt pháp lý mà người có ý định làm nhà loại này cần tính đến.

Có cầu nên có cung

DSC_0694Nhà container hiện vẫn chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Chỉ cần 100-300 triệu đồng và 15-20 ngày thi công, người dân đã có thể sở hữu một ngôi nhà container (một trệt, một lầu và phần nội thất tối thiểu bao gồm một phòng khách, hai phòng ngủ, một bếp, tủ lạnh, nhà ăn, phòng tắm – toilet, bàn làm việc, salon, ti vi treo tường, máy nước nóng…). Nhà container có thể lắp đặt trên nhiều địa hình đồng bằng, đồi núi hay đô thị. Hơn nữa với kết cấu từ các loại thép chịu lực, cường độ cao và muối mặn nên tuổi thọ của nhà container kéo dài tới 50 năm dù đã sờn màu”, đó là một mẩu quảng cáo về nhà container được dễ dàng tìm thấy trên Internet.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện trên thị trường có hàng chục doanh nghiệp đang kinh doanh loại nhà này. Anh Q. ở một công ty làm nhà container nói rằng do nhận thấy thị trường này có lượng tiêu thụ mạnh nên đã tham gia kinh doanh loại nhà này khoảng hai năm nay. Hiện anh bán ra từ vài chục đến cả trăm container mỗi tháng.

Anh Q. cho biết, mỗi container 40 feet (2,5 x 12 x 2,9 m) thường được bán ra thị trường với giá 90-92 triệu đồng, thời gian sử dụng 30-40 năm. Ngoài ra, khi không còn nhu cầu sử dụng nữa, chủ nhà có thể bán lại cho công ty với giá 40-50% so với giá trị ban đầu của container đó.

“Các thùng container dùng để thi công nhà đều được nhập lại từ các hãng tàu nước ngoài. Sau khi sử dụng 8-10 năm, các hãng tàu thường không sử dụng các container này nữa do thùng chứa hàng phải tuân theo các quy chuẩn quốc tế phức tạp. Các container được bán lại có độ bền tương đối cao và khả năng chịu lực tốt, còn có thể sử dụng thêm hàng chục năm nữa”, anh Q. nói.

Ông Đ., giám đốc một doanh nghiệp thương mại dịch vụ cơ khí, cho rằng nhà container có chi phí xây dựng thấp (chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2, trong khi nhà xây thông thường tốn hàng chục triệu đồng/m2), thời gian thi công ngắn (nếu xây dựng đơn giản chỉ mất 4-5 ngày, phức tạp hơn thì khoảng 10-15 ngày).

Tuy nhiên, làm loại nhà này có một số hạn chế như khả năng chống nóng không bằng nhà xây nên chủ nhà thường phải lắp máy lạnh; việc di chuyển container đến những hẻm nhỏ gặp nhiều khó khăn, nhiều người vì thế không thể làm nhà container trong hẻm; loại hình nhà ở này chưa được quy định trong hệ thống luật pháp vì không phải là công trình gắn liền với đất.

Ông Đ. cho hay, mỗi tháng ông bán được khoảng 40-50 container do nhu cầu lắp đặt loại nhà này khá cao, đặc biệt tại các huyện ngoại thành.

Coi chừng bị cưỡng chế

Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nhà container cho biết khách hàng chủ yếu của loại nhà này là các hộ dân mua đất qua giấy tay chưa được hợp thức hóa, đất nông nghiệp, đất vướng quy hoạch hoặc đất thuê. Chưa thể xây nhà bình thường, các hộ này đã chọn nhà container làm phương án thay thế do có thể dễ dàng di dời. Những người đã có quỹ đất sạch cũng sử dụng loại nhà này nhưng không nhiều.

“Nhà bằng container chỉ là công trình tạm, nếu không được chính quyền địa phương cho phép thì chỉ cần lắp thêm bánh xe vào để kéo đến vị trí mới”, vị giám đốc này nói.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, các container được cải tạo, lắp đặt các thiết bị làm nhà ở hoặc văn phòng được xác định là công trình xây dựng. Do vậy, phải tuân theo các quy định của pháp luật về công trình xây dựng.

Về đất đai, phải là đất chuyển mục đích sử dụng được xây dựng nhà ở. Đất chuyển mục đích sử dụng là đất phù hợp với quy hoạch khu dân cư hoặc đất hỗn hợp (khu dân cư xen lẫn thương mại, dịch vụ). Như vậy, muốn đặt container làm nhà ở hoặc văn phòng trên đất có chủ quyền và thuộc đất xây dựng thì phải có giấy phép xây dựng do UBND quận, huyện cấp như một công trình bình thường.

“Nếu làm nhà container không thuộc đất xây dựng, không có giấy phép xây dựng của UBND quận, huyện ở địa phương đó cấp thì có thể sẽ bị cơ quan chức năng cưỡng chế bất cứ lúc nào”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết thêm hiện thành phố chưa cấp phép cho một công trình nhà ở làm bằng container nào.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia xây dựng tại TPHCM, theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì công trình xây dựng phải được liên kết định vị với đất và được xây dựng theo thiết kế. Do đó, nhà ở bằng container có bánh kéo di động được thì không phải là công trình xây dựng, không cần phải xin phép xây dựng, mà có thể xin cấp phép đặt công trình tạm, đăng ký với chính quyền địa phương các vấn đề như tạm trú, môi trường, đảm bảo các quy định về đô thị…

“Luật Xây dựng 2014 chưa đề cập đến những loại công trình như nhà container cố định hoặc di động, dàn khoan, nhà hàng nổi… là lỗ hổng pháp lý khó kiểm soát hiện nay”, vị này nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Giải nhiệt ngày hè với 5 thức uống mát lạnh, mới...

0
(SGTT) - Xoài hồng dừa non, trà quýt bạc hà hay nước dừa matcha... là những loại thức uống mới lạ, giúp bạn giải...

Dapen. – Không gian cà phê cá tính tại Đà Nẵng

0
(SGTT) – Dapen. - Quán cà phê “núp hẻm” với lối thiết kế đầy cá tính là địa điểm được nhiều bạn trẻ tại...

Hoa giáng hương ‘tô vàng’ đường phố Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày mùa Hạ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội được “tô vàng” bởi sắc hoa giáng hương. Đầm hoa lục bình...

Trưa nay ăn gì: Thử salad gà sốt chanh dây lành...

0
(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, buổi trưa đi làm lại của mọi người nên chọn món ăn...

Kết nối