Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

“Rộ” nghề làm review, mẫu livestream khi kinh doanh online lên ngôi

(SGTT) – Sau đại dịch Covid-19 cùng sự phát triển từ các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhiều người có thêm thói quen mua sắm hàng hóa qua mạng. Do vậy, công việc của người làm review (nhận xét) và làm mẫu livestream ngày càng phổ biến với mức thu nhập hấp dẫn.

Nghề review dành cho mọi người

Từ niềm đam mê mua sắm online, đặc biệt là các sản phẩm về thời trang như quần áo, giày dép, chị Trang Vũ, chủ kênh review “Hello Mẩu nè” trên mạng xã hội TikTok, đã quyết định vào con đường trở thành KOC (viết tắt của từ Key Opinion Consumer là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường). Với tính chất của KOC là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá để gợi ý đến người xem chọn mua mặt hàng nào đó, chị đã bắt đầu xây dựng kênh và hình ảnh cá nhân từ tháng 3-2022 và nhận thấy tiềm năng công việc này trong tương lai.

Theo chị Trang Vũ, để nhanh chóng được mọi người biết đến và tạo được tiếng vang trong nghề, ngoài những nội dung đơn thuần thì kênh của chị còn có các video theo xu hướng (trend). Cụ thể, chị đã đăng một clip ngắn thu hút gần 800.000 lượt xem. Sau lần lên xu hướng, lượng tương tác kênh cũng tăng lên nhanh chóng. Khoảng một tháng đầu tiên làm công việc này, chị Trang Vũ cho hay mình đã có ngay thu nhập, vì hiện tại kênh của chị vẫn còn nhỏ so với mặt bằng chung nên chị không nhận phí quảng cáo mà chỉ nhận sản phẩm từ người bán để review, cho nên số tiền này đến từ các kênh tiếp thị liên kết, chiếm khoảng 10% tổng thu nhập từ những công việc khác của chị.

Cùng quan điểm với chị Trang Vũ, anh Phạm Đình Mạnh cũng bắt đầu công việc làm review từ năm 2021. Anh Mạnh cho hay tùy vào từng thời điểm và lượng người theo dõi trên mạng xã hội, số lượng hợp đồng cũng tăng giảm theo từng tháng không cố định, với mức giá từ 200.000 – 1.000.000 đồng cho một video review sản phẩm hoặc không lấy tiền tùy thuộc vào thương lượng giữa hai bên.

Công việc làm mẫu tóc cho các salon. Ảnh: Thảo Vân

Tuy vậy, nguồn thu nhập chính của anh Mạnh vẫn đến từ kênh tiếp thị liên kết, ăn hoa hồng trên một lượt nhấp mua sản phẩm thành công của người xem. Theo anh Đình Mạnh, không cần trong tương lai, hiện tại công việc này vẫn “hot” vì quá nhiều người đổ xô bán hàng online và kinh doanh mọi thứ trên mạng, từ đó nghề review sản phẩm cũng phát triển theo vì người mua muốn thấy trải nghiệm thực tế từ món đồ đó.

“Khi nhà nhà người người đều làm thì sự cạnh tranh cũng tăng lên, tuy vậy chỉ cần giữ vững chất lượng và phong cách riêng thì kênh mình vẫn chiếm được ưu thế”, anh Mạnh nói.

Ở TP Hà Nội, anh Lê Hồng Quang, hiện là người quản lý các KOC, KOL, idol cho biết khi xu hướng livestream bán hàng xuất hiện ở Việt Nam, cũng là lúc các chủ cửa hàng quan tâm đến người làm mẫu nhiều hơn; có thời điểm nhu cầu tăng vọt 50-60% trong thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện. Anh chia sẻ với các KOC nổi tiếng có lượt chuyển đổi, người xem tương tác mua hàng trên kênh cao thì một video nhận review sản phẩm có giá từ 10 đến vài chục triệu đồng.

Livestream bán hàng trên TikTok. Ảnh: Chụp màn hình

Theo đó người làm review, KOC hay KOL có rất nhiều cách kiếm tiền khác nhau, từ hợp tác với nhãn hàng, quảng cáo cho đến hình thức tiếp thị liên kết, chỉ cần họ sáng tạo nội dung hay, thú vị với người xem, tăng uy tín kênh thì số khách hàng sẽ tăng lên.

MC livestream không chỉ “biết nói”

Từng bước lấn sân vào công việc làm mẫu livestream, chị Nguyễn Mỹ Anh, hiện sinh sống và làm việc tại TP Hà Nội cho biết mình đã dành nhiều thời gian tích lũy và kinh nghiệm, trải qua các công việc liên quan khi bắt đầu làm MC cho các buổi live bán hàng. Bắt đầu làm PG tại các sự kiện năm 18 tuổi, đến năm 2019, chị Mỹ Anh có học thêm khóa học MC để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.

“May mắn khi vừa học MC xong hai khóa cơ bản và nâng cao, công việc MC livestream ngày càng nhiều người cần. Tôi có thể làm việc từ sáng sớm đến tối muộn với thời trang mà không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản, có lẽ vì đam mê này nên tôi gắn bó với công việc tới bây giờ”, chị tâm sự.

Chị Mỹ Anh trong lần hợp tác với cửa hàng thời trang. Ảnh: Mỹ Anh

Theo chị Mỹ Anh, để trở thành một người mẫu, MC, thì cần phải có một vóc dáng phù hợp cũng như làn da đẹp để lên hình được bắt mắt. Ngoài ra, các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao về MC cũng rất quan trọng khi xuất hiện trên sóng trực tiếp trước nhiều người. Bên cạnh đó, người mẫu livestream phải có kiến thức về sản phẩm, nắm chắc thông tin mặt hàng mình chuẩn bị giới thiệu để có sự tự tin, đủ nhanh nhạy giải quyết vấn đề trên sóng, biết cách kéo dài thời gian, tổ chức hoạt động thu hút người xem, cách diễn đạt, giọng nói hấp dẫn, truyền tải thông điệp của sản phẩm tới khán giả chỉn chu nhất. Chính vì vậy, để trở thành một MC livestream, chắc chắn họ không chỉ dừng lại ở kỹ năng “nói”.

“Mỗi người sẽ có một cá tính khác biệt riêng, quan trọng là bạn thể hiện được nét riêng của bản thân nhưng vẫn phải đi đúng thuần phong mỹ tục và không gây phản cảm. Vì MC live cũng như là bộ mặt của cả một thương hiệu lớn vậy”, chị Mỹ Anh nói thêm.

Chị V.T.T.N, đang làm mẫu livestream tại các shop thời trang nữ ở TPHCM cho hay thu nhập của mẫu thường được tính theo giờ cộng với phần trăm hoa hồng trên tổng lượng sản phẩm được khách chốt trong một buổi live nhất định.

MC livestream cần nhiều kỹ năng bên cạnh khả năng hoạt ngôn. Ảnh: Mỹ Anh

Mức thù lao tham khảo với MC livestream là từ 100.000 đồng/giờ với mẫu mới chưa có kinh nghiệm khi live, kỹ năng nói chưa tốt; giá 200.000 đồng/giờ đối với mẫu có kinh nghiệm tương đối từ một năm; 350.000 – 400.000 đồng/giờ với mẫu hoạt ngôn, biết tổ chức các trò chơi nhỏ, giữ chân khách và kéo lượt xem lên cao, thậm chí những mẫu có ngoại hình chuẩn, gương mặt đẹp thì giá có thể lên đến 500.000 – 700.000 đồng/giờ.

Bên cạnh đó, tùy thương lượng giữa mẫu và chủ kinh doanh, mẫu sẽ có thêm phần trăm hoa hồng trên tổng lượng đơn được bán ra hôm đó. “Điều này thường xuất hiện ở các shop lớn, có uy tín và lượng đơn lớn ra đều mỗi ngày, ngày nào cũng cần mẫu live. Nếu hợp đồng của tôi lâu dài hoặc có nhiều shop khác nhau tuyển thì trung bình cũng có thể kiếm được hơn 10 triệu một tháng cho 3-4 tiếng live mỗi ngày”, chị V.T.T.N tiết lộ.

Trong một buổi live sản phẩm thời trang, chị T.N mô tả để giữ chân khách lâu cũng như kéo lượt tương tác, chị phải thay đi thay lại nhiều lần các mẫu hàng người mua yêu cầu. Trung bình, một bộ váy, quần, áo phải thay trong vòng 1-2 phút, một buổi live thay đi thay lại cả trăm lần vì người mới ra vào xem liên tục.

“Nếu thay lâu hoặc không có ai đứng trước màn hình thì người xem sẽ lướt đi ngay, mình phải nắm tâm lý đáp ứng yêu cầu ngay lúc đó để khách xuống tay mua hàng. Nghề nào cũng có áp lực, đặc biệt nghề làm mẫu phải hoạt động hết công suất trong vài tiếng live”, chị tâm sự. Chị nói thêm để quá trình thay trang phục diễn ra nhanh chóng, chị sẽ mặc sẵn quần áo lót bên trong hoặc trang phục gọn nhẹ, lịch sự để không vi phạm điều khoản “phản cảm” khi lên sóng live bán hàng do nền tảng, sàn thương mại điện tử quy định.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối