Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Những vở kịch cho thiếu nhi dịp hè

Hè đến, các phụ huynh bắt đầu dành thời gian cho các con của mình thư giãn sau những ngày học tập vất vả. Trong vài loại hình nghệ thuật phù hợp với trẻ nhỏ, kịch thiếu nhi là thể loại được quan tâm và nhiều sân khấu khát khao được phục vụ nhóm khán giả đặc biệt này.

Vở "Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp… với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó"

Từ dí dỏm đến thần thoại

Trong mùa hè này, sân khấu Idecaf dựng vở có tên gọi rất kỳ quặc: Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp… với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó, công diễn từ 26-5. Tác giả Minh Phương giải thích việc đặt một cái tên dài ngoằng như thế có mục đích tạo sự dí dỏm khiến khán giả phải tò mò ngay từ tên gọi.

Ngoài ra, trong vở diễn trên sân khấu sẽ xuất hiện đủ 40 tên cướp – điều mà chưa có sân khấu nào khác kể cả phim ảnh từng làm. Chương trình Ngày xửa ngày xưa 2018 sắp tới hoành tráng theo nghĩa có đến khoảng 80 diễn viên tham dự, trang phục và cảnh trí lộng lẫy, diễn viên vừa diễn vừa múa và hát. NSƯT Thành Lộc sẽ trình diễn kỹ năng múa ba lê một cách hết sức độc đáo. Nếu tính riêng tiền cát-xê cho diễn viên, vở diễn này cũng đã lập kỷ lục. Tiền đầu tư cho trang phục mới, cảnh trí mới, thuê nhạc sỹ viết nhạc, thu âm ngốn một số tiền cũng kỷ lục. Tính riêng các yếu tố này, nếu chỉ quan tâm lợi nhuận mà không có tình yêu đặc biệt dành cho trẻ thơ, thì không ông bà bầu nào dám làm.

Về nội dung, tác giả đã nặn óc viết ra câu chuyện kết hợp giữa hai nhân vật nổi tiếng là Alibaba và Aladin. Đây là một nỗ lực để tạo ra sự thú vị trên cái nền câu chuyện đã quá quen thuộc. Nói cách khác sự đầu tư ý tưởng và nguồn vốn mà Idecaf dành cho kịch thiếu nhi là không giới hạn theo nghĩa năm sau hoành tráng hơn năm trước. Đồng cảm với góc nhìn này là NSƯT Trịnh Kim Chi. Năm nay, sân khấu Trịnh Kim Chi dựng vở Tiên hắc ám mang màu sắc thần thoại giả tưởng với hy vọng sẽ mang lại cho trẻ nhỏ nhiều bài học hay và không khí náo nhiệt.

NSƯT Trịnh Kim Chi bộc bạch: “Tôi có tình yêu dành cho thiếu nhi rất đặc biệt. Hồi chưa thành lập sân khấu, vào dịp hè và trung thu, chúng tôi tập hợp anh chị em nghệ sỹ đến diễn phục vụ cho các bạn nhỏ tại trung tâm từ thiện và nhà mở. Năm ngoái, khi có sân khấu rồi thì đầu tư hoàn chỉnh. Năm nay tiếp tục làm và sẽ còn phục vụ các bé lâu dài. Làm kịch cho thiếu nhi dù có lỗ vẫn làm miễn sao các bé vui là được”.

Vẫn loay hoay bắt mạch tâm lý trẻ thơ

Có thể nói rằng để hiểu được tâm lý của các bạn nhỏ là không đơn giản. Thực tế các sân khấu khác không mặn mà đầu tư cho một lực lượng khán giả rất hùng hậu là thực tế chứng minh. Nhưng khi đã thành công rồi, Idecaf vẫn phải đặt mình trước áp lực phải làm sao duy trì được tình cảm ấy bằng cách luôn đổi mới để mang lại cảm xúc khác lạ cho trẻ nhỏ.

Những năm trước, ngoài Idecaf một vài sân khấu người lớn như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, 5B Võ Văn Tần, Thế Giới Trẻ cũng dựng kịch thiếu nhi. Các sân khấu đã dựng kịch dựa trên những câu chuyện cổ tích hay thần thoại nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; những câu chuyện có nội dung giáo dục, nhiều màu sắc, khơi gợi, tất cả nhằm hấp dẫn các bạn nhỏ. Nhưng các vở diễn này không nhận được hiệu ứng tốt. Do đó, các sân khấu có năm dựng kịch thiếu nhi, có năm không. Hoặc là khi dựng kịch thiếu nhi nhận thấy việc bán vé không chạy thì các sân khấu tranh thủ diễn vài suất rồi xếp kho.

Người trong cuộc cho rằng họ đã nỗ lực rất nhiều nhưng không hiểu vì sao khán giả nhỏ vẫn thờ ơ, thử nghiệm vài lần không xong đành bỏ cuộc vì không hiểu được khán giả nhí thích gì. Thực tế cho thấy các vở ấy không hấp dẫn được khán giả nhí xuất phát từ lối dựng và lối diễn chưa chạm được vào mạch cảm xúc của những tâm hồn còn ngây thơ và hồn nhiên. Về khía cạnh này, chỉ có Idecaf là sân khấu duy nhất thành công. Năm nào cũng vậy, vào dịp hè và trung thu, chương trình Ngày xửa ngày xưa của Idecaf luôn cháy vé. Nhiều bậc phụ huynh phải đặt vé trước mới có chỗ ngồi tốt và xem vào ngày diễn phù hợp. Điều này chỉ có sân khấu Idecaf hiểu được.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf chia sẻ: “Muốn làm kịch thiếu nhi hay phải có tâm hồn yêu trẻ thơ mãnh liệt, phải hiểu được tâm lý của các bạn nhỏ. Ngày còn bé, vào khoảng thập niên 1960, tôi đam mê chương trình thiếu nhi trên truyền hình một cách kỳ lạ. Từ đó, tôi dấn thân vào lĩnh vực múa rối suốt 30 năm. Tôi đã thành công trong lĩnh vực này từ sớm. Đó là tiền đề và động lực để tôi quyết tâm đầu tư cho kịch thiếu nhi. Khi sân khấu Idecaf được thành lập, tôi nhận được sự đồng cảm từ Thành Lộc và các nghệ sỹ đồng hành. Chúng tôi đã dựng kịch thiếu nhi trước khi làm kịch người lớn. Chúng tôi tìm cách kể chuyện hấp dẫn các bạn nhỏ và đã tìm ra được công thức cho riêng mình. Từ đó, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu Ngày xửa ngày xưa cho đến giờ”.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối