Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Những lưu ý khi kích cầu du lịch nội địa lần hai

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online một số nội dung liên quan đến vận hành du lịch trong giai đoạn mới.

Dưới đây, là một số nội dung lược ghi ý kiến của chuyên gia này về phát triển thị trường nội địa, chiến lược kích cầu, quan điểm về thích nghi để tồn tại trong giai đoạn mới và chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại.

Cẩn trọng vì thị trường nội địa sẽ khó tăng trưởng bùng nổ

Vào tháng Năm vừa qua, chúng tôi thực hiện khảo sát về xu hướng du lịch của du khách Việt sau Covid-19 và thấy rằng, mùa du lịch cao điểm của thị trường năm nay sẽ tập trung vào tháng Bảy và tháng Tám.

Thực tế, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi rất tốt trong tháng Bảy nhưng sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào cuối tháng đó đã làm đảo ngược mọi thứ. Mùa cao điểm của du lịch nội địa đã qua.

Dựa trên cơ sở dữ liệu về xu hướng du lịch của khách Việt Nam trong giai đoạn còn lại của năm 2020 và ảnh hưởng tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ hai này, chúng tôi cho rằng, tuy vẫn còn đợt tăng trưởng quan trọng giai đoạn từ tháng 10 nhưng thị trường nội địa sẽ khó tăng trưởng bùng nổ như hồi tháng Bảy.

Thêm vào đó, có thể du khách sẽ càng thắt chặt chi tiêu sau cú “đánh bồi” của Covid-19. Phần chi cho du lịch sẽ nhỏ hơn vì tình hình tài chính khó khăn hơn buộc khách hàng phải ưu tiên cho các kế hoạch tài chính dài hạn trong năm 2021 hoặc trước mắt là ưu tiên ngân sách cho mùa mua sắm quan trọng cuối năm và Tết Nguyên Đán gần kề.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nếu đặt kỳ vọng quá mức vào khả năng sẽ có thêm một mùa cao điểm du lịch mới trong những tháng còn lại của năm nay để triển khai các chính sách kích cầu bằng việc dồn sức để giảm giá như đợt một (từ tháng Năm, sau khi kết thúc giãn cách xã hội) sẽ khó bảo đảm mang lại kết quả khả quan. Thậm chí, có thể  có gây ra tác động ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch vốn đã rất kiệt quệ vì dịch bệnh.

Giá cả và sự linh hoạt trong chính sách hoãn, hủy dịch vụ

Sau dịch, xu hướng du lịch vẫn là an toàn, gần nhà, hướng đến thiên nhiên và tiết kiệm. Tuy nhiên, sau hàng loạt những thay đổi bất ngờ do dịch bệnh bùng phát, khách hàng càng quan tâm hơn đến giá cả và sự linh hoat trong chính sách hoãn, hủy dịch vụ khi có sự cố của nhà điều hành.

Sau dịch, xu hướng du lịch vẫn là an toàn, gần nhà, hướng đến thiên nhiên và tiết kiệm. Ảnh: Mai Thành Chương

Chúng tôi đã thực hiện khảo sát và thấy rằng, du khách sẽ tiếp tục ưu tiên các chuyến đi với quy mô nhỏ đến các địa điểm gần nhà thậm chí là ngay trong địa phương. Những chuyến đi ngắn ngày dịp cuối tuần bằng phương tiện cá nhân đến các điểm đến nghỉ dưỡng biển, thiên nhiên cũng sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn các điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn, bảo đảm vệ sinh phòng dịch như sau thời gian giãn cách vẫn sẽ được tiếp tục.

Cùng với thị trường khách cá nhân - gia đình, phân khúc khách hàng doanh nghiệp, những nơi cho nhân viên đi tour khuyến thưởng (incentive) trong giai đoạn còn lại của năm nay cũng còn nhiều hy vọng. Tuy nhiên, với tình hình mới, có nhiều khả năng là doanh nghiệp sẽ cắt giảm thời gian, lịch trình để bảo đảm yếu tố an toàn và phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.

Thích nghi để tồn tại nên là giải pháp ưu tiên hàng đầu

Với việc khó có thể kỳ vọng vào sự bùng nổ một lần nữa của thị trường nội địa trong những tháng tới, ngành du lịch nên xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn này là bảo đảm khả năng duy trì thương hiệu nhằm tạo tiền đề cho sự phục hồi vào năm sau, tránh các chiến lược đại trà mang nhiều rủi ro.

Thay vì cố gắng tiếp tục cắt giảm lợi nhuận ít ỏi để đưa ra các gói kích cầu lớn, doanh nghiệp có thể xem xét phương án tập trung vào một số thị trường thế mạnh, khai thác cơ hội từ những khách hàng truyền thống và thực hiện chương trình kích cầu ở mức độ phù hợp để giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể có.

Theo tôi, không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan quản lý nên nhanh chóng thích nghi với tình hình mới để có thể đáp ứng được các thay đổi trong xu hướng du lịch của thị trường nội địa.

Chẳng hạn, xu hướng “staycation” (du lịch tại chỗ) nên được quan tâm đúng mức hơn để có thể đưa ra những sản phẩm hấp dẫn du khách. Các gói sản phẩm mang tính cá nhân hóa, linh hoạt đến các địa điểm gần cho phép du khách được sử dụng phương tiện cá nhân hay thuận lợi hơn trong thay đổi lịch trình cũng cần được nghiên cứu và đẩy mạnh hơn...

Với cơ quan quản lý, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được triển khai cụ thể và nhanh chóng hơn. Phương án triển khai cũng như quy mô của các gói kích cầu dự định áp dụng trong thời gian tới nên điều chỉnh để phù hợp với thực tế vận hành của thị trường và nhu cầu mới của du khách.

Tôi thấy rằng, các chương trình kích cầu du lịch trong thời gian qua chủ yếu dựa vào việc giảm giá vé tham quan các điểm du lịch, chủ yếu đến từ sự tham gia của doanh nghiệp mà chưa có nhiều gói kích thích mua sắm trực tiếp cho người dân từ ngân sách nhà nước dưới hình thức vouchers, credits… như một số quốc gia đang áp dụng.

Trong bối cảnh năng lực tài chính của phần lớn các doanh nghiệp đang rất hạn chế như hiện nay, du lịch rất cần một gói kích cầu tiêu dùng trực tiếp cho du khách đến từ Nhà nước. Những gói hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động cũng cần thiết, giúp ngành du lịch có thể tồn tại, duy trì thương hiệu trên thị trường...

Cần chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại ngay từ bây giờ

Với ngành du lịch Việt Nam, mảng du lịch quốc tế giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Ngành du lịch sẽ không thể tồn tại trong thời gian dài nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa. Vì thế, ngay từ bây giờ, du lịch phải chuẩn bị cho các kế hoạch đón khách trở lại.

Covid-19 đang thay đổi sâu sắc cách vận hành của ngành du lịch quốc tế. Ngành du lịch sẽ phải thích nghi, đáp ứng với nhu cầu du lịch mới của du khách và bảo đảm các yêu cầu về an toàn theo quy định của từng quốc gia để có thể đón du khách trở lại.

Thực tế, các thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu đều là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Vì thế, xu hướng, hành vi của khách du lịch tại những thị trường này sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi ngành du lịch cần nhanh chóng nắm bắt kịp thì mới có thể tiếp tục trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng sau dịch.

Chỉ khi nào những câu hỏi như làm thế nào để có thể khiến khu du khách nhớ đến hình ảnh của Việt Nam ở thời điểm hiện tại; đâu sẽ là thị trường trọng điểm sau Covid-19; xu hướng khách hàng quốc tế thay đổi sao; làm sao để bảo đảm an toàn cho du khách quốc tế và người dân khi du lịch quốc tế được mở cửa trở lại; sản phẩm gì có thể cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực... được giải đáp rõ ràng thì cơ hội quay lại mạnh mẽ của du lịch Việt Nam mới được khẳng định chắc chắn.

Nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã bắt đầu triển khai các kế hoạch truyền thông, chuẩn bị sản phẩm đặc thù để chào mời du khách quốc tế quay trở lại. Điều này sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong khu vực, vì thế, ngày từ bây giờ, du lịch Việt Nam cần xây dựng giải pháp khả thi để cạnh tranh nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối