Bình An -
TPHCM đang trong mùa nắng nóng với nền nhiệt độ cao, khiến nhiều người mắc bệnh cảm cúm và những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một chế độ dinh dưỡng, ăn uống và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp mọi thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, vào tháng 3-4 hàng năm, miền Nam thường có những đợt nắng nóng với nhiệt độ 35-37 độ C, có khi nắng lên đến 38-39 độ C. Riêng TPHCM, có thời điểm nhiệt độ cao nhất trong tháng 3, tháng 4 đạt gần 40 độ C. Môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Một số loại bệnh trở nên phổ biến trong giai đoạn này, điển hình như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa.
Trẻ em và người già đổ bệnh
Trong tháng 4-2018, các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TPHCM mỗi ngày điều trị cho hàng ngàn trẻ em mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp do thời tiết nắng nóng.
Tại Khoa hô hấp của bệnh viện Nhi đồng 1 cũng kín hết giường nằm, có giường hai, ba trẻ nằm chung với những bệnh lý như viêm phế quản, hen suyễn, viêm đường hô hấp trên…
Tại các bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quận Bình Thạnh…, nhiều người già nhập viện do viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, tim mạch. Tại Bệnh viện Đại học Y dược, mỗi ngày điều trị khoảng hơn 200 cụ già lớn tuổi mắc bệnh hô hấp và tăng huyết áp.
BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. Đồng thời, việc bật quạt gió mạnh thổi trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nhiễm lạnh. Ngoài ra, việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong môi trường mầm bệnh sinh sôi là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp.
Cần chế độ ăn, uống hợp lý
Khi trời nắng nóng, cơ thể uể oải khiến chúng ta không muốn ăn mà chỉ thấy khát nước. Tuy nhiên BS. Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Quốc Gia, khuyên rằng cần phải đảm bảo chế độ ăn đủ chất, cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm, ăn chất béo ở mức vừa phải, tăng cường hoa quả tươi và uống đủ nước.
Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn. Người nội trợ trong gia đình cần đảm bảo mỗi người phải nạp đủ 300-400 gam rau/ngày. Ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, bêta caroten (tiền vitamin A), canxi, sắt, axit citric, rau xanh còn cung cấp chất nhờn cho đường ruột, có tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn. Nhờ đó, rau xanh giúp giảm cân ở người béo phì đồng thời làm giảm cholesterol toàn phần trong máu.
Ngoài ra, các loại rau gia vị như tía tô, mùi tàu, thìa là, rau ngổ, rau răm, hành hoa, hẹ, xương sông, mơ lông, dấp cá… Các loại gia vị củ như: hành, tỏi, gừng, riềng, nghệ… cũng tăng cường tinh dầu, vitamin, khoáng chất, kháng sinh thực vật cho cơ thể phòng cảm cúm.
Các thực phẩm như tinh bột cần chiếm khoản 55 đến 65% đơn vị năng lượng của khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn thịt ở mức vừa phải, trung bình khoảng 1,5 kg/người/tháng. Và ăn cá nhiều hơn ăn thịt, mỗi tuần ăn tối thiểu 3 bữa cá. Sử dụng dầu thực vật để chế biến thức ăn vì trong dầu thực vật có nhiều acid béo không no có tác dụng đề phòng bệnh vữa xơ động mạch.
Lương Y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM, cho biết nên ăn nhiều cà chua vào mùa hè để giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Cà chua còn cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng, làm cân bằng tế bào, chống nhiễm khuẩn, lợi tiểu, giúp tiêu hoá dễ dàng các loại tinh bột... Cà chua rất thích hợp cho những người suy nhược, ăn không ngon, táo bón, viêm ruột.
Các loại thực phẩm có tính mát khác bao gồm bơ, sắn dây, đậu xanh, đậu đen, rau má, rau mồng tơi, bí đao, mướp đắng, giá đậu, rau đắng, rau đay, rau sam, đậu bắp, củ sen, ngó sen, bông súng, rau nhút, hoa hiên (kim châm), củ cải, súp lơ, rau diếp quăn, các loại cải, dưa leo, thịt vịt, nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cá lóc, cá thác lác, rùa, ba ba, cua đồng, cua biển…
Bộ Y tế cũng vừa đưa ra khuyến cáo, để giữ sức khỏe trong mùa nắng nóng này, mọi người không để nhiệt độ điều hòa quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, chú ý vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.