Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Những gánh chợ sau yên xe

Lê Kim Dũng

Dọc quốc lộ 40B, đoạn từ thành phố Tam Kỳ lên huyện trung du Tiên Phước rồi qua các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam, thỉnh thoảng người ta bắt gặp những cái “chợ lưu động”. Đó là những chiếc xe gắn máy chở hàng của những người lao động chân chất, cần cù. Có lúc, họ dừng lại bên đường, có lúc họ len lỏi vào những ngõ ngách xóm thôn để bán hàng.

Chợ tìm người mua

Sáng sớm nào cũng vậy, đoạn đường dài hơn 20 cây số từ thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước đến thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My có khoảng 10 người phụ nữ trung niên chạy những chiếc xe gắn máy cũ mang theo hàng chục bao bì đựng rau củ quả, tôm, cá, bánh trái… Người này thì dừng lại ven đường, người kia thì chạy xe vào thôn 2, người nọ thì đến thôn 5 của xã Tiên Hiệp. Như có hẹn trước, các chị em đổ ra mua hàng. Cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp, người mua trả giá, đặt hàng và… khất nợ. Mọi việc diễn ra khá vui vẻ.

Những xe chợ lưu động chở trên mình nhiều mặt hàng, từ cây kẹo cho trẻ con đến mớ rau, con cá cho người nội trợ. Từ 3 giờ sáng, người bán đã thức dậy ra chợ thị trấn mua hàng, vô bao bì. Trời sáng hẳn cũng là lúc họ lên đường. Họ họp chợ dọc ven đường độ 15 phút lại di chuyển tiếp. Trên cung đường họ đi, lúc thì lên đồi, khi thì xuống dốc rồi len lỏi vào trong thôn xóm. Những người phụ nữ này dẻo dai không kém thanh niên trai tráng.

Những người bán đang chở hàng đi bán.

Chị Nguyễn Thị Thành (43 tuổi), nhà ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, cho biết đã có thâm niên 10 năm bán hàng trên cái bàn gỗ kê sẵn. Mỗi nơi, chị Thành dừng lại bán chừng một tiếng đồng hồ, sau đó lên xe sang điểm khác. “Xã chưa có chợ. Muốn đi phải xuống thị trấn cách đây 15 cây số. Nhờ chợ xe lưu động của chị Thành mà bà con đỡ vất vả”, chị Lê Thị Trọng, người đến mua cá cho biết.

Chị Nguyễn Thị Phương (51 tuổi), ở thôn 7A, xã Tiên Cảnh cho biết vốn liếng buôn bán của chị bao gồm cả hàng hóa và chiếc xe độ chừng một triệu đồng. Hàng ngày, chị chạy xe đi bán đến trưa là về, với số tiền lời độ 150.000-200.000 đồng. Bảy năm qua, chiếc xe máy cũ chở hàng không kể nắng mưa đã giúp chị cùng phụ với chồng làm nông, nuôi bốn đứa con ăn học.

Chị Phương cho biết, khách hàng của chị mua nợ (thiếu) chỉ vài chục ngàn, ít hôm sau là họ trả. Có người đóng hàng mang lên cho phu làm vàng trên núi, cho nợ cả 30-40 triệu đồng, dồn đến cuối năm mới trả.

Dặm đường gian nan

Sáng sớm, dọc đường từ thị trấn Trà Mai, huyện Nam Trà My về Đà Nẵng có ba thanh niên dựng xe cạnh chân một con suối, với bao bì hàng chất, móc kín quanh xe mô tô. Họ là anh thợ mộc tên Diệp (24 tuổi), người ít tuổi và nhỏ con nhất, với tuổi nghề mới hai tuần, Người kia tên Tâm (26  tuổi), vốn là thợ hớt tóc nhưng thích tự do, xuôi ngược núi đồi nên chọn nghề này đã hơn hai tháng. Người cuối cùng tên Vũ (29 tuổi), từng là công nhân nhưng lương không đủ sống nuôi vợ con nên đã thử sức với nghề được hơn 4 tháng.

Khởi hành từ thị trấn Trà My lúc 4 giờ 30 sáng, họ vượt đèo dốc dài gần 50 cây số đến trạm dừng. Cả ba mô tô đều thuộc loại “chiến” tải hàng, leo đồi, vượt suối vào tận thôn xóm của các xã Trà Cang, Trà Don, Trà Vân, Trà Linh. Xe của họ có trang bị thùng xốp đựng cá, tôm… ướp nước đá cục. Mới vào nghề chỉ hai tháng, lốp xe của họ đã mòn do đường dài hiểm trở. Tính ra mỗi ngày họ phải đi-về hơn 160 cây số đường đèo núi.

Trong số 10 người đi tuyến đường xa có chị Xuyên (27 tuổi), nhà ở thị trấn Trà My, là phụ nữ. Trước khi sinh 10 ngày, chị mới nghỉ để chồng đi thay mình đi. “Vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi phải chọn nghề này. Vợ tôi đã làm hai năm, hàng hóa chủ yếu là rau củ hoặc cá diếc, cá cơm”, anh Nhạc, chồng chị Xuyên chia sẻ.

Những người chọn nghề này cũng có lúc gặp phải tai nạn dọc đường như xe thủng ruột, nổ lốp phải gỡ hàng xuống gửi nhà dân hoặc nhờ người đi cùng đoàn chở đến trước. Nếu thợ sửa xe không đến được, họ chấp nhận hy sinh lốp, ruột xe chạy tìm quán thay. Có lẽ sớm hay muộn những người mưu sinh trên yên xe này phải mang theo mình một cái bơm hay bộ đồ sửa xe.

Chị Nguyễn Thị Phương dừng “chợ” lại ven đường.

Những phiên chợ tình nghĩa

Người tiêu dùng, các bà nội trợ nhà xa chợ có được thức ăn, thực phẩm tươi sống nấu nướng trong ngày từ những người đem “chợ” đến gần mình nên dù có mua đắt thêm vài ngàn đồng một món hàng họ cũng chấp nhận.

Còn những người bán, họ không ngại đường xa, mang “chợ” đến tận nơi phục vụ bà con cũng có thêm thu nhập vài ba trăm ngàn đồng mỗi ngày để cải thiện cuộc sống. Giữa người bán và người mua gắn kết tình cảm, giữa những người trong cùng một huyện và giữa người trên rẻo cao và người nơi thị trấn.

Những món hàng mua nợ (thiếu) được người bán vui vẻ chấp nhận vì thông cảm cho hoàn cảnh của người dân. Đổi lại, những con tôm, con cá nếu trong ngày không bán hết người bán có thể gửi lại nhờ bán giúp.

Họ lãi không nhiều, tính toán trừ chi phí xăng, hao mòn xe nên phải kết hợp “hai chiều”. Sau khi “tan chợ”, lúc họ quay về lại tìm mua cau, chuối, quýt, cam… của người địa phương. Đây cũng là cách giúp bà con có đồng ra đồng vào. Bất kể dù trời nắng hay mưa, những gánh chợ của họ lúc nào cũng có mặt trên từng cây số từ vùng trung du đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thử món hủ tiếu Nam Vang chú Bạch ở chợ Phan...

0
(SGTT) - Khi mua sắm tại chợ Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, mọi người có thể dừng chân tại khu vực ăn uống...

TPHCM: chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ...

0
(SGTT) - Sau nhiều năm đình trệ, UBND TPHCM quyết định chuyển dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình...

Khai trương đoàn tàu hàng liên vận quốc tế từ ga...

0
(SGTT) - Với việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương, hàng hóa...

Vượt 600 bậc thang chiêm bái tượng Phật khổng lồ ở...

0
(SGTT) - Chùa Ông Núi hay Linh Phong Sơn tự là địa điểm văn hóa, tâm linh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định,...

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Kết nối