Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Nhiều người lựa chọn việc làm tự do

Trúc Diễm

Nếu như trước kia người lao động luôn muốn có công việc ổn định ở một công ty nhà nước hoặc một công ty lớn nào đó để có lương, thưởng và nhiều chế độ phúc lợi khác thì nay, nhiều lao động, trong đó rất nhiều người có trình độ, lại có xu hướng chọn việc làm tự do.

Thích tính linh động

Nhiều năm trước không ai nghĩ những việc làm theo giờ nhằm kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi có thể trở thành công việc chiếm toàn bộ thời gian của một người lao động. Nhưng sang năm 2017, công việc như vậy ngày càng phổ biến ở khắp thế giới, từ Mỹ, tới Anh và ngay cả Việt Nam, những loại hình công việc này khá đa dạng, từ lái xe, giao hàng, sửa đường ống nước đến giúp việc gia đình, sửa nhà.

Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một thống kê rõ ràng về nền kinh tế tự do, nhưng theo một điều tra mới đây ở Mỹ được tạp chí Forbes trích dẫn, cứ 10 người thì có 1 người làm việc trong nền kinh tế tự do, tức công việc thời vụ, không có hợp đồng lao động và các chế độ bảo hiểm khác. Dự báo, trong 10 năm nữa thì cứ 3 người Mỹ sẽ có 1 người làm trong nền kinh tế này.

Với nhiều người, một công việc tự do cho phép họ vừa theo đuổi việc học hành, vừa chăm con, vừa có thể làm việc ở nhà. Ảnh: Trúc Diễm

Nhiều người nghĩ rằng công việc tự do chỉ dành cho lao động có tay nghề thấp và họ buộc phải chọn công việc này. Nhưng theo điều tra mới đây của giáo sư Paul Oyer, của Stanford Graduate School of Business, đa phần những lao động được khảo sát lựa chọn công việc tự do với lý do quan trọng nhất là tính linh động. Họ có thể vừa làm tự do, vừa theo đuổi việc học hành, vừa chăm con, vừa có thể làm việc ở nhà hoặc họ không phù hợp với môi trường công sở.

Thêm nữa, mọi người vẫn thường nghĩ, lao động trong nền kinh tế tự do đang bị bóc lột, họ đang nhận được mức lương thấp hơn so với lao động chính thức. Nhưng thực tế, họ lại đang nhận mức lương tương xứng với giờ làm việc của họ. Điều tra trên cho thấy, lao động tự do kiếm được ít hơn 6% theo năm nhưng lại cao hơn 15% theo giờ so với lao động chính thức.

Tại Việt Nam, Báo cáo lao động phi chính thức do Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) điều tra gần đây cho thấy, cả nước hiện có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm khoảng 57,2% lực lượng lao động. Nếu tính thêm hơn 20 triệu lao động phi chính thức trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ này là trên 70%. Đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc.

Trong số lao động phi chính thức ở Việt Nam, có hiện tượng nhiều lao động  “tự nguyện” thất nghiệp khi họ thấy thu nhập và lợi ích từ công việc tự do lớn hơn, đặc biệt là dưới sự hỗ trợ của công nghệ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi) từng là sinh viên xuất sắc của trường Đại học Bách Khoa, khoa Điện tự động hoá. Sau khi tốt nghiệp, anh nhận được học bổng sang Anh du học về ngành điện tử viễn thông. Về nước sau bốn năm du học, anh Tuấn được nhận làm trưởng phòng bộ phận về kỹ thuật tại một công ty viễn thông lớn trong nước,một công việc mà đa số người lao động đều mong muốn. Nhưng chưa đầy một năm sau, không chịu được sự gò bó về thời gian và không gian làm việc văn phòng, anh Tuấn đã chuyển sang nghiên cứu thị trường chứng khoán và nhận làm thêm một số dự án điện tử khác để làm lúc rảnh.

“Công việc hiện nay khá phù hợp với tôi, kinh doanh thị trường chứng khoán cho mức lợi nhuận 30-40% trong hai năm qua, cộng thêm tiền làm dự án thì tổng thu nhập mỗi tháng cao hơn nhiều so với công việc văn phòng”, anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, anh Tuấn cho biết, làm công việc như vậy có nhược điểm là ít tiếp xúc với mọi người,  đồng thời anh cũng phải tự lo các chi phí bảo hiểm cho bản thân.

Một trường hợp khác cũng chọn con đường lao động tự do khi trước đó đã từng làm trưởng phòng công nghệ thông tin cho một công ty trò chơi điện tử của Nhật Bản tại Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Anh Đào Văn Thảo (37 tuổi) giờ đây đã ở nhà và lập các trang web thu hút người chơi game tham gia. Số tiền anh thu về từ hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, anh còn nhận hợp đồng “xuyên biên giới” thông qua việc gia công phần mền cho doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ. “Tôi thỏa mãn với công việc hiện tại, thu nhập khá, không bị giới hạn về thời gian và không gian”, anh Thảo nói.

Hiện nay, trên các trang mạng xuất hiện nhiều trang web kết nối cung cầu giữa người làm nghề lao động tự do (freelancer) và những người có nhu cầu thuê ngoài. Nhiều công ty không muốn tuyển dụng thêm nhân viên chính thức do chi phí tăng cao. Việc tuyển dụng lao động tự do cũng giúp công ty giảm thiểu tác động của việc biến động nhân sự tới hoạt động của công ty.

Lo áp lực xã hội

Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty tuyển dụng Navigos Search, hiện nay đang có xu hướng người lao động “tự nguyện” chuyển sang làm việc trong nền kinh tế tự do (gig-economy) như lập trình viên, kế toán, nhà thiết kế… Công việc như vậy thường có tính tự chủ cao với mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, họ sẽ phải tự tìm kiếm việc làm thông qua thương hiệu cá nhân của mình.

Nhiều chuyên gia lo ngại, công việc tự do phát triển sẽ tạo gánh nặng lớn cho Nhà nước sau này khi người lao động không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, không có lương hưu và các chế độ khác. Báo cáo của HRDive cho rằng, nền kinh tế tự do đang ngày càng lớn mạnh, sự chuyển dịch công việc đang đặt ra những câu hỏi liên quan tới lợi ích của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí…

Theo Giáo sư Paul Oyer, đây là lo ngại chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu thị trường lao động tự do vẫn tiếp tục phát triển thì sẽ có một loại hình bảo hiểm nào đó phù hợp với họ. Tuy nhiên, vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vẫn sẽ là một nhược điểm của thị trường này.

Còn tại Việt Nam, theo bà Lan, vấn đề bảo hiểm xã hội với lao động trong nền kinh tế tự do chưa đáng quan ngại. Lao động này tại Việt Nam hiện thuộc ba nhóm tuổi. Một là nhóm người còn trẻ, những người mong muốn được thử thách với nhiều loại hình công việc khác nhau và họ chưa quan tâm nhiều tới lương, thưởng và nhiều chế độ khác. Mục đích quan trọng nhất của họ là có được kinh nghiệm và trải nghiệm trong công việc.

Hai là nhóm lao động có thương hiệu mạnh trên thị trường, họ có nhiều hợp đồng ngắn hạn như lập trình, thiết kế… Thu nhập của họ cho phép họ có nhiều lựa chọn bảo hiểm cho mình sau này.

Và nhóm thứ ba là nhóm lao động đã lớn tuổi, họ có nhiều kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên sâu của họ có thể làm được các vị trí như tư vấn cho các công ty lớn. Họ đã thành công, có tích luỹ và có lương hưu, nên việc họ đi làm trong nền kinh tế tự do chỉ để thêm thu nhập, chứ không đòi hỏi các chế độ phúc lợi khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối