Phương Anh -
Ngành y tế số năm 2017 sôi động với những tiến bộ vượt bật như Abilify MyCite – viên thuốc số được tích hợp hệ thống cảm biến giám sát đầu tiên – được Cơ quan an toàn về Thuốc và Thực phẩm FDA của Mỹ bật đèn xanh cho lưu hành; các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tạo ra các phôi biến đổi gen đầu tiên...
Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), chẳng hạn robot kể chuyện cười, chatbot làm trọng tài phân giải chuyện đời, hay những bước đột phá trong việc điều trị bệnh đột quỵ, tiểu đường và ung thư.
Đơn giản hóa quy trình làm việc
Khả năng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế là cung cấp cho bệnh viện cũng như bệnh nhân những lợi ích có thể chứng minh được, như việc đơn giản hóa quy trình làm việc, hỗ trợ bác sĩ đọc dữ liệu chính xác, hỗ trợ việc ra quyết định, tạo ra một cơ hội có dữ liệu y khoa như nhau ở bệnh viện lớn hay nhỏ.
Nền tảng trí tuệ nhân tạo qua trang web Amelia Health Agent của công ty kỹ thuật số IPSoft là một ví dụ. Amelia giúp tự động hóa các thủ tục hành chính trong bệnh viện, như đặt phòng - giường, điều phối việc chuyển bệnh nhân, trợ giúp bệnh nhân như cung cấp thông tin hoặc lên kế hoạch cho các cuộc hẹn, các cuộc thử nghiệm và dịch vụ khách hàng... Theo therobotreport.com, các quy trình lặp đi lặp lại hàng ngày này trên thực tế chiếm tới 51% lượng thời gian làm việc của người điều dưỡng và 17% thời gian của bác sĩ, khiến họ không còn nhiều thời gian cho việc chính: chăm sóc bệnh nhân.
Nhóm các nhà nghiên cứu Medical Futurists Team, trên trang web của mình, gọi AI bằng cái tên hẹp hơn: Artificial Narrow Intelligence (ANI) và cho rằng hai lĩnh vực được cải tiến ấn tượng nhất của ANI trong năm 2017 vừa qua là thị giác máy tính (computer vision) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing - NLP), chúng đã bắt đầu có chỗ đứng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Thị giác máy tính là một lĩnh vực bao gồm các phương pháp thu nhận, xử lý ảnh kỹ thuật số, phân tích và nhận dạng các hình ảnh, nói chung là dữ liệu đa chiều từ thế giới thực để cho ra các thông tin số, ví dụ trong các dạng thông tin hỗ trợ ra quyết định. NLP là khái niệm chỉ các kỹ thuật, phương pháp thao tác trên ngôn ngữ tự nhiên (dùng trong giao tiếp thường ngày như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật…) bằng máy tính. Đây là một nhánh của trí tuệ nhân tạo nhằm tiến tới việc cho ra đời những ứng dụng có cảm xúc như con người.
Nhờ những cải tiến nói trên mà ngành y học chính xác (precision medicine) đang dần định hình lại các phương pháp chăm sóc ung thư, dựa trên các kết quả xét nghiệm DNA từ khối u và từ bệnh nhân để tìm ra các phương pháp điều trị có mục tiêu trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Các bác sĩ chuyên về hình ảnh không thể đáp ứng nhu cầu đọc dữ liệu y khoa từ một số lượng lớn hình ảnh trong ngày, vì thế sự xuất hiện của AI là một giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này, khi máy có thể tự động đọc các hình ảnh y tế, cho phép bác sĩ sàng lọc hình ảnh nhanh hơn và chính xác hơn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Adelaide đang thử nghiệm một hệ thống AI được cho là dự báo trước ai đó sắp tử vong. Nhưng người ta còn sẽ chứng kiến nhiều triển vọng hơn nữa khi IBM Watson – công cụ AI của IBM – được các nhà cung cấp dịch vụ y tế từ Philips, Agfa, Siemens đến GE tích hợp AI vào các hệ thống phần mềm hình ảnh y tế của họ. Trong năm 2017, FDA chấp thuận thuật toán học sâu (deep learning) dựa trên nền tảng điện toán đám mây đầu tiên cho hình ảnh tim do Arterys phát triển. Đó là một bước ngoặc lớn đối với việc tích hợp AI vào khoa tia X và được các bác sĩ X quang sử dụng sớm hơn.
Chẩn đoán y khoa sớm, dễ dàng hơn
Trung Quốc có hơn 100 triệu người mắc bệnh tiểu đường và không may là có rất nhiều trường hợp gặp phải bệnh lý võng mạc do tiểu đường (diabetic retinopathy-DR) – biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh tiểu đường dẫn đến việc mù lòa. Bác sĩ nhãn khoa Trung Quốc được phân bổ không đồng đều trong cả nước và các bệnh viện mắt hiện đại chỉ tập trung ở đô thị. Kết quả là mỗi năm hàng chục ngàn bệnh nhân tiểu đường bị mất thị lực do biến chứng DR.
Sự gặp gỡ giữa nền tảng trí tuệ nhân tạo y khoa Airdoc của Ray Zhang và bộ công cụ Microsoft Cognitive Toolkit đã cho ra đời một giải pháp chẩn đoán sớm bệnh lý DR, góp phần ngăn chặn được nạn mất thị lực do biến chứng này. . Trên trang medium.com, Ray Zhang – người sáng lập và điều hành Airdoc, cho biết Airdoc nay đã có mặt ở các bệnh viện nhỏ khắp Trung Quốc, nơi chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị y khoa tiên tiến, giúp chẩn đoán sớm và dễ dàng biến chứng DR. Với người dân nước này, việc không cần lên thành phố để điều trị bệnh là môt điều cực kỳ có ý nghĩa.
Tai biến mạch máu não, còn gọi là đột quỵ, ảnh hưởng đến hơn 500 triệu người trên toàn thế giới với mức chi phí điều trị lên đến 689 tỉ đô la Mỹ, tạo ra gánh nặng cho các quốc gia và gia đình. Trong những năm gần đây, kỹ thuật AI đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu liên quan đến đột quỵ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người ta đã phát triển một thiết bị dò tìm chuyển động để dự đoán đột quỵ sớm. Khi mô hình chuyển động được ghi nhận có khác biệt đáng kể so với lúc bình thường, một cảnh báo đột quỵ sẽ được kích hoạt và được bác sĩ xem xét, ứng phó. Cũng có một thiết bị đeo trên người tương tự như vậy, giúp thu thập dữ liệu về các chướng ngại vật trong hệ thống tim mạch, xác định chúng là bình thường hay bất thường để chẩn đoán đột quỵ.
Theo trang therobotreport.com, ngoài đột quỵ, AI còn mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tiếp cận và điều trị ung thư. Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư, từ khâu chẩn đoán cho đến điều trị, đã thay đổi triệt để nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật AI.
Một trong những công cụ AI trong điều trị ung thư là IBM Watson với Watson for Oncology – một công cụ có khả năng tra cứu hàng triệu trang tài liệu, những bài nghiên cứu, các quy trình thử nghiệm lâm sàng, dữ liệu về gen, hồ sơ bệnh án để từ đó đưa ra những phương án gợi ý điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân chỉ trong vài phút. Theo đó, các bác sĩ và các chuyên gia ung thư sẽ có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn và giảm thiểu được thời gian tra cứu thông tin. Trong một kịch bản, bác sĩ lâm sàng có thể huấn luyện Watson về các đặc điểm của khối u, các bệnh của bệnh nhân và còn có thể thêm bất kỳ mong muốn cụ thể từ bệnh nhân, ví dụ, nếu bệnh nhân không muốn rụng tóc trong quá trình điều trị.
Chatbot y tế tinh tế và nhạy bén
Chatbot, các ứng dụng nhắn tin được AI hỗ trợ hoặc các chương trình điều khiển bằng giọng nói, được dự báo sẽ sớm thay thế các ứng dụng nhắn tin đơn giản. Trong chăm sóc sức khỏe, chúng giúp giải quyết các vấn đề về sức khỏe hoặc hỗ trợ quản lý bệnh nhân. Chẳng hạn như Ada Health, một ứng dụng bạn đồng hành về y tế, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của người sử dụng nhờ các triệu chứng đúc kết trong cơ sở dữ liệu rộng lớn dựa trên AI. Nhưng chatbot dựa trên AI không dừng ở đó mà sẽ trở nên tinh tế và nhạy bén hơn khi được cải tiến để trở thành một dạng bạn ảo biết cảm thông.
Woebot – một trợ thủ trực tuyến xoa dịu tinh thần, luôn sẵn sàng đón tiếp bạn – biết bày tỏ những cảm xúc rất thật và khích lệ bạn nói về những rắc rối của bạn, sau đó cho bạn vài lời khuyên, giống như một vị bác sĩ tâm lý con người. Bạn khó có thể nghĩ Woebot là một chatbot nếu không được thông báo trước, sau đó thấy có chút ngạc nhiên, rồi có lúc thấy buồn cười. Tại sao mình lại “tâm sự” với một chatbot. Bạn có tin lời khuyên của chatbot không?
Trợ thủ hay kẻ tiếm quyền?
Dù bạn có rất nhiều lý do ủng hộ hay phản đối chatbot, robot, thì chúng vẫn sẽ hiện diện trong tương lai ở bệnh viện, phòng mổ, viện dưỡng lão, thậm chí là trong nhà của bạn như một bác sĩ theo yêu cầu (doctor on demand).
Tình trạng thiếu bác sĩ là một vấn đề toàn cầu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới hiện thiếu khoảng 4,3 triệu bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Đồng thời, nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế lại đang gia tăng vì người ta dễ mắc bệnh gì đó hơn trước đây, số bệnh do nền văn minh như bệnh tiểu đường, béo phì cũng gia tăng trong khi dân số đang già đi cần nhiều sự chăm sóc hơn.
Robot, chatbot AI được cải tiến liên tục, được trao cho khả năng tự học hỏi cùng với các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu con người mà làm theo cũng là điều dễ hiểu. Trong tương lai, chúng không chỉ thông minh mà còn có cảm xúc, dù vậy chúng chỉ mới giữ vai trò của thành phần “điền vào khoảng trống” của ngành do thiếu người.
Suy cho cùng những “nhà tâm lý học” robot, chatbot AI vẫn thiếu thứ gì đó chưa thể… làm con người được. Chúng vẫn lệ thuộc vào khối dữ liệu đầu vào – do con người tạo ra – để học tập. AI là một thách thức đồng thời là một động lực cho ngành chăm sóc sức khỏe, không ai khác hơn các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá – những người đầu tiên sẽ phải tự thay đổi mình trước khi AI làm cuộc thay đổi toàn diện lĩnh vực chăm sóc y tế.