Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Lạc mất mùa xuân

Kỷ Quang Vinh (*) –

Tôi sống trên bờ một con sông của thành phố Cần Thơ. Tôi thường dõi theo dòng nước để ôn lại một thời bơi lội của tuổi thơ. Nhưng dòng nước không chỉ gợi ký ức mà còn cho thấy hiện thực đau lòng! Một buổi sáng, nước ròng sát. Có vài người phụ nữ, đầu nhô trên mặt nước, một tay vịn hờ chiếc thau nhựa, tay kia đang cố mò và bắt từ đáy sông những con ốc, chem chép bỏ vào thau. Lại có lúc hai vợ chồng ngư dân nghèo, lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ, vợ nắm mái dầm trong khi chồng ráng quăng chài văng xa ra ngoài sông để cố tóm được nhiều nhất những con cá lạc dòng. Và không chỉ có thế, tôi còn ghi nhận được năm-sáu cách bắt cá khác như câu, giăng lưới, chặn dòng đặt lọp… Thậm chí cá, tôm còn bị hủy diệt bằng xiệt điện, lưới cào.

Chỉ với một đoạn sông ngắn thủy sản đã bị khai thác triệt để như thế, thì trách sao một vùng đã từng tự hào cá nổi như bánh canh nay chẳng còn gì nhiều. Và tương lai không xa, tôm cá có còn trên những dòng nước quê tôi? Hơn nữa, nhìn trên toàn đồng bằng thì nguy cơ khai thác tài nguyên, sinh vật theo kiểu tận diệt đang làm thay đổi đến gốc rễ, nền tảng tự nhiên của đồng bằng.

Tương lai không xa, tôm cá có còn trên những dòng nước quê tôi? Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thiên nhiên nổi giận

Trước năm 1772 toàn đồng bằng sông Cửu Long chưa hề có kênh đào, đến năm 1992 thì chưa hề có đê bao khép kín. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đã có gần 100.000 cây số kênh đào các cấp; 80 cống đập các cỡ, đập lớn nhất có khẩu độ cả trăm mét. Ngoài ra, trên các tỉnh đầu nguồn nước sông Cửu Long còn có hơn 6.000 cây số đê bao khép kín.

Các công trình cải tạo thiên nhiên làm cho sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 25 triệu tấn. Đặc biệt, trong 20 năm gần đây, thủy lợi và hóa chất phân bón, đã giúp năm sau sản lượng tăng hơn năm trước 500.000 tấn. Lượng thủy sản đạt khoảng 3,4 triệu tấn, có hơn 2,4 triệu tấn là cá nuôi. Ở nông thôn, nông dân giàu lên với nhiều nhà cửa, đường sá được sửa sang, nâng cấp to hơn và đẹp hơn. Các máy móc hiện đại đang thay thế các phương tiện cũ trong một thời gian rất ngắn…

Niềm vui chưa kịp dâng trào cho sự phồn thịnh của cộng đồng, thì đã tắt lịm với vụ sạt bờ Vàm Nao. Nhà cửa, biệt thự to, đẹp, hiện đại bị chìm mất xuống dòng sông trong giây phút. Phải chăng sự phát triển của đồng bằng cũng phù du, không vững chắc; mới thấy đó thì đã mất đó!

Chợt nhớ ra, trên báo đài đã nhiều lần nói về nông sản được mùa mất giá. Có nhiều vụ lúa thu hoạch xong nông dân bị lỗ. Giá lúa cao nhất, 6.000 đồng/kg, thì một hộ nông dân ít đất chỉ lời được gần một triệu đồng/tháng; xem chừng không cao hơn chuẩn hộ nghèo là bao.

Không phê bình và chê trách bất cứ ai, tôi chỉ muốn tìm xem chuyện gì đã và đang xảy ra, đã làm cho một vùng đất trù phú nhất nước trở thành vùng có nguy cơ cao cho những người lập nghiệp trẻ tuổi và cho cả những cư dân lâu đời.

Tại “ông trời”, hẳn là thế rồi, đồng bằng sông Cửu Long được các nhà chuyên môn đánh giá là một vùng châu thổ bị ảnh hưởng nặng nề thứ ba thế giới. Điều đáng nói là bình quân phát thải của cư dân tại đây thấp hơn mức phát thải bình quân của thế giới nhiều lần. Có nghĩa là chúng ta không góp phần gây biến đổi khí hậu nhưng lại phải hứng chịu hậu quả nặng nề do nó đem lại.

Nước biển ngày càng dâng cao và sự sụt giảm lượng mưa trên lưu vực là nguyên nhân chính gây trận hạn-mặn nặng nề nhất trong ít nhất một thế kỷ, năm 2016. Hạn-mặn làm thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho nền kinh tế của vùng. Nhiều nông dân nghèo phải chịu cảnh ly tán, cha mẹ làm ăn xa xứ bỏ lại con thơ ở nhà cho ông, bà trông. Năm 2017 mưa gió trái mùa, nước nổi sớm gây ngập úng hàng ngàn héc ta lúa. Cá, tôm đổ về đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa nhiều. Sinh thái và sinh kế tại đồng bằng sông Cửu Long càng thêm nhiều thách thức.

Trách người, trách mình

Trước khi đổ thừa cho tự nhiên thì cũng phải thấy trách nhiệm của con người trong lưu vực. Trước tiên là những kẻ tham lam, ngoan cố trên thượng nguồn. Những người sẵn sàng đánh đổi lợi ích ngắn hạn của thủy điện với lợi ích sinh thái lâu dài của toàn lưu vực và thế giới. Nói họ tham lam vì họ chỉ nhắm đến lợi ích cho riêng mình, bỏ ngoài tai những chứng minh về sự mất đi vĩnh viễn, không thể đảo ngược của đa dạng sinh học và hệ sinh thái của lưu vực. Nói họ ngoan cố vì họ bỏ ngoài tai kinh nghiệm xương máu của Mỹ, quốc gia đi đầu trong xây dựng đập thủy điện nay đã phải tháo bỏ gần 1.000 đập trên đất nước họ để trả lại sự tự nhiên quý giá của các dòng sông.

Kế đến, quen với nếp sống cũ, chúng ta ít quan tâm xử lý triệt để các loại chất thải sinh hoạt, sản xuất nông-thủy sản và công nghiệp. Nguy cơ càng lớn khi chúng ta tập trung vào quản lý chất thải công nghiệp mà có phần lơ là trong quản lý chất thải nông nghiệp và sinh hoạt. Hai loại này lại có tải lượng và tiềm năng gây ô nhiễm rất lớn so với chất thải công nghiệp.

Nguồn nước ô nhiễm chúng ta không lọc sạch, mà lại lấy việc khai thác nước ngầm làm giải pháp cung nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi thủy sản. Nước ngầm không chỉ dùng cho sản xuất công nghiệp mà còn dùng tưới tiêu và nuôi thủy sản. Hậu quả là mực nước ngầm ngày càng thấp, và mặt đất ngày càng lún sâu. Nếu phù sa sông Mekong đã từng bồi đắp mặt đất 1-2 mm thì nước biển lại cao thêm hơn 3 mm/năm, còn đất bị lún thì gấp hàng chục lần mực nước biển dâng. Lún đất góp phần cho ngập sâu hơn, nước mặn xâm nhập xa hơn vào đất liền, và rõ ràng trách nhiệm của chúng ta là lớn nhất trong vấn đề này.

Thay đổi, muộn còn hơn không!

Thập niên 1960, đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu công cuộc cách mạng xanh. Nhưng, thay vì vận dụng phương pháp tiến bộ của nhân loại để làm phong phú nguồn giống và sản phẩm bản địa, chúng ta lại chọn cách mua giống, mua phân, thuốc của các tập đoàn nông nghiệp quốc tế và biến thành những người gia công nông sản cho thế giới. Giống ngoại nhập cùng với hóa chất nguy hại được áp dụng và trở thành một thứ “ma túy” của nông nghiệp. Các giống cây trồng truyền thống, các đặc sản của chúng ta thua ngay trên quê nhà. Vô tình, nông dân mất phần tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên mảnh đất của mình. Nguồn lợi do bán phân, thuốc, giống bên cung cấp hưởng trọn, nhưng các thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa thì nhà nông phải cắn răng chịu đựng.

Câu chuyện có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhiều cấp, ngành khác nhau, và câu chuyện nhiều nông dân trồng riêng nông sản cho nhà mình tiêu dùng ngoài phần sản phẩm để bán, cho thấy lợi lộc cá nhân đã làm tăng sự phân hóa tinh thần, mất dần tính thật thà, chất phác của cộng đồng, kể cả của giới trí thức, và góp phần làm suy kiệt kinh tế của đồng bằng.

Để đồng bằng được phồn vinh, rất cần sự hiểu biết bản chất, tiềm năng và các nguy cơ của đồng bằng; rất cần một phương án toàn diện và tạo điều kiện để mọi tầng lớp trong cộng đồng và mọi địa phương cùng nhập cuộc. Mục tiêu cao nhất phải là hạnh phúc, là nâng cao thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất.

Giảm nguy cơ do ngập không thể bằng biện pháp sinh học, mà phải bằng các công trình trị thủy. Nhưng phải xây theo nguyên tắc “không hối tiếc”, đa chức năng và dựa vào hiện trạng hạ tầng hiện có. Lún đất làm ngập nặng hơn là biến đổi khí hậu, nên giải quyết với lộ trình từ việc khôi phục mực nước ngầm, ngưng rồi cấm hẳn dùng nước ngầm. Giảm thiệt hại do hạn-mặn bằng biện pháp trữ nước phân tán ở từng gia đình, xóm ấp. Chuyển giao công nghệ ngọt hóa nước biển của Israel để cung cấp cho dân cư ven biển cần được thực hiện càng sớm càng tốt.


(*) Thạc sĩ, nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Kết nối