Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Người trẻ, cơn mộng mơ và sự ích kỷ?

Nguyễn Phong Việt –

Có lẽ chưa bao giờ mà cuộc sống của giới trẻ được tách bạch một cách rõ ràng như thế. Một mặt là những “trận chiến” mưu sinh hàng ngày khi đối diện với cuộc đời. Mặt còn lại là những mơ mộng tươi đẹp thể hiện trên mạng xã hội như một câu chuyện cổ tích.

Mộng mơ và thực tế

Nếu như Facebook có đầy đủ những hỷ nộ ái ố thì thế giới của Instagram lại hầu như chỉ hào nhoáng với những hình ảnh lộng lẫy xinh tươi nhất của chủ nhân, kèm theo những câu trích dẫn đầy tính triết lý về cuộc đời. Giả sử một ai đó chưa từng đến Việt Nam, khi lướt qua Instagram của giới trẻ Việt, chắc họ dễ hình dung rằng đây là một đất nước mà tỷ lệ hạnh phúc và sự sâu sắc trong suy nghĩ thuộc hàng đầu trên thế giới.

Vậy nhưng, khi bạn thật sự đến các thành phố lớn của Việt Nam, nhìn thấy những chiếc áo khoác của xe ôm thời công nghệ, mà tuổi đời của họ cũng chỉ vừa tốt nghiệp đại học không lâu, mới thấy mọi chuyện chẳng hề đơn giản.

Tôi vẫn nhớ rất nhiều lần khi bắt một chuyến xe ôm công nghệ để đi, nhìn gương mặt trẻ măng của tài xế và buột miệng hỏi như một thói quen thì nhận được câu trả lời: “Em làm một thời gian ngắn, kiếm tiền trang trải cuộc sống thường nhật rồi sẽ kiếm công việc ổn định hơn anh ơi!”.

– Vậy thời gian ngắn mà em dự định là bao lâu?

– Dạ, cũng chưa biết, nói thì nói vậy nhưng vẫn phải cố gắng lo cơm ăn ngày hai bữa đã…

Và bạn có tin rằng, cứ mỗi ngày dầm mưa dãi nắng với bụi đường kia cũng là một ngày kiến thức nơi giảng đường rơi rụng dần như những chiếc lá trên một thân cây đi qua năm tháng. Rồi sẽ có bao người trẻ trong số đó mạnh mẽ từ bỏ những khoản tiền nhỏ nhoi mỗi ngày kiếm được, để hướng đến một ước mơ công việc mà những năm tháng trên giảng đường họ đã rất hăm hở…

Khi mà bạn thức dậy đã quờ tay để mở điện thoại xem thế giới của đêm qua đã xảy ra chuyện gì. Khi mà bạn trước khi đi vào giấc ngủ, vẫn muốn chìm đắm vào cái màn hình điện thoại bật sáng để thể hiện sự thích, bình luận hay chia sẻ, và khi mà bạn hẹn hò nhau nhưng trên tay vẫn là chiếc smartphone ở chế độ trực tuyến thì cuộc sống của bạn có lẽ không còn là của bạn nữa.

Tôi may mắn được làm nghề báo lại chuyên về mảng giải trí. Vậy nên cơ hội tiếp xúc với những người giỏi, nổi tiếng hay tham dự những cuộc gặp xa hoa gần như là chuyện bình thường. Nhưng vô hình trung, những người khác nhìn vào những điều ấy cứ cảm giác đó là một cuộc sống thật đáng sống. Mà có bao nhiêu người hiểu, có những ngày chúng tôi phải thâu đêm suốt sáng làm tin bài, thậm chí chuyện 4-5 giờ sáng mới ngả lưng ra ngủ là việc bình thường, nếu muốn kịp tin bài lên vào đầu giờ sáng hôm sau khi dự sự kiện vào tối qua. Hoặc đời làm báo thì thứ Bảy và Chủ nhật thật ra còn bận rộn gấp mấy lần so với thứ Hai.

Hình ảnh trên mạng xã hội cũng chỉ là hình ảnh, thậm chí tâm lý chung của con người bao giờ cũng muốn trưng những gì đẹp đẽ nhất cho người khác nhìn thấy. Nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên nếu như có một cuộc khảo sát về ước mơ của người trẻ Việt Nam vào lúc này thì “được nổi tiếng” có lẽ là một nghề có thật chứ không hề giỡn chơi.

Hưởng thụ nhiều hơn

Cách đây không lâu, tôi đọc cuốn sách do một bạn đồng nghiệp trẻ làm chủ biên. Cuốn sách có tựa rất ngắn gọn: 1987. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện của những người trẻ sinh năm 1987. Họ bây giờ đã 30 tuổi, cái tuổi có thể xem là cột mốc quan trọng chính thức trưởng thành sau khi đã đi qua được nửa chặng đầu tiên cuộc đời. Họ nói về những ký ức và câu chuyện ngày xưa, phác thảo lại một chân dung của thế hệ 1987 khác như thế nào so với những thế hệ khác. Một cuốn sách thật sự thú vị với tôi.

Và còn thú vị hơn khi tôi nhận ra rằng, tuổi 30 của những người trẻ (mà thật ra không còn trẻ gì nữa) ấy rất khác chúng tôi. Họ bớt đi những sự ràng buộc với gia đình hơn, thậm chí có người dù sống chung thành phố với ba mẹ nhưng đã dọn ra riêng dù chưa có gia đình nhỏ. Họ kết hôn muộn hơn hay thậm chí không kết hôn. Họ dành tiền để đi du lịch và mua sắm thay vì tích cóp để mua nhà. Họ muốn hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn ở tất cả mọi khía cạnh.

Xã hội chúng ta đang thay đổi. Và dĩ nhiên thế hệ trẻ cũng thế. Sự mơ mộng của họ về cuộc đời có cảm giác càng lúc càng nhiều lên. Trong khi ai cũng biết thực tế cuộc sống đang khắc nghiệt hơn rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ, đặc biệt là các cử nhân vừa mới ra trường luôn ở tỷ lệ đáng lo lắng. Tỷ lệ di dân của người trẻ từ nông thôn lên thành thị năm sau luôn cao hơn năm trước. Nghĩa là đang có một nghịch lý xảy ra: điều chúng ta đang nhìn thấy trên mạng lại rất khác với điều mà trong thực tế mọi thứ đang diễn ra.

Nhưng có khi, giữa những bề bộn của một cuộc sống xem giá trị đồng tiền càng lúc càng quan trọng, thì mơ mộng có lẽ là một tính cách tốt. Vì ít nhất nó cũng giống như những giây phút thư giãn hiếm hoi sau những giờ “chiến đấu” với thực tại. Chỉ là họ mơ mộng cho họ nhiều hơn là cho người khác!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối