Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Đưa người gần lại với người

Minh Huy

Có một suy nghĩ gần như trở thành định kiến ở không ít người, rằng công nghệ đang đẩy con người xa nhau trong đời sống thực, thu mình vào thế giới ảo. Nhưng, vẫn có nhiều sản phẩm công nghệ mà nhờ đó con người có thể chăm sóc lẫn nhau, gắn kết với nhau nhiều hơn… 

Bạn đồng hành của người mất trí nhớ

Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Iruma, thuộc tỉnh Saitama, đang theo dõi người lớn tuổi mắc bệnh mất trí nhớ bằng cách dán mã vạch chứa các thông tin cá nhân lên ngón tay và ngón chân của họ. Mã QR này chứa những thông tin cơ bản, như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại người thân, dãy số nhận dạng độc nhất và số điện thoại của chính quyền địa phương. Cảnh sát có thể quét mã QR này nếu phát hiện người lớn tuổi đi lạc, từ đó giúp dễ dàng đưa họ trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhà chức trách cho biết miếng dán có kích thước 1 cm, chịu được nước và dính trên móng tay, móng chân của người sử dụng trong khoảng 2 tuần. Việc dán mã QR nói trên vào móng tay, móng chân là một biện pháp tỏ ra hiệu quả hơn về mục đích của nó, bởi hiện đã có các miếng dán tương tự dành cho quần áo và giày dép nhưng người mất trí nhớ không phải lúc nào cũng mang chúng. 

Những người lớn tuổi bị bệnh Alzheimer’s tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc được cấp vòng đeo tay có chứa thông tin nhận dạng.

Theo tờ Straits Times, công nghệ này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang lão hóa nhanh chóng, với hơn 25% công dân trên 65 tuổi. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên tới 40% vào năm 2055, thời điểm dân số nước Nhật dự đoán sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn 90 triệu người. Riêng số người mất trí nhớ bị trình báo mất tích ở Nhật đã đạt mức cao kỷ lục 15.432 người vào năm 2016, theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia. Con số này tăng 26,4% so với năm 2015.

Iruma không phải là địa phương duy nhất dùng công nghệ theo dõi bệnh nhân mất trí nhớ ở Nhật Bản. Chính quyền thành phố Takasaki, thuộc tỉnh Gunma, hồi tháng 10-2015 bắt đầu cho các gia đình có người bị mất trí sử dụng miễn phí thiết bị GPS. Kể từ đó, họ đã giải quyết thành công 141 trường hợp người mất tích. Trong một vụ việc như thế, một cụ bà trong độ tuổi 80 biến mất khỏi nhà dưỡng lão ở tỉnh Gunma được tìm thấy tại thủ đô Tokyo sau đó. Còn tại tỉnh Nara, một người đàn ông trạc 60 tuổi đã được tìm thấy sau khi mất tích nhờ một miếng dán trên đôi xăng đan của mình – được chính quyền địa phương cung cấp.

Trung Quốc cũng đang đau đầu với tình trạng người lớn tuổi đi lạc. Ước tính bình quân 1.370 người từ 60 tuổi trở lên mất tích mỗi ngày, tương đương 500.000 người mỗi năm. Có đến 25% người trong số này bị chẩn đoán bệnh mất trí nhớ. Trong nỗ lực đối phó, chính quyền tỉnh Hồ Nam gần đây cung cấp cho 200 người lớn tuổi bị bệnh Alzheimer’s vòng đeo tay WeChat có trang bị mã QR. Thông tin cá nhân của người đeo vòng này được nhúng vào trong thiết bị để chỉ cần quét mã QR bằng điện thoại, người ta có thể biết được danh tính, địa chỉ nơi ở và đưa họ về nhà.

Cứu tinh mũ bảo hiểm

Đi xa hơn, đã xuất hiện những thiết bị, công nghệ được thiết kế để cứu tính mạng con người. Chẳng hạn như tại Thái Lan, một chiếc mũ bảo hiểm thông minh đã được trình làng với hy vọng giảm bớt số trường hợp tử vong trong tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy. Quốc gia Đông Nam Á này có số trường hợp tai nạn giao thông xe máy cao thứ hai thế giới, với 80% trường hợp tử vong tại vùng nông thôn. Nguy cơ tử vong gia tăng khi người lái xe chạy một mình vào ban đêm. Trong nhiều trường hợp, chấn thương ở đầu khiến nạn nhân bất tỉnh, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ nên mọi chuyện thường quá muộn khi có ai đó phát hiện nạn nhân.

Theo trang LBB Online, Công ty BBDO Bangkok hy vọng giải quyết được tình trạng phí phạm thời gian vàng, thông qua chiếc mũ bảo hiểm thông minh gọi là Helpmet. Sản phẩm này được thiết kế để phát tín hiệu kêu gọi sự giúp đỡ trong trường hợp xảy ra tai nạn ngay cả khi nạn nhân bất tỉnh. Thiết bị có chứa một bộ cảm biến có thể nhận biết lực tác động vào đầu khi nào đủ mạnh để khiến người sử dụng bất tỉnh và tự động gửi tin nhắn cầu cứu đến Trung tâm khẩn cấp quốc gia.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Helpmet kích hoạt đèn LED và âm thanh báo động để thông báo cho những người qua đường khác về nạn nhân đang bất tỉnh. Sau 10 giây, Helpmet truyền tín hiệu về địa điểm xảy ra tai nạn và tất cả dữ liệu quan trọng về nạn nhân, như tuổi tác, nhóm máu, bệnh dị ứng, hồ sơ y tế, thông tin bảo hiểm, số liên lạc khẩn cấp… đến dịch vụ cứu hộ theo thời gian thực. Những thông tin này được người sử dụng đăng ký trước trên website của Helpmet. Nhờ vậy, nhân viên cứu hộ có thể nhanh chóng tiếp cận nạn nhân thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS). BBDO hy vọng mọi người có thể sử dụng Helpmet trong tương lai gần.

Tiếp sức cho người khuyết tật

Không chỉ cứu người, công nghệ còn đang phá vỡ những trở ngại mà người khuyết tật đối mặt, như những gì người ta chứng kiến ở Úc, theo trang news.com.au. 

Dù bị mù, nhưng ông Nick Allan vẫn biết được ai ngồi trước mình, bao nhiêu tuổi, đang cười hoặc cau mày – tất cả nhờ điện thoại của ông. Người đàn ông 43 tuổi này đang sử dụng ứng dụng mới của Microsoft, gọi là Seeing AI và hiện mới có phiên bản dành cho iOS, có khả năng mô tả khung cảnh và người gần đó, đọc biểu cảm trên khuôn mặt, văn bản, vật thể…

Những người khiếm thị sử dụng ứng dụng hướng dẫn đi lại.

Ứng dụng còn có thể đọc mã vạch, cho phép người khiếm thị thanh toán các hóa đơn. Chưa hết, người sử dụng có thể dạy ứng dụng nhận biết khuôn mặt của bạn bè, người thân, đồng nghiệp và nó sẽ nói tên của họ khi camera điện thoại “nhìn thấy” họ. Những tính năng nổi bật khác của ứng dụng là đọc to những câu chữ mà camera điện thoại “thấy” được hoặc mô tả hình ảnh được chia sẻ mạng xã hội Twitter, thông qua e-mail.

Ông Allan cho biết những tiến bộ công nghệ cao giúp ông xoay xở dễ dàng hơn trong thế giới dành cho người có cơ thể lành lặn. Trong khi đó, bà Jenny Lay-Flurrie, một nhà quản lý của Microsoft bị khiếm thính nặng, nhận định công nghệ có thể dỡ bỏ các rào cản và tạo sân chơi bình đẳng cho người khuyết tật. Bà cho biết Microsoft đang bổ sung những tính năng dành cho người khuyết tật vào hệ điều hành Windows và bộ phần mềm văn phòng Office.

Seeing AI là một trong số ngày càng nhiều ứng dụng, thiết bị giúp người khuyết tật kiểm soát cuộc sống mình nhiều hơn và bớt phụ thuộc vào người khác. Một chương trình đang được thí điểm để giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng bên trong các cơ sở công ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc. Ban đầu, các thiết bị truyền tín hiệu lắp đặt bên trong nhà ga Southern Cross kết nối với một ứng dụng GPS miễn phí gọi là Blindsquare. Ứng dụng sử dụng điện thoại thông minh để cung cấp lời khuyên về đường đi. Đối với những ai không thể sử dụng bàn tay, thiết bị cho phép một con trỏ được điều khiển thông qua cử động của miệng.

Người ta hy vọng chương trình sẽ được mở rộng sang những cơ sở công khác ở khắp bang Victoria.

Ngôi nhà kết nối

Tủ lạnh thông minh được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong ngôi nhà kết nối của mình.

Với xu hướng Internet vạn vật (IoT) đang phát triển, thiết bị gia dụng trở nên thông minh hơn, giúp người sử dụng kết nối với nhau theo những cách hoàn toàn mới. Hãng Samsung đang nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng rằng tủ lạnh thông minh sẽ đóng vai trò trung tâm trong ngôi nhà kết nối của mình.

Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2016 ở thành phố Las Vegas (Mỹ), Samsung đã trình làng mẫu tủ lạnh Family Hub, được trang bị màn hình cảm ứng 21,5 inch trên cánh cửa. Về cơ bản, đây là mẫu tủ lạnh được nhúng một máy tính bảng Android, cho phép sử dụng một số ứng dụng, và theo dõi những con số thống kê, như nhiệt độ bên trong tủ lạnh. Tủ lạnh còn được trang bị bộ cảm biến, có khả năng biết được khi nào tủ lạnh hết thực phẩm và tự động đặt hàng mới. Người sử dụng còn có thể quan sát bên trong tủ lạnh thông qua camera trên điện thoại thông minh từ xa.

Đến CES 2017, Samsung tiếp tục hé lộ thế hệ tủ lạnh Family Hub mới thông minh hơn, với giao diện, ứng dụng được điều khiển bằng giọng nói, cho phép người sử dụng rảnh tay làm bếp. Công ty Hàn Quốc này cho biết sản phẩm giúp nâng cao sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn như những tính năng Whiteboard, Memo, Photo Album biến màn hình thành bản tin số, nơi các thành viên gia đình có thể chia sẻ hình ảnh, cập nhật lịch làm việc, gửi ghi chú viết tay cho nhau…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Kết nối