Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen ngoáy tai khi có cảm giác ngứa hoặc lấy ráy tai theo định kỳ. Thói quen này tưởng chừng như vô hại nhưng nhiều người đã phải nhập viện điều trị do bị tổn thương ống tai ngoài, thủng màng nhĩ, viêm tai ngoài, viêm tai giữa.
Bà Lê Thị Sen (55 tuổi) ngụ tại quận Tân Bình TPHCM vừa phải nhập viện Bệnh viện tai mũi họng TPHCM để điều trị bệnh viêm tai ngoài với những triệu chứng đau nhức tai dẫn đến đau đầu, sổ mũi, nóng sốt, chảy dịch tai.
Thói quen nguy hiểm
Bà Sen cho biết, bà thường xuyên có thói quen ngoáy tai bằng cây ngoáy kim loại mỗi khi tai có hiện tượng ngứa. Vừa qua, bà bị chảy máu tai rồi dẫn đến viêm đau, chảy nước. Đi khám tại bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, bác sĩ cho biết bà bị viêm tai ngoài.
Ghi nhận tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho thấy, trung bình mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài. Trong đó, có khoảng gần một phần ba số bệnh nhân cho biết tai bị sưng, đau sau khi ngoáy ráy tai. Do chưa có kiến thức về vệ sinh tai và thói quen trong sinh hoạt, khi cảm thấy ngứa hay khó chịu trong tai, nhiều người có thể sử dụng nhiều vật dụng như bông tăm, bông gòn, dụng cụ móc lỗ tai... thậm chí là móng tay để ngoáy tai. Việc làm này có thể gây ra trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng tai, viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, viêm tai xương chũm, nghe kém, ù tai...
Thỉnh thoảng lại có bệnh nhân bị thủng màng nhĩ vì ngoáy lỗ tai sâu quá hoặc đang lấy ráy tai bằng que móc kim loại thì bị người khác đi qua vô tình đụng phải. Hậu quả là màng nhĩ bị thủng, rách da ống tai, chảy máu. Có trường hợp chấn thương thủng màng nhĩ gây tổn thương tai trong, khiến bệnh nhân bị giảm hoặc mất thính lực, chóng mặt, nôn ói, ù tai, phải nhập viện theo dõi.
Việc lấy ráy tai mỗi khi cắt tóc (nhất là nam giới) sẽ gây ra nhiều mối nguy cơ từ dụng cụ lấy ráy tai kém vệ sinh, sử dụng cho nhiều người mà chỉ lau chùi qua loa. Khách đến tiệm cắt tóc ngoáy tai có thể bị viêm nhiễm, nấm ống tai, thậm chí có thể bị nhiễm HIV/AIDS mà không hay. Không ít người đã bị thủng màng nhĩ do lấy ráy tai khi cắt tóc. Ngoài ra, do không biết chức năng bảo vệ của hệ thống lông tơ trong ống tai, thợ cắt tóc có thể thoải mái cạo nhẵn, tạo điều kiện cho nước, bụi, vi khuẩn, côn trùng vào ống tai và dễ gây viêm nhiễm tai.
Không nên ngoáy tai
Theo các chuyên gia về thính học, tai là một khu vực cực kỳ nhạy cảm, nên khi đưa một vật thể lạ vào tai nếu không cẩn thận và không biết rõ cấu tạo của tai có thể khiến bộ phận này dễ bị tổn thương, đôi khi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác.
GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho hay tai gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có vành tai và ống tai với cấu tạo chủ yếu là xương và sụn được phủ bởi một lớp da và tổ chức liên kết rất mỏng dưới da. Ống tai liên quan đến họng nên khi viêm họng cũng gây ra đau tai hoặc viêm tai và ngược lại. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ.
Ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã gọi là ráy tai. Ráy tai có thể khô hoặc ướt là tùy thuộc cơ địa từng người. Ráy tai cũng có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài, đe dọa thính giác. Da của ống tai được sinh ra bởi thượng bì của màng nhĩ mọc từ phía trong ra phía bên ngoài. Khi mọc ra phía bên ngoài, phần da này đẩy ráy tai ra cửa tai. Ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra, tự khô rồi bong ra ngoài.
Bác sĩ Hữu cho biết, việc lấy ráy tai sẽ làm da trong ống tai bị tổn thương, đồng thời làm cho môi trường axit và sự khô ráo trong ống tai không còn lý tưởng nữa. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi trùng tấn công và phát bệnh.
Cách xử trí khi tai khó chịu
Theo các chuyên gia thính học, ống tai có cơ chế tự làm sạch và ráy tai là chất có thể tự làm sạch. Trong điều kiện lý tưởng, chúng ta không cần phải vệ sinh ống tai. Nếu trong tai có quá nhiều ráy tai, chúng sẽ tự rơi ra khỏi ống tai khi các tế bào tự di cư một cách tự nhiên. Khi cảm thấy hơi ngứa ngứa, vướng thì ta chỉ cần lấy tay khều nhẹ là ráy tai ra ngoài rồi. Ráy tai cũng bị loại bớt khỏi tai khi chúng ta cử động khi do nói chuyện và nhai. Khi chúng ra đến ống tai ngoài, chúng sẽ tự rơi khỏi tai khi bạn tắm gội.
Theo Điều dưỡng viên Vũ Thị Thanh Loan, Bệnh viện Quận 5 TPHCM, nếu bị ngứa tai, mọi người chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai. Nếu không giảm ngứa, có thể dùng một số thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai, sau 5 - 10 phút, nghiêng đầu về bên tai bệnh, day nhẹ vào nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra. Sau đó, dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai. Chú ý: không ngoáy tai. Sau một tuần nếu vẫn thấy ngứa thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để thăm khám và xử lý vệ sinh tai đúng cách.
Trường hợp khi tắm, khi bơi, nếu nước vô tình vào tai gây cảm giác khó chịu, ù tai thì nghiêng đầu về từng bên, day nhẹ vào nắp tai cho nước chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch đặt vào ống tai, nước sẽ được bông khô thấm hết. Không nên cọ sát, lau chùi trong tai.
Bình Minh