Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Muốn bảo vệ chim yến, phải bảo vệ các loại chim trời

Vừa qua Chính phủ đã ban hành công điện về việc tăng cường ngăn chặn săn bắt trái phép chim yến để bảo vệ ngành chăn nuôi đang tạo ra giá trị khoảng nửa tỉ đô la Mỹ mỗi năm này. Tuy nhiên, khó mà bảo vệ hiệu quả chim yến khi mà các loại bẫy chim hoang dã vẫn đang giăng mắc như thiên la địa võng hiện nay.

Với những động vật như dơi, chim, kể cả chim yến… việc bảo vệ cần hàng loạt biện pháp đồng bộ vì tập quán của chúng là không “bó cánh” trong một khu vực cố định mà luôn bay đi xa để kiếm ăn. Những mô hình bảo vệ như chùa dơi (chùa Mahatup) ở tỉnh Sóc Trăng, vườn cò của lão nông Lê Văn Chìa ở tỉnh Vĩnh Long hay các nhà nuôi yến chỉ ngăn được sự xâm nhập vào bên trong, còn khi dơi, chim bay đi kiếm ăn bên ngoài thì dễ dàng bị giới săn bắt tóm gọn.

Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), chim yến thuộc bộ yến là động vật hoang dã. Ở Việt Nam, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp.

Thế nhưng, tình trạng săn bắt chim yến vẫn rất phổ biến ở nhiều địa phương để bán làm mồi nhậu hay chim phóng sinh. Trong khi người nuôi yến đầu tư tiền tỉ để xây nhà yến, mất hàng năm trời mới thu hút được chim yến về làm tổ thì những người bẫy chim chỉ cần một tấm lưới, một chiếc loa phát âm thanh dụ yến là bắt mỗi lần hàng chục, hàng trăm con một lần. Chim yến bị bắt được bán làm mồi nhậu với giá 3.000 đồng/con hoặc chết dần chết mòn trong những chiếc lồng bán chim “phóng sinh”.

Việc bắt chim yến bán “phóng sinh”, làm mồi nhậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi chim yến. Một cặp yến bị bắt bán chỉ được 6.000 đồng trong khi nếu được sống ngoài tự nhiên hay trong nhà yến, cặp chim này mỗi năm có thể làm ra 3 cái tổ yến trị giá tổng cộng khoảng 600.000 đồng, ngoài ra còn thêm chim non được sinh ra, trưởng thành và tiếp tục cho tổ. Thiệt hại còn lớn hơn khi vào mùa sinh sản, nếu chim yến bố mẹ bị bắt thì chim non trong tổ cũng chết theo vì không được mớm mồi.

Ngoài công điện chỉ đạo hôm 30-6 vừa qua, trong thời gian gần đây Chính phủ liên tiếp ban hành các chỉ thị để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư như Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2020 và Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2022. Tuy nhiên việc thực thi bảo vệ chim hoang dã vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chỉ thị 04/CT-TTg nhận định “tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương”.

Rõ ràng là chúng ta không thể bảo vệ chim yến hiệu quả khi tình trạng săn bắt, đặt bẫy chim giăng mắc khắp nơi như thiên la địa võng hiện nay. Muốn ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắt chim hoang dã, chim yến thì phải cùng triệt tiêu từ đầu vào là nguồn cung cấp công cụ săn bắt, khâu trung gian mua bán chim đến đầu ra là người mua, đặc biệt là quán ăn, nhà hàng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm việc với Facebook, Google… để đề xuất khóa tài khoản các “chợ chim online” nơi giới mua bán chim và công cụ bẫy chim chào hàng. Việc “đóng cửa chợ” mua bán chim hoang dã và dụng cụ săn bắt sẽ khiến giới săn bắt, mua bán khó tìm đầu ra.

Khi cơ quan chức năng kiểm soát chặt thì người bắt chim sẽ khó bán chim bắt được, người mua đi bán lại khó tìm đầu ra vì nhà hàng, quán ăn thì không thể công khai bán chim làm thức ăn. Khi việc mua bán chim hoang dã ngày càng khó khăn và rủi ro cao, giới săn bắt chim sẽ phải “giải nghệ” dần dần.

Chúng ta không thể tiếp diễn tình trạng “đất không lành đất nhậu luôn chim” như một câu nói đùa dân gian. Hãy trả lại đất lành cho chim đậu! Trả đất lành không chỉ cho chim mà còn là trả môi trường thiên nhiên trong lành cho con cháu mai sau.

Mục Nhĩ

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối