Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Phá Hạc Hải, nơi chim trời quay về làm tổ

(SGTT) – Nhận lời mời của người bạn làm công tác bảo tồn rủ đi xem chim trời làm tổ, tác giả háo hức gật đầu lên đường. Từ đập ngăn mặn thôn Mỹ Trung (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), chiếc thuyền võ nhôm gắn máy cô-le chở chúng tôi ngược về phía Nam của đầm phá Hạc Hải.
Chim về làm tổ tại phá Hạc Hải. Ảnh: Hoàng Bùi

Phải hơn 30 phút mới đến được ruộng lúa của vợ chồng anh Nguyễn Công Xuân (50 tuổi) và chị Đỗ Thị Hoa (48 tuổi) ở thôn Xuân Hòa, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, gương mặt xạm đen vì nắng gió.

Phá Hạc Hải nằm ở vị trí tiếp giáp của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây ẩn chứa nhiều nhiều giá trị văn hóa lịch sử, cùng với cảnh sắc lung linh, thơ mộng. 

Ngồi trên căn chòi lá dựng tạm đơn sơ làm chỗ nghỉ chân, giữa bao la của đầm phá, anh Xuân chậm rãi rót chén nước mời khách rồi kể. Vào những năm 2000, gia đình anh được cấp khoảng 10 ha làm lúa và nuôi trồng thuỷ sản trên phá Hạc Hải. Thời điểm ấy, chim bay lượn đầy đồng nên ngoài làm lúa hai vợ chồng cũng kết hợp lấy nghề buôn bán chim làm kế sinh nhai. Việc bắt chim trời rồi mang đi bán cho thu nhập rất cao, có ngày lãi gần bảy triệu đồng nhưng dần dà từng đàn chim ít đi và anh thấy có lỗi với đầm phá.

Anh Xuân chèo thuyền đi chăm sóc các tổ chim. Ảnh: Hoàng Bùi

“Hằng đêm tôi không thể nào chợp mặt, tiếng cò, tiếng vạc luôn văng vẳng bên tai như lời oán trách việc làm của mình. Tôi liền bàn với vợ không buôn bán chim trời nữa mà đi bảo vệ để bù đắp những việc làm đã gây ra cho đàn chim. Nghe vậy, vợ tôi không nghĩ nhiều, gật đầu đồng ý”, anh Xuân tâm sự.

Kể từ đó, hai vợ chồng anh Nguyễn Công Xuân và chị Đỗ Thị Hoa ngày ngày bảo vệ đàn chim trời trên diện tích đất lúa của gia đình giữa đầm phá Hạc Hải. Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của những người xung quanh, vợ chồng anh luôn kiên định với hành động của mình.

Ảnh: Hoàng Bùi

Hành động bảo vệ chim trời xuất phát từ việc vợ chồng anh thấy “mắc nợ” vì một thời đã tận diệt chim trời để kiếm kế sinh nhai, anh Nguyễn Công Xuân kể về cơ duyên đến với “nghiệp nuôi chim trời”.

Ảnh: Hoàng Bùi

Để đàn chim trở về ngày một nhiều, vợ chồng anh đã vay mượn 100 triệu đồng rồi vào miền Nam mua dừa nước ra trồng. Những năm đầu cây xanh tốt, từng đàn chim rủ nhau làm tổ cứ thế đông lên.

Ảnh: Hoàng Bùi

Thế nhưng, vào năm 2020, trận lũ lịch sử đã cuốn đi hàng dừa nước, đàn chim phải bay đi tìm nơi trú ngụ mới. Không chịu bỏ cuộc, hiện, gia đình anh Xuân đang chuẩn bị đưa cây sung giống và lộc vừng ra trồng.

Nơi nghỉ chân của vợ chồng anh Xuân tại ruộng lúa. Ảnh: Hoàng Bùi

Theo anh Xuân, việc đầu tư cũng phải ngót nghét gần 200 triệu đồng mới tạo được vành đai cây xanh cho nhiều thế hệ chim về làm tổ. Giờ mỗi khi đêm xuống đã không còn nghe tiếng thất thanh của những con chim bị đánh bẫy, thay vào đó tiếng chim rủ nhau về tổ.

Chiều về trên phá Hạc Hải. Ảnh: Hoàng Bùi

Chỉ tay về phía những vạt lau sậy nơi có những chú chim đang bay lượn, anh Xuân kể cho chúng tôi biết cách phân biệt từng loài chim qua tiếng hót, những câu chuyện về tập tính, thói quen của từng loài chim một cách say sưa.

“Tôi mong rằng, mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ đàn chim trời và không tiếp tay cho những hành động gây ảnh hưởng đến cuộc sống của loài chim để bảo vệ lấy sự cân bằng sinh thái của môi trường, cũng như bảo vệ cho chúng ta và con em mai sau”, anh Nguyễn Công Xuân bày tỏ.

Đàn vịt trời vợ chồng anh Xuân nuôi trong ruộng lúa. Ảnh: Hoàng Bùi

Chị Đỗ Thị Hoa, vợ anh Xuân, tâm sự “Vợ chồng tôi bảo vệ chim trời đã được năm năm rồi. Việc giữ chim trời có người ủng hộ cũng có người chê “lo việc bao đồng”, nhưng với chúng tôi, chim trời đến trú ngụ trên mảnh đất này là niềm hạnh phúc lớn. Tiếng cò kêu, chim hót giúp tôi cảm thấy an lòng cho những việc mình làm trước đây và tự nhủ sẽ bảo vệ chim trời đến cuối cuộc đời”.

Ảnh: Hoàng Bùi

Để có thêm thu nhập từ diện tích ruộng lúa của mình, vợ chồng anh Xuân đã nuôi thêm vịt trời, đồng thời ấp ủ kế hoạch làm du lịch sinh thái, trải nghiệm cho các bạn trẻ, sinh viên và các nhóm nhỏ gia đình ở thành phố cuối tuần có thể lên ruộng lúa của anh để xem chim làm tổ; ban đêm được trải nghiệm cuộc sống người nông dân với các hoạt động như đi mò cua, bắt ốc và ngủ lều. Anh Xuân tâm sự, để thực hiện được kế hoạch đó thì vợ chồng anh còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Ráng chiều trên phá Hạc Hải. Ảnh: Hoàng Bùi

Cả khách và chủ cứ thế say sưa theo từng câu chuyện mà không để ý mặt trời đã xuống sau lưng đỉnh núi Đầu Mâu của dãy Trường Sơn. Ráng chiều đỏ tím loang trên đầm phá, những cơn gió mơn man mát rượi. Tác giả tin với suy nghỉ và cách làm nhân văn đó, vợ chồng anh sẽ thành công.

 Hoàng Bùi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phát hiện thêm 22 hang động ở Quảng Bình

0
(SGTT) - Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt Nam...

Cắm trại tại hang động lớn thứ 4 thế giới ở...

0
(SGTT) – Được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công nhận là hang động lớn thứ 4 thế giới, hang Pygmy là một...

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Kết nối