(SGTT) – Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ hiện đang hỗ trợ người dân ở bản Rum Ho (Quảng Bình) xây dựng sinh kế bền vững, nhằm bảo tồn rừng và bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng.
Mới bắt đầu làm du lịch từ những điều nguyên sơ nhất, bản Rum Ho đã có được homestay đầu tiên, không điện, không sóng điện thoại. Tuy nhiên, đây là cơ hội để nhiều hộ lân cận được học hỏi và hình thành “hệ sinh thái” với các sản phẩm phục vụ du lịch bền vững.
- Thái Lan: Dự án phố đi bộ giúp người dân cải thiện sinh kế
- Thung Sam Roi Yot: từ mảnh đất khô cằn thành đầm sen tươi đẹp, tạo nguồn sinh kế
Bản Rum Ho vốn là một làng nhỏ thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, cách xa trung tâm thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hơn 2 tiếng chạy ô tô. Chỉ với 109 hộ dân là người đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống, làng hiện nay vẫn chưa có được tiếp cận với hệ thống lưới điện, trang bị cho cuộc sống của bà con vẫn vô cùng đơn sơ, chủ yếu tập trung lệ thuộc vào khai thác lâm sản cùng một số hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ.
Quanh bản Rum Ho, ngoài cảnh đẹp núi rừng đại ngàn xanh ngắt với những con suối trong veo là “đặc sản”, còn có thác Dương Cầm thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, sở hữu vẻ đẹp hút hồn đối với bất kỳ ai yêu thiên nhiên.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang hỗ trợ người dân tại đây xây dựng sinh kế bền vững, nhằm bảo tồn rừng và bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng. Tổ chức Helvetas, đơn vị phụ trách hoạt động sinh kế của Hợp phần, đã lần lượt tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân làm quen với khái niệm du lịch sinh thái, học các kỹ năng nấu ăn, phục vụ khách du lịch, cũng như cách chụp ảnh, quay phim cơ bản bằng điện thoại, sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh du lịch.
Với các kỹ năng mới được trang bị, bà con có thể bắt đầu vận hành dịch vụ du lịch, nhằm ổn định thu nhập bằng mô hình du lịch sinh thái từ những thế mạnh sẵn có.
Vào giữa tháng 8 mới đây, sau khi được tham gia tập huấn chi tiết về cách cải tạo nhà ở thành homestay từ những vật liệu sẵn có, không tốn chi phí và vô cùng gần gũi với thiên nhiên, một số hộ dân đã chủ động tự tay trang hoàng lại cảnh quan, khuôn viên nhà mình.
Ngôi nhà đầu tiên trong bản nhỏ Rum Ho đã được hỗ trợ chuyển đổi, trang trí thành một căn homestay xinh xắn để chuẩn bị sẵn sàng đón những đoàn khách du lịch đầu tiên tới trải nghiệm cuộc sống núi rừng vừa hùng vĩ, vừa trong trẻo tại Động Châu – Khe Nước Trong.
Từ những vật liệu sẵn có, dễ tái sinh như tre, cỏ, sỏi đá… ngôi nhà sàn thoáng rộng cùng khoảng sân trước nhà đã được biến hoá vô cùng sinh động.
Ngoài ra, các giảng viên của dự án còn tận tình hướng dẫn cho học viên cách chế biến, bài trí một bàn tiệc “xa la” xanh mát mắt. Trong tiếng Vân Kiều, “xa la” có nghĩa là lá. Trong bàn tiệc “xa la”, các đồ trang trí, đựng thức ăn đều được làm từ nhiều loại lá cây vườn an toàn, dễ kiếm và hạn chế các rác thải không thể tái chế. Không chỉ có vậy, thông qua bữa tiệc này, bà con còn có cơ hội giới thiệu các nét đẹp về ẩm thực và văn hóa bản địa.
Gia đình chị Hồ Thị Son và anh Hồ Văn Huynh cùng ba người con, sống chủ yếu bằng nghề khai thác nhỏ lẻ từ rừng như hái mây, măng, rau… Sau khi được tham gia khóa học cải tạo nhà ở thành homestay, chị Son đã có những chia sẻ vô cùng cảm động “Gia đình em cảm ơn thầy rất nhiều. Thầy không chỉ dạy mà còn bắt tay vào làm giúp. Em sẽ cố gắng tích cực để thu nhập về và vợ chồng em không cần phải lên rừng nữa. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ mọi người ở đây”.
Căn homestay đầu tiên tại làng Rum Ho, ngôi làng không điện, không sóng điện thoại đã dần hoàn thiện với hỗ trợ từ dự án cũng như sự chung tay, giúp sức của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) và bà con hàng xóm xung quanh. Đây cũng là cơ hội để nhiều hộ lân cận được học hỏi và hình thành “hệ sinh thái” với các sản phẩm phục vụ du lịch bền vững.
Hy vọng rằng với chuỗi tập huấn đào tạo kịp thời tới đây của dự án và sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan, gia đình chị Son và anh Huynh cùng bà con ở bản Rum Ho sẽ có cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo để không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch xanh địa phương tới du khách, mà còn có thể phát triển một cuộc sống ổn định hơn, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam.
Đinh Nam
Bài viết hay, ý tưởng của điểm đến rất hay, như thế này mới gọi là đi thư thái, không còn bị làm phiền bởi điện thoại hay những thứ ồn ào xung quanh
Bài viết hay, ý tưởng của điểm đến rất hay, như thế này mới gọi là đi thư thái, không còn bị làm phiền bởi điện thoại hay những thứ ồn ào xung quanh
hay thế! hôm nào sẽ thử xem ra sao
Đây là mô hình cần nhân rộng thật nhanh toàn quốc