Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách ghé thăm.
- Quảng Nam kích cầu du lịch, đặt mục tiêu thu hút 7 triệu khách trong năm 2023
- Ngắm ‘áo mới’ của làng bích họa Tam Thanh, Quảng Nam
Từ trước đến nay, khi nhắc đến du lịch Quảng Nam, du khách sẽ nghĩ ngay đến phố cổ Hội An hay thánh địa Mỹ Sơn. Nhưng cách trung tâm thành phố Hội An chỉ hơn 4km, còn một điểm đến thú vị mà ít người biết, đó là công viên Đất nung Thanh Hà, thuộc làng gốm Thanh Hà, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn.
Công viên Đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là Bảo tàng gốm độc đáo nhất cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm các khu riêng biệt như khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh - Chăm, khu các làng nghề truyền thống, và khu triển lãm.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, giá vé tham quan công viên là 35.000 đồng/lượt/người, có giá trị trong vòng 24 giờ.
Đến thăm làng gốm Thanh Hà, du khách có thể dành thời gian đi bộ dạo quanh làng, tận mắt chứng kiến kỹ thuật làm gốm truyền thống vừa dân dã nhưng cũng vừa điêu luyện của các nghệ nhân làng nghề này.
Thông tin từ TTXVN, các sản phẩm gốm Thanh Hà không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống để tạo sản phẩm sau nung có nhiều sắc màu khác nhau như vàng, đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen...
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, làng gốm Thanh Hà ra đời vào những năm cuối thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ 17. Nghề gốm ở làng Thanh Hà là một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời không chỉ đối với vùng Hội An mà cả vùng Quảng Nam.
Suốt mấy trăm năm qua, nghề gốm Thanh Hà có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng tạo của nghệ nhân làng gốm thì không bao giờ tắt.
Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.
Năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giỗ tổ nghề gốm được tổ chức hằng năm vào ngày 10-7 Âm lịch. Truyền thống này được người dân làng duy trì hàng trăm năm qua.
Đây không chỉ là nghi thức tín ngưỡng tinh thần tưởng nhớ các bậc tiền bối có công lập làng, lập nghề mà còn là một hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch tại Hội An.
Đăng Huy tổng hợp
Theo TTXVN, Cổng TTĐT Quảng Nam, TT Bảo tồn di sản văn hóa Hội An