Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Mịt mờ khả năng tạo giống bắp biến đổi gen

THÙY DUNG –

Chương trình công nghệ sinh học, trong đó nghiên cứu cây trồng biến đổi gen đã được thực hiện gần 10 năm nhưng tới nay khả năng tự tạo ra giống bắp biến đổi gen vẫn còn mịt mờ. Nhiều chuyên gia cho rằng khi bắp biến đổi gen được trồng đại trà tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ phụ thuộc vào giống bắp của các tập đoàn nước ngoài.

Mới hơn 1/5 chặng đường

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình công nghệ sinh học mới đây, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho hay sau nhiều năm nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen (BĐG) thì tới nay vẫn chưa có sản phẩm ra thực tế mà mới ở trong phòng thí nghiệm. Ông Hàm giải thích, để nghiên cứu một cây trồng BĐG gồm năm bước với kinh phí từ 50 triệu đến 100 triệu đô la Mỹ trong thời gian trung bình là 10 năm. “Thực tế chúng ta mới chỉ làm được hai bước, trong đó, bước thứ 2 mới chỉ làm một vài phần nhỏ. Những bước còn lại chưa làm đến. Chúng ta chưa có cây trồng BĐG ngoài ruộng”, ông Hàm khẳng định.

Một nông dân ở Đồng Nai bên ruộng bắp biến đổi gen. Việc trồng cây biến đổi gen vẫn phải phụ thuộc nguồn giống do công ty nước ngoài cung cấp. Ảnh: Ngọc Hùng
Một nông dân ở Đồng Nai bên ruộng bắp biến đổi gen. Việc trồng cây biến đổi gen vẫn phải phụ thuộc nguồn giống do công ty nước ngoài cung cấp. Ảnh: Ngọc Hùng

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguồn lực đầu tư cho cả chương trình công nghệ sinh học còn quá thấp, chỉ 500 triệu đồng thì nghiên cứu một giống bắp BĐG cũng không đủ. Hơn nữa, chỉ đầu tư để nhắm tới 1 triệu ha trồng bắp cả nước, trong khi công ty đa quốc gia bỏ tiền ra đầu tư với quy mô rất lớn vì họ nhắm tới thị trường thế giới, tức khoảng 200 triệu ha. Chính vì vậy, trong cuộc chiến tự tạo ra giống bắp BĐG, Việt Nam vẫn luôn bị “hụt hơi” so với các tập đoàn trên thế giới.

Cách đây không lâu, trong một hội thảo về cây trồng BĐG, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cho hay Việt Nam sẽ khó sản xuất được các giống cây BĐG và phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất giống nước ngoài, vì nếu muốn sản xuất được giống cây BĐG sẽ tốn rất nhiều kinh phí nghiên cứu. Chính vì vậy, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước như Nhật Bản, Indonesia… vẫn phải phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu bắp, đậu nành nhập khẩu.

Theo một chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp, hiện nay thế giới đã đưa vào 381 sự kiện BĐG (tạo ra giống biến đổi gen) và trung bình là 25 sự kiện BĐG đang áp dụng vào sản xuất. Trong số đó, chỉ có 10 công ty đa quốc gia sản xuất được giống cây BĐG. “Mình không thể cấm họ vào buôn bán giống tại Việt Nam được, họ với nguồn lực tài chính hùng hậu, có thể vào Việt Nam buôn bán thoải mái khi các hiệp định thương mại được ký kết”, vị này nói và cho biết thêm, mặc dù tự nghiên cứu sẽ khó có kết quả ra sản phẩm nhưng vẫn còn một cách để có thể sản xuất bắp BĐG là thông qua việc sử dụng bản quyền đã hết hạn.

Theo vị chuyên gia này, nhiều sự kiện BĐG đưa ra từ năm 1994 tới nay là đã hơn 20 năm đăng ký bản quyền. Nếu mình có chính sách thì vẫn có thể sử dụng những sự kiện đã hết bản quyền đó

Bắp BĐG liệu có là chìa khóa vạn năng?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát trong buổi họp báo về tổng kết sáu tháng cuối năm 2015 của ngành vừa qua khẳng định bộ đã khảo nghiệm bắp BĐG theo những chuẩn mực quốc tế gần năm năm để đi đến kết luận những cây trồng này an toàn về mặt sinh học, sinh thái, an toàn đối với gia súc và an toàn đối với con người khi áp dụng toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm giống, phân bón, thuốc trừ cỏ.

“Chúng tôi đã chứng minh và có những cơ sở khoa học để khẳng định điều đó”, ông Phát nói. Theo ông, hiện nay đã có hơn 25 nước có trồng cây BĐG và họ sản xuất ra khoảng 80% bông, 50% đỗ tương và trên 30% sản lượng bắp của toàn thế giới. “Những khảo nghiệm ở ngoài nước và ở trong nước cho thấy rằng trồng cây BĐG sẽ đem lại cho người trồng trọt thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Tuy nhiên, một chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp cho hay, thực tế bắp BĐG không phải là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được hết các vấn đề của ngành bắp và vấn đề nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Theo vị này, bắp BĐG chỉ có tác dụng kháng sâu, kháng cỏ và kháng hạn. Khi nào có dịch sâu bệnh, cỏ hoặc gặp hạn hán thì năng suất của bắp BĐG cao hơn hẳn nhưng nếu không có sâu bệnh, cỏ hoặc hạn thì năng suất của bắp BĐG cũng chỉ như các giống bắp lai bình thường.

Đồng quan điểm, GS. Võ Tòng Xuân cho hay, trồng cây BĐG, đặc biệt là bắp và đậu nành, không thể thay thế được bắp và đậu nành nhập khẩu như mọi người kỳ vọng. Hiện nay, Việt Nam đang nhập 90% lượng bắp và đậu nành phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho người (dầu thực vật sản xuất từ đậu nành) chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Brazil và Argentina. Để thay thế nhập khẩu, năng suất sản xuất bắp, đậu nành trong nước phải tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút so với năng suất của các nước nhập khẩu. Nhưng thực tế, năng suất lại không phụ thuộc hoàn toàn vào giống cây mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, điều kiện tự nhiên, và máy móc…

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã trồng thử nghiệm bắp BĐG ở ĐBSCL và một số tỉnh phía Bắc với năng suất vượt trội hơn những giống bắp lai bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một vụ khó có thể đánh giá được hết những mặt lợi, hại của bắp BĐG mà phải tính năng suất trung bình từ ba đến năm vụ mới đánh giá được hết.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang thực hiện chủ trương chuyển đổi 700.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây khác, trong đó chủ yếu là bắp đến năm 2020. Việc chuyển đổi đất lúa đang dư thừa sang trồng các loại cây mà trong nước có nhu cầu lớn và đang phải nhập khẩu như bắp là chủ trương đúng nhưng các chuyên gia cho rằng liệu chuyển sang loại cây mới có đảm bảo được thu nhập cho nông dân bằng hoặc cao hơn cây lúa?

Về vấn đề này, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho hay hiện nay giá giống bắp BĐG cao hơn giống bắp thường nhưng đang được nghiên cứu làm thế nào để giảm giá thành giống bắp để nông dân áp dụng rộng rãi. Giá thành bắp BĐG sản xuất trong nước vẫn cao hơn nhập khẩu, do đó muốn giảm giá thành phải xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng giống chất lượng cao, năng suất cao, đặc biệt là giống bắp BĐG. Bên cạnh đó, phải có quy hoạch phát triển cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi tại các vùng trồng bắp.

“Hiện nay, bộ đang phối hợp với các địa phương triển khai theo những hướng này. Hy vọng tới đây sẽ giảm được nhập bắp và tăng tỷ trọng bắp trong nước”, ông Trung hy vọng.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng gay gắt, công viên nước kín khách

0
(SGTT) - Trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều người đã vào các công viên nước để...

Ra rạp dịp lễ “giờ vàng” tha hồ chọn phim nội...

0
(SGTT) – Năm nay, phòng vé chứng kiến sự xuất hiện nhiều tựa phim nội và phim ngoại với các chủ đề “ăn khách”...

Lễ 30-4, về Long An thưởng thức những món ăn dân...

0
(SGTT) - Cách TPHCM chỉ vài chục cây số, Long An là điểm đến phù hợp khi du khách muốn khám phá những địa...

Du khách đổ về núi Cấm vui lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, đông đảo du khách đã đổ về khu du lịch núi Cấm, xã...

Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 6 triệu lượt...

0
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29-4, trong tháng 4-2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6...

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong...

0
(SGTT) - Bơi lội là hoạt động thể chất được nhiều người yêu thích vào mùa Hè. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc...

Kết nối