(SGTT) – Là người con miền Nam, tôi có dịp lên Cao Bằng công tác khoảng 10 ngày, xong công việc, tôi lên kế hoạch đi du lịch vài địa điểm nơi đây. Qua thông tin từ người dân địa phương, tôi chọn đến thác Bản Giốc, thác nước được bầu chọn là một trong bốn thác nước xuyên quốc gia lớn nhất thế giới.
- Du lịch giữa mùa dịch: Nét hoang sơ vẹn nguyên tại bãi đá Lò Thung
- Hoang sơ suối thác xứ Nghệ
- Lưu luyến chuyến đi thác Kuang Si
Khách sạn tôi chọn nghỉ nằm ở trung tâm thành phố Cao Bằng, quãng đường đi 100km để đến thác, dù là đường núi nhưng không làm tôi mệt vì đường xá cũng như cảnh vật rất đẹp, các ngọn núi cao vút, những áng mây trắng bao phủ cả ngọn đồi, màu xanh bao trùm khắp cả con đường, đôi lúc lại thấy vài ngọn suối chảy xiết. Cảnh sắc không thể nào làm cho tôi thôi rời mắt.
Đến gần khu du lịch thác Bản Giốc tôi thấy khu vực lưu trú cũng như nghỉ dưỡng rất đa dạng như nhà nghỉ, khách sạn, homestay… cho du khách thoải mái lựa chọn. Sau ba giờ ngồi trên xe, vừa bước xuống là cơn mưa phùn đã ập vào người, dù đây là thời gian mùa khô. Quan sát xung quanh, xe du lịch đến đây đếm trên đầu ngón tay, có lẽ vì thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 ở Cao Bằng diễn biến phức tạp, nên du khách cũng e ngại.
Sau khi cầm trên tay tấm vé vào cổng, tôi đi chuyển vào con thác qua lối đi được lát gạch chắc chắn, sạch sẽ. Vừa thong dong đi ta vừa ngắm nhìn cảnh vật hai bên, được bao quanh là rừng núi, nếu mỏi chân thì ngồi nghỉ tạm ở những hàng ghế đá mà khu du lịch đã bố trí sẵn. Và đặc biệt nơi đây cấm các hoạt động bay flycam vì là khu vực biên giới.
Đứng trước thiên nhiên rộng lớn, tôi ngẩn ngơ bởi cảnh sắc nơi đây, chỉ có thể thốt nên từ “tuyệt đẹp”. Không khí trong tháng Ba thì se lạnh, phảng phất vài tia mưa phùn, tiến sâu vào thác, một số vũng nước nhỏ trên đường khiến mọi người phải cẩn thận vì dễ trơn trượt. Tôi hòa mình vào thiên nhiên nơi đây, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu để có thể cảm nhận hết những tinh túy mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho miền núi Đông Bắc này.
Dòng sông Quây Sơn nước trong như tấm gương sáng phản chiếu cả rừng núi hoang sơ này. Chạm tay vào làn nước trong vắt, mát lạnh, con người tôi như được tưới mát sau bao ngày làm việc vất vả. Nhìn dòng thác cứ đổ xuống không ngừng tôi lại nhớ đến “Chuyện tình Bản Giốc” được người dân địa phương ở đây kể lại, nhớ đến tình yêu của cô gái Tày nết na, thùy mị, vì lời hẹn thề với chàng trai bản bên mà khước từ lời yêu của hoàng tử, dù có bị hoàng tử trói buộc tự do nhưng trái tim vẫn luôn hướng về chàng. Sau nhiều lần bỏ trốn thất bại, họ đã chạy chốn thành công và dừng chân tại thác Bản Giốc, vì quá kiệt sức nên họ đã lịm đi.
Hình ảnh các nhân vật tựa như hình ảnh của ba tầng thác, có hai tầng thác ôm nhau quấn quýt, tựa như hình ảnh cô gái Tày xinh đẹp trong vòng tay người yêu, dòng thác còn lại, nước chảy hung tợn giống với hình ảnh vị hoàng tử năm nào. Ngồi thẩn thơ giữa một không gian rộng lớn tôi thương cho cặp đôi tình yêu đẹp nhưng lại có kết cục buồn.
Nhìn phía xa xa là nước bạn Trung Quốc, nhưng du khách đến tham quan thì vắng vẻ, có lẽ vì dịch bệnh hoành hành, bên Việt Nam mình thì nhộn nhịp hơn một chút. Do thời gian có hạn nên tôi không đi bè để tham quan nhiều ngóc ngách của thác, tuy vậy, những vẻ đẹp mà Bản Giốc phô trương thì tôi đã lưu lại bằng những tấm ảnh xinh xắn.
Hơn một giờ chiêm ngưỡng, tôi đã có cho mình những ký ức đẹp về chốn thiên đàng hạ giới, một thắng cảnh mà tôi chỉ thấy trong tranh, giờ đây mình có thể thấy, chạm, hít, và phát huy tất cả các quan để cảm nhận hết vẻ đẹp muôn màu, sống động nhưng vô cùng yên ả. Tôi nghĩ rằng nếu có dịp dừng chân tại Cao Bằng thì bạn không thể không ghé thác Bản Giốc, một đệ nhất danh thác có một không hai của Việt Nam và thế giới.
Tuyết Nhung