Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Lưu trữ thông tin dưới da

CHÁNH TÀI –

Những vi chip điện tử nhỏ bằng hạt gạo được cấy dưới da có thể thay thế chìa khóa cửa, lưu trữ danh sách liên lạc, dữ liệu bệnh lý và nhiều thông tin khác.

Mở khóa cửa bằng chip dưới da

anh-1Việc cấy vi chip chỉ mất vài giây bằng cách sử dụng một ống xy lanh để “tiêm” vi chip vào da.

Patrick Paumen, 33 tuổi, một chuyên gia công nghệ thông tin ở thành phố Heerlen, Hà Lan, không cần phải lo lắng về việc không vào được căn hộ do quên hoặc đánh mất chìa khóa như trước đây. Đó là vì giờ anh không cần chìa khóa nữa, mà anh chỉ cần vẫy tay, cánh cửa căn hộ lập tức mở ra. Thì ra Paumen đã sử dụng các vi chip điện tử cấy dưới da tay có tác dụng như chìa khóa hoặc để tác dụng nhận dạng.

Anh đã cấy một vài vi chip như vậy dưới lớp mô mỡ của bàn tay và cánh tay của anh để thay thế cho chìa khóa ở căn hộ, văn phòng làm việc và cổng vào bãi đỗ xe ở nơi làm việc. Ngoài ra, anh còn có một vi chip khác được cấy dưới da để lưu trữ danh sách liên lạc. Các vi chip này có thể được kích hoạt và quét bởi các đầu đọc sử dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến hay còn gọi là RFID. Công nghệ này đã hiện diện ở điện thoại thông minh (smartphone) và ở cao ốc văn phòng, nơi nhân viên có thể ra vào bằng cách quẹt thẻ vào đầu đọc.

Paumen cho biết các thiết bị nhỏ xíu bằng hạt gạo này đã giúp cuộc sống của anh trở nên thuận tiện và đơn giản hơn nhiều. Khi đến gần bãi đỗ xe của nơi làm việc, anh chỉ cần đưa tay ra để đầu đọc ở cổng quét vi chip cấy ở phía dưới ngón út, cánh cổng ngay lập tức mở ra. Anh nói: “Tôi không còn phải lo lắng về việc mất thẻ ra vào”.

Theo Wall Street Journal, các nhà bán lẻ cho biết có khoảng 30.000-50.000 người trên toàn cầu đang có vi chip cấy dưới da sử dụng công nghệ RFID. Việc cấy vi chip cũng rất đơn giản và chỉ mất vài giây, bằng cách sử dụng một ống xy lanh để cấy chip vào da. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ nhiễm trùng, việc cấy chip nên để những người có chuyên môn thực hiện.

“Chúng có thể dịch chuyển một tí phụ thuộc vào kiểu da và các hoạt động của bạn”, Quentin Inglis, chủ một cơ sở hình xăm ở thị trấn Worthing, nước Anh cho biết. Cơ sở của Inglis cũng cấy vi chip điện tử cho khách hàng. Inglis có một vi chip lưu trữ thông tin khách hàng được cấy ở dưới da bàn tay của anh. “Tôi leo núi rất nhiều, nên con chip ở tay tôi dịch chuyển cho đến khi nó tìm thấy vị trí ổn định nhất”, Inglis nói.

Chip điện tử cấy dưới da cũng có tiềm năng sử dụng lớn trong đi lại bằng máy bay. Andreas Sjöström, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp số của Công ty Tư vấn công nghệ Sogeti có trụ sở ở Paris, Pháp, đã sử dụng một vi chip cấy ở tay của ông để lên một chuyến bay của hãng hàng không Scandinavian Airlines (SAS) đi từ Stockholm (Thụy Điển) đến Paris vào tháng 12-2015. Vi chip này lưu trữ thông tin nhận dạng ông là hành khách của hãng hàng không SAS, có chứa các thông tin như thẻ lên máy bay.

Tiềm năng sử dụng trong y học

anh-2Andreas Sjöström (phải), Phó chủ tịch phụ trách giải pháp số của Công ty Tư vấn công nghệ Sogeti có trụ sở ở Paris, Pháp, đã sử dụng một vi chip cấy ở tay của ông để lên máy bay.

Vi chip điện tử lưu trữ thông tin cũng có tiềm năng sử dụng trong y học. Kevin Warwick, Phó hiệu trưởng Đại học Coventry ở Anh, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực điều khiển học, cho biết những người mắc chứng động kinh thường phải đeo thẻ bài ở cổ xác định họ là người mắc chứng động kinh cũng như các số liên lạc khẩn cấp và một số thông tin cơ bản để sơ cứu người động kinh đang lên cơn co giật.

Tuy nhiên, thẻ bài có thể bị mất hoặc quên mang theo. Do vậy, người bị động kinh có thể cấy vi chip dưới da tay để thay thế các thẻ bài này. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, những người hỗ trợ có thể dùng đầu đọc kích hoạt vi chip để nắm các thông tin quan trọng có thể giúp cứu nạn nhân kịp thời.

Một ý tưởng khác để sử dụng vi chip trong y học là tại các bệnh viện các vi chip cấy dưới da bệnh nhân có thể giúp các bác sĩ phẫu thuật đúng bệnh nhân, qua đó giúp giảm các sự cố nhầm lẫn bệnh nhân thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ngoài ra, vi chip cấy dưới da cũng có thể sử dụng để lưu trữ và cập nhật thông tin về hồ sơ bệnh án của người bệnh.

Những tín đồ công nghệ hy vọng rằng trong tương lai không xa, các vi chip cấy dưới da sẽ cho phép họ thanh toán tiền ở quán cà phê hay các cửa hiệu giống như các thẻ tín dụng thông minh hiện nay.

Tuy nhiên, trước khi điều này trở thành hiện thực, các lo ngại xung quanh việc sử dụng vi chip dưới da bao gồm vấn đề riêng tư cần phải được giải quyết. Mặc dù các nhà bán lẻ quảng bá rằng đầu đọc chỉ có thể đọc thông tin từ vi chip ở phạm vi gần sát người sử dụng, một số người vẫn e ngại người lạ có thể ăn cắp thông tin cá nhân của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Giải nhiệt ngày hè với 5 thức uống mát lạnh, mới...

0
(SGTT) - Xoài hồng dừa non, trà quýt bạc hà hay nước dừa matcha... là những loại thức uống mới lạ, giúp bạn giải...

Dapen. – Không gian cà phê cá tính tại Đà Nẵng

0
(SGTT) – Dapen. - Quán cà phê “núp hẻm” với lối thiết kế đầy cá tính là địa điểm được nhiều bạn trẻ tại...

Hoa giáng hương ‘tô vàng’ đường phố Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày mùa Hạ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội được “tô vàng” bởi sắc hoa giáng hương. Đầm hoa lục bình...

Trưa nay ăn gì: Thử salad gà sốt chanh dây lành...

0
(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, buổi trưa đi làm lại của mọi người nên chọn món ăn...

Kết nối