Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Loay hoay ở phân khúc thấp

Thuỳ Dung

Bức tranh về thị trường lao động công nghệ thông tin (CNTT) đang được vẽ bằng những gam màu sáng, song nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy những vệt xám vắt ngang. Đó là chất lượng lao động Việt Nam còn khá đuối so với các nước trong khu vực, nên vẫn mãi loay hoay trong phân khúc thấp và trung bình mà chưa thể vươn lên được những vị trí quản lý cấp cao.

laodongITNhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT hiện rất lớn, đồng thời yêu cầu khá cao về chuyên môn. Ảnh: Thành Hoa

Mất cân đối

Theo các doanh nghiệp trong ngành tuyển dụng, nhu cầu ngành CNTT là “không biên giới”. Bên cạnh nhu cầu công nghệ hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì hiện nay đang xuất hiện trào lưu cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhân sự ngành CNTT tham gia vào phong trào khởi nghiệp (start-up) ồ ạt. Nhưng chính thực trạng này đang góp phần vào tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu trong ngành CNTT.

Hiện đang xuất hiện tình trạng chạy đua về lương để giành nhân tài tại các công ty, đặc biệt là các công ty start-up. Thông thường chính sách chung chỉ có tháng lương thứ 13 nhưng năm 2016 vừa qua, theo Navigos Search, có những doanh nghiệp áp dụng chính sách thưởng lên đến bảy tháng lương/năm cho kỹ sư CNTT.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, cho hay thực tế này cũng chính là một khó khăn cho các doanh nghiệp Việt nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tuyển dụng lao động CNTT, khi mà chế độ tiền lương, đãi ngộ cũng như môi trường làm việc còn chưa thực sự hấp dẫn.

 

“Trẻ” và “nóng”

Ngành CNTT bắt đầu tương đối chậm tại Việt Nam nhưng lại phát triển khá “nóng”. Do vậy nguồn nhân lực trong ngành CNTT đến thời điểm này vẫn còn khá trẻ, dẫn đến một thực tế là rất nhiều người trẻ tuổi trong ngành chưa có đủ độ chín trong nghề cũng như chưa đủ trải nghiệm trong cuộc sống để có thể có một kế hoạch phát triển nghề nghiệp dài hạn.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, nhiều người trẻ đã bị “ảo tưởng” về mình nên định giá bản thân quá cao so với giá trị thật sự mà mình có thể mang lại cho doanh nghiệp. Nhiều người cũng không kịp bình tĩnh suy xét về lợi ích lâu dài xét về mặt nghề nghiệp khi chọn lựa môi trường làm việc. Rất nhiều trường hợp chỉ vì một mức lương thưởng có vẻ hấp dẫn hơn mà có người bỏ qua những doanh nghiệp cung cấp những giá trị mà tiền không thể mua được như cơ hội được đào tạo chuyên môn, cơ hội thăng tiến, cơ hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất.

Cũng vì “nóng” và “trẻ” nên lao động trong ngành chưa đủ kỹ năng để có thể vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Bà Mai của Macconsult cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động CNTT có năng lực về phân tích, thiết kế hệ thống. Ngoài ra, các công ty tuyển dụng thường gặp khó khăn khi tuyển lao động trong lĩnh vực này cho các công ty nước ngoài, khi mà họ yêu cầu khá cao về chuyên môn, các kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án và trình độ ngoại ngữ.

Còn bà Mai của Navigos Search thì nêu thực tế, rằng nhân sự CNTT hay nhảy việc nên kinh nghiệm và kỹ năng không sâu, dẫn đến việc càng lên đến những vị trí cao thì nguồn cung nhân lực CNTT tại Việt Nam càng trở nên thiếu trầm trọng.

“Nếu chỉ dừng lại ở mức phát triển một sản phẩm có thể chấp nhận được thì lập trình viên của chúng ta có thể làm tốt. Nhưng nếu đòi hỏi một sản phẩm làm ra ở mức tinh tế thì chúng ta chưa làm được”, bà Mai của Navigos Search nhận xét. Bà cho biết thêm, các vị trí liên quan đến kỹ thuật cao, ví dụ như software architect (kiến trúc sư giải pháp) thì khó có thể tìm được người Việt Nam, do vậy các vị trí này thường được các công ty điều chuyển người từ trụ sở chính sang làm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn khát chuyên gia kỹ thuật. Đa số các sinh viên tốt nghiệp ngành này định hướng về lâu dài là trở thành nhà quản lý dự án, chứ ít người định hướng trở thành các chuyên gia có chuyên môn sâu về kỹ thuật. Trên thực tế, các chuyên gia giỏi được trả lương cao hơn 20-25% so với các quản lý dự án.

“Tại Navigos Search, có những vị trí tuyển chuyên gia kỹ thuật có thâm niên khoảng 10 năm với mức lương từ 6.500 đô la Mỹ trở lên, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm mà không được”, bà Mai cho biết.

Thực tế đó cho thấy, dù nhu cầu kỹ sư CNTT là “không biên giới” nhưng kỹ sư của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở phân khúc cấp thấp và trung bình, dường như đang nhường hẳn phân khúc cấp cao cho lao động nước ngoài.

 [box] Nhóm năm kỹ năng được nhà tuyển dụng cần nhất ở nhân sự ngành CNTT trong năm 2017 bao gồm JavaScript, PHP, C#, HTML5 và Java, trong đó nhu cầu về JavaScript đang tăng mạnh, chiếm hơn 50%.

Bên cạnh đó, nhân sự có kiến thức và kỹ năng về Angular.JS đang được các nhà tuyển dụng “săn đón” nhiều trong năm nay. Ngoài ra, trong năm 2017, trào lưu công nghệ trên thế giới sẽ có những tác động đến thị trường CNTT tại Việt Nam, bao gồm điện toán đám mây, JavaScript, an ninh mạng, Big Data, Internet of Things và Docker. Những người nắm được thông tin về các trào lưu công nghệ này sẽ có lợi thế khi tìm kiếm việc làm trong năm nay. [/box]  

Cạnh tranh đến từ AEC?

Theo khảo sát mới nhất của Navigos Search trên 2.000 nhân sự cấp trung và cấp cao tại ba nước Thái Lan, Singapore và Việt Nam, có đến 67% cấp trung và 59% nhân sự cấp cao của Việt Nam vẫn cho rằng bản thân họ trước tiên cần nâng cao khả năng tiếng Anh và cập nhật hồ sơ cá nhân trên các trang xã hội để tìm việc.

Điều này cho thấy bất lợi rõ ràng của những người tham gia khảo sát tại Việt Nam trong việc cạnh tranh với những người khác tại Thái Lan và Singapore, vốn đã làm quen với công nghệ sớm hơn. Việc thành thạo tiếng Anh đối với họ là một yếu tố đương nhiên.

Những người trong ngành cho rằng, hiện nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, xu hướng chuyển dịch lao động ngày càng tăng cao, nhất là đối với nhân sự cấp trung và cấp cao. Do đó, đây là cơ hội để lao động CNTT ra nước ngoài làm việc. Song bên cạnh đó, nếu không có kế hoạch trang bị bài bản các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng tiếng Anh thì sẽ rất khó để có được những vị trí cấp cao ở nước ngoài, thậm chí phải nhường lại vị trí cấp cao trong nước cho lao động nước ngoài. Bên cạnh những hạn chế đó, Việt Nam vẫn còn thiếu một hệ thống hướng dẫn rõ ràng về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong AEC.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thể thao

0
(SGTT) - Trong những năm gần đây, các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các môn thể thao đang ngày càng thịnh...

Lưu giữ nghề yến truyền thống 150 năm trên Cù Lao...

0
(SGTT) – Với lịch sử hơn 150 năm, nghề yến trên đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã thu...

Ngày 3-5, đã có 450 người nhập viện do nghi ngộ...

0
Sáng 3-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin mới nhất về vụ việc ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì...

Kết nối