Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Loay hoay mô hình liên kết cho tôm

TRUNG CHÁNH – 

Với ngành lúa gạo, việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị đã mang lại những thành công bước đầu, nhưng với con tôm thì chưa. Mặc dù đã có một số mô hình liên kết được triển khai thời gian vừa qua, nhưng những cái bắt tay ấy vẫn còn lỏng lẻo.

Mang tính hình thức

lienketCông nhân chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong ngành tôm được thực hiện thời gian qua đã thất bại. “Các hộ nuôi có ký hợp đồng bán tôm cho chúng tôi, nhưng thực ra mối liên kết đó chỉ còn là hình thức thôi”, ông nói.

Ông Quang, người được mệnh danh là “vua tôm”, cho biết ông đang đi tìm một giải pháp liên kết khác mang tính khả thi hơn, toàn diện hơn. Vừa qua, tập đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau và Ngân hàng thế giới (WB) về vấn đề xây dựng mối liên kết cho con tôm, tuy nhiên các bên vẫn còn lấn cấn, chưa thống nhất được giải pháp. “Tất cả mọi việc vẫn đang ở giai đoạn “phôi thai” để đưa ra giải pháp đúng thực chất nhất, chứ những mô hình liên kết từ trước tới nay đều lỏng lẻo hết, không có sự ràng buộc nào cả”, ông Quang cho biết.

Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã 14/10 của Sóc Trăng – đơn vị từng liên kết chuỗi giá trị ngành tôm với doanh nghiệp – cho rằng vấn đề nằm ở giá bán sản phẩm. “Tôi không hiểu tại sao đại lý thu mua tôm trực tiếp tại ao lúc nào cũng cao hơn giá công ty đưa ra. Như vậy, làm sao mình (hợp tác xã) có thể đem đi bán cho công ty được? Có lẽ do đại lý biết nhiều nơi tiêu thụ nên mua cao hơn”, ông Luận nói.

Ông Quang của Minh Phú cho rằng, nếu không có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích với người nông dân, thì họ cảm thấy tham gia vào chuỗi giá trị cũng không hưởng được lợi nhiều, nên họ không tham gia. Kết quả là mô hình liên kết đi đến thất bại. Song, người nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy, không nên vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái lợi lâu dài sau này. Khi liên kết thì phải có cái nhìn dài hạn, cho doanh nghiệp có thời gian đầu tư mới tạo ra được lợi ích, từ đó phân phối hài hòa, chứ đòi hỏi lợi ích ngay thì rất là khó. “Vì vậy, một mô hình liên kết mới làm sao phải cho thật chặt chẽ, hài hòa được lợi ích. Đây là điều chúng tôi cũng đang suy nghĩ”, ông Quang cho biết.

Tính toán thiệt hơn

Một khi xác định được mô hình phù hợp, điều này cũng chưa đồng nghĩa liên kết chuỗi sẽ thành công như mong muốn. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thiệt hại là vấn đề khiến doanh nghiệp e dè trong đầu tư vào chuỗi này.

Đối với cây lúa, sở dĩ doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư từ giống, phân, thuốc, kỹ thuật cho đến bao tiêu sản phẩm đầu ra vì chi phí đầu tư cho lúa không quá tốn kém như tôm. Hơn nữa, tỷ lệ thiệt hại trong sản xuất lúa thấp hơn so với nuôi tôm. Đó cũng là một trong những lý do làm cho liên kết chuỗi giá trị của con tôm vẫn còn ì ạch.

Ông Quang cho biết, hiện nay mức độ thành công trong nuôi tôm chỉ khoảng 30%, tức cứ mười ao nuôi thì chỉ có ba ao thành công. “Chính vì rủi ro này mà hợp đồng liên kết thường bị phá vỡ, mọi lợi ích cũng bị phá vỡ luôn”, ông Quang nói.

Giám đốc một doanh nghiệp từng liên kết chuỗi giá trị tôm cho biết ông đã từ bỏ chuỗi liên kết khép kín, từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, để quay về với hình thức mua sản phẩm từ nông dân như cách hiện nay. “Đầu tư như vậy, số vốn chúng tôi phải bỏ ra để ứng trước cho nông dân là rất lớn. Nhưng trong tôm nuôi, tỷ lệ thành công lại quá thấp, nông dân dễ bị thua lỗ, doanh nghiệp cũng bị thiệt hại theo và luôn đứng trước nguy cơ không thu hồi được vốn đã đầu tư”, vị này cho biết. Muốn giải bài toán liên kết chuỗi ngành tôm thành công, theo vị này, phải giải quyết được những vấn đề liên quan, trong đó điều quan trọng nhất là phải giảm tỷ lệ thiệt hại trong quá trình nuôi tôm xuống.

Ông Quang của Minh Phú cho rằng nên nghiên cứu nuôi tôm kháng bệnh và nuôi với mật độ thấp. Thực tế cho thấy, nuôi tôm quảng canh (nuôi mật độ thấp) thu hoạch rất tốt, còn nuôi công nghiệp (mật độ thả nuôi lớn) rất khó khăn. “Nếu không chuyển đổi sẽ thất bại”, ông Quang nhận định.

“Doanh nghiệp hóa” nông dân

Tuy chưa chính thức chọn được mô hình mới để thực hiện chuỗi giá trị, nhưng ông Quang cho biết đơn vị ông đã tìm hiểu các mô hình thành công trên thế giới và thấy một mô hình “doanh nghiệp xã hội” khá phù hợp. Doanh nghiệp xã hội sẽ cùng với nông dân thực hiện các chuỗi giá trị có trách nhiệm, chẳng hạn như tôm-rừng, tôm-lúa, tôm-cá rô phi… tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương.

Ông Quang giải thích, mục đích của mô hình là thông qua doanh nghiệp xã hội sẽ hỗ trợ nông dân trong việc huy động các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, quỹ bảo vệ động vật hoang dã, các tổ chức chống biến đổi khí hậu, các ngân hàng như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các tổ chức này chỉ tài trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0% cho doanh nghiệp xã hội, nhưng họ không thể tài trợ cho từng người nông dân, mà phải thông qua một tổ chức nào đó vì mục đích xóa đói giảm nghèo. Theo ông Quang, khi tham gia vào mô hình doanh nghiệp xã hội, nông dân nuôi tôm sẽ có được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Ông Quang cho rằng, khi sản phẩm tôm sản xuất trong mô hình có trách nhiệm xã hội và được chứng nhận sẽ tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Thực tế cho thấy, nhiều nước nhập khẩu tôm trên thế giới hiện ưu tiên sử dụng các sản phẩm như vậy. Làm được điều này, theo ông Quang, đầu ra con tôm trong sẽ an tâm hơn, doanh nghiệp có thể mua sản phẩm từ nông dân cao hơn giá thị trường khoảng 10%. Nông dân nuôi tôm thấy được lợi nhiều hơn sẽ tích cực tham gia vào mô hình liên kết chuỗi giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thể thao

0
(SGTT) - Trong những năm gần đây, các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các môn thể thao đang ngày càng thịnh...

Kết nối