Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Lãng du ở Iran: đi bộ trong rừng, cắm trại cùng bộ lạc du mục

(SGTTO) - Iran nổi tiếng với những cung đi bộ dài ngày đưa du khách vào khu vực rừng núi hoang sơ, ở tại nhà người dân địa phương và cắm trại cùng các bộ lạc du mục. Iran cũng là đất nước với những đợt phun trào núi lửa.

Sau đây là những địa điểm thú vị theo giới thiệu của anh Farzin Malaki, một người chuyên dẫn đoàn cho các cung đi bộ ở Iran suốt 12 năm qua. Farzin học ngành dược tại Scotland, sau đó làm việc tại Anh và Venezuela trước khi bắt đầu dẫn đoàn cho công ty Caspian Trek ở Iran năm 2008. Anh đang mắc kẹt ở Tây Ban Nha do dịch Covid-19, sau khi thực hiện những chuyến đi bộ đường dài tại quốc gia này.

Núi lửa Damavand
Đi bộ đường dài vào trong những dãy núi tại Iran với phông nền là đỉnh Damavand. Với độ cao 5.610m, Damavand là đỉnh cao nhất Iran và là núi lửa cao nhất châu Á. Ảnh: Farzin Malaki

“Anh có một đất nước đẹp tuyệt, Farzin. Anh thật may mắn vì sống ở nơi được ban tặng nhiều điều tuyệt vời”, Robert, một du khách Ireland thốt lên khi Farzin dẫn đoàn lên độ cao 5.100m trên đỉnh Damavand, nằm giữa rặng núi Alborz.

Đoàn đứng ngắm cảnh ở Damavand cả giờ đồng hồ trước khi trở lại khu lán trại Bargah Sevom ngủ qua đêm và leo điểm cao nhất vào ngày hôm sau.

Sa mạc Dasht-e Kavir. Ảnh: Farzin Malaki

“Đây có lẽ là nơi hoang sơ bậc nhất mà người ta có thể đặt chân tới trên hành tinh này”, một người New Zealand trong đoàn đã nói với Farzin khi lên tới đỉnh 4.000m nhìn xuống biển Caspian – hồ nước rộng nhất thế giới. Dù nước mặn nhưng không thông với đại dương nên nơi đây đúng là một hồ nước, tuy được gọi là biển.

Đoàn ngủ lại một đêm trong hang và đi xuống theo con đường chưa được đánh dấu với đầy đá nhỏ và những dốc đứng có thể lên tới 60 độ. Sông băng Spilet sáng lên phía sau lưng và từng đàn dê núi gặm cỏ phía xa.

Farzin cũng từng đưa một gia đình người Bỉ đi bộ vào khu vực núi Alborz. "Một người chăn cừu đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những người tóc vàng hiện diện ở ngôi làng chỉ vỏn vẹn 15 ngôi nhà, mất 4 tiếng để đi bộ vào rừng Hyrcanian. Người này đã mời Farzin và đoàn khách về nhà uống trà", anh nhớ lại.

Ngôi nhà của người chăn cừu giống như một cabin, xây bằng gỗ và đất sét. Mái nhà từng lợp bằng gỗ nhưng giờ thay bằng những tấm kim loại. Ngôi nhà không chia phòng, cả gia đình cùng ngủ trên sàn nhà với tấm trải bằng chăn lông vịt.

Biển Caspian, rừng rậm Hyrcanian

Khi lên tới đỉnh Alborz, Farzin nói rằng du khách có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh: biển Caspian kéo dài về tận phía Bắc, rừng rậm Hyrcanian, những đỉnh núi xung quanh như Takht-e Soleyman (ngai vàng của vua Solomon).

Có lẽ khi đại dịch qua đi, người ta sẽ lại tới Iran và muốn khám phá những dãy núi đẹp nhất. Tôi nóng lòng muốn nhìn thấy những thung lũng, những cồn cát trong sa mạc Dasht-e Kavir, trải qua những lần chạm trán đột ngột với một con gấu nâu, trông thấy ánh nhìn chằm chằm của một con linh miêu hay hào hứng nhìn một con đại bàng bay ngay trên đầu

"Những ngày trời quang đãng, người ta còn trông thấy cả những thị trấn duyên hải xung quanh biển Caspian", Farzin kể. Biển Caspi nằm giữa Nga ở bờ phía Bắc và Iran ở bờ phía Nam. Nơi đây có một lượng lớn cá tầm, trứng của nó được chế biến thành món trứng cá muối.

Rặng Zagros
Thời gian lý tưởng để đi bộ đường dài 7-8 ngày đến Zagros là vào tháng 4, khi bộ lạc Bakhtiari di trú từ Khuzestan tới bãi chăn thả mùa hè. Ảnh: Farzin Malaki

Một địa điểm được yêu thích khác ở Iran là rặng núi Zagros, nơi có bộ lạc du mục Bakhtiari sinh sống. "Những cái lều bằng len màu đen và trang phục sặc sỡ của họ không phổ biến ở Iran, nhưng người Bakhtiari lại đóng một vai trò chính trị quan trọng trong phong trào phản đối sự cai trị của thực dân Anh ở miền Bắc Iran. Nhiều thủ lĩnh chính trị ở Iran đã đến từ bộ lạc này", Farzin nói.

Anh Farzin cùng những đoàn khách đã đi bộ xuyên rừng sồi cổ tới một vùng bằng phẳng, trải qua đêm đầu tiên trong một nơi ở làm bằng đá, bùn và cỏ khô với phần mái trát bùn sỏi. Đêm đến họ ngủ cùng chủ nhà và cả một con dê mới đẻ.

Mỗi ngày họ đi bộ 6-7 giờ, băng qua những con sông và vách núi, cắm trại cùng những gia đình đông đúc chở theo đồ dùng đủ cho 4 tháng trong núi cùng với đàn gia súc của họ.

Thung lũng Dohezar
Những cánh đồng trong thung lũng nở hoa vàng rực, cùng với suối chảy róc rách nơi những cánh rừng xanh tốt. Tất cả tạo nên khung cảnh thơ mộng, cộng thêm không khí mát mẻ dù những nơi khác của Iran nắng như thiêu đốt. Ảnh: Flickr

Một lần Farzin đã dẫn tour gồm 4 phụ nữ Singapore dọc theo đường rừng vào mùa đông. Thung lũng Dohezar được bao phủ bởi một đợt tuyết mới và phía trên là bầu trời xanh ngắt. "Một người dắt la và 2 con la chở theo toàn bộ thức ăn, lều trại. Chúng tôi đi bộ khoảng sáu tiếng và cắm trại trong nơi ở của một người chăn cừu với một bếp lửa lớn", anh kể.

Kể từ cách mạng 1979, ngành du lịch Iran trải qua 2 lần phát triển cao trào. Đầu tiên là dưới cuộc cải cách của tổng thống Mohammad Khatami đầu những năm 2000, Iran mở cửa với phương Tây. Cuộc cải cách này mở đường cho du khách tràn tới Iran, nền kinh tế phát triển và nhiều người Iran nhìn thấy người ngoại quốc lần đầu trong đời. Kinh tế đã tăng tốc trong suốt thời kỳ phát triển thứ hai của ngành du lịch, sau khi Iran và phương Tây ký thỏa thuận hạt nhân. Là những người mở màn cho những chuyến đi khám phá dài ngày ở miền bắc Iran, Farzin và những người dắt la, người dẫn dường, người nấu ăn và tài xế đã được trả công xứng đáng bởi khách du lịch.

Ngân Hà

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối