Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Ký biên bản hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai giữa Việt Nam – Campuchia

(SGTT) - Ủy ban quốc gia về quản lý thiên tai Campuchia và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó khẩn cấp. Theo đó, hai bên thống nhất sẽ thiết lập, tăng cơ chế chia sẻ thông tin về thiên tai, cứu trợ thiên tai; hợp tác và trao đổi việc thiết lập hệ thống hỗ trợ vật tư khẩn cấp quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị tiên tiến để tăng khả năng dự báo…, TTXVN đưa tin.

Một điểm sạt lở gây cản trở giao thông do ảnh hưởng của mưa lớn. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Theo TTXVN, việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó khẩn cấp giữa Việt Nam – Campuchia tạo điều kiện cho hai bên trao đổi về chính sách, pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý khẩn cấp trong tình huống thiên tai; hợp tác trong theo dõi và cảnh báo sớm thiên tai; ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị tiên tiến để tăng khả năng dự báo.

Hai bên cùng thống nhất việc thiết lập, tăng cơ chế chia sẻ thông tin về thời tiết, cứu trợ thiên tai, đặc biệt là những thiên tai lớn có thể xảy đến với một trong hai bên để kịp thời ứng phó; hợp tác và trao đổi việc thiết lập hệ thống hỗ trợ vật tư khẩn cấp quốc gia. Hai nước sẽ tổ chức đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tổ chức các chuyến gặp gỡ, học tập để chia sẻ các sáng kiến, mô hình và bài học về phòng chống thiên tai.

Liên quan đến việc ứng phó với mưa lũ, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh thành liên quan về chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Cụ thể, các đơn vị liên quan theo dõi thường xuyên diễn biến thiên tai, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó; rà soát, chủ động sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, đến nơi an toàn; chủ động trong công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.

Các tỉnh, thành phố hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; đồng thời, hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến ngày 14-10, miền Trung vẫn còn mưa lớn. Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Nam có lượng mưa từ 200-400 mm, cục bộ có nơi có thể trên 700 mm. Từ ngày 15 đến 16-10 tới, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa từ 150-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.

Hiện nay, một số địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn như ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tính đến trưa 13-10, địa bàn có 75 điểm trường của 39 trường học bị ảnh hưởng do mưa lớn. Thống kê cũng cho biết, hơn 2.000 học sinh của các khối từ mầm non đến trung học cơ sở tạm thời nghỉ học.

Ngoài ra, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng 13-10, học sinh các cấp học ở hai xã vùng thấp trũng là Phong Hòa và Phong Bình được cho nghỉ học. Một số tuyến đường ở khu vực trũng thấp ven sông tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đang ngập cục bộ.

Còn ở Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết học sinh các trường từ cấp tiểu học cấp trung học phổ thông không học bán trú thì nghỉ học vào chiều 13-10. Nguyên nhân là do một số đoạn đường đang bị ngập sâu, đi lại khó khăn.

Trúc Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối