(SGTT) – Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi khủng hoảng, mức độ phản ứng của doanh nghiệp với những thay đổi sẽ cho thấy điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội phía trước của chính họ. Trong nguy có cơ, đây là giai đoạn nhạy cảm nhưng cũng là trạng thái lý tưởng để các doanh nghiệp nhỏ dám nghĩ lớn để thoát ra khỏi khủng hoảng và có thể trở thành ngôi sao kinh doanh bằng tư duy hợp với thời đại.
- Doanh nhân du lịch và hành trình theo đuổi du lịch có trách nhiệm
- Doanh nhân chính truyện: Hành trình thích nghi ‘luật chơi’ xanh của nhà kinh doanh
Câu nói “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” của triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp René Descartes đang phần nào phản ánh đúng tinh thần của nhiều doanh nghiệp trong tình cảnh hiện tại. Đây cũng là quan điểm mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là thành viên của Saigon Times Club chia sẻ cùng KTSG Online trong chuyên đề đặc biệt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10-2023.
Tư duy để trở thành “cá nhanh hơn cá lớn”
Những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng lạm phát toàn cầu gia tăng đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với thị trường. Chia sẻ với KTSG Online, ông Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AXYS cho rằng, nếu e ngại thay đổi doanh nghiệp sẽ khó tồn tại, bởi thị trường lẫn khách hàng đều thay đổi. Trong gian nan cũng xuất hiện cơ hội để doanh nghiệp thay đổi và tiếp tục tồn tại, phát triển.
Trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu cắt giảm chi tiêu, các nhà sản xuất phải tạo ra được sản phẩm hướng đến giá trị lõi. Nếu không tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp không thể nào giảm được giá thành dịch vụ, hàng hóa để khách hàng dễ chấp nhận hơn.
Để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ, tiếp cận khách hàng nhanh hơn và bền vững hơn trong bối cảnh hiện tại. Giai đoạn này có lẽ phù hợp với câu nói “cá nhanh ăn cá chậm” hơn là “cá lớn nuốt cá bé”.
Ai trở thành “cá nhanh” tùy thuộc vào tốc độ tư duy thích ứng với những thay đổi của họ. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua công nghệ trí tuệ nhân tao (AI) phát triển rất nhanh và thần kỳ. Nếu doanh nghiệp bắt nhịp nhanh, tận dụng kịp thời sẽ cắt giảm được những khoản chi phí để trở nên tinh gọn hơn, mạnh mẽ hơn.
Cùng đối diện với suy thoái kinh tế, doanh nghiệp nhỏ đang có đôi chút lợi thế khi dễ dàng chuyển trạng thái. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn thì dòng tiền sẽ lớn và sự thay đổi của họ sẽ có phần chậm hơn.
“Giai đoạn này rất lý tưởng để có thể tạo nên một ngôi sao kinh doanh vụt sáng và lớn rất nhanh. Điều quan trọng là doanh nghiệp nhỏ có đủ trí tuệ, sự quyết đoán và dũng khí để trở thành các ngôi sao đó hay không? Doanh nghiệp nhỏ nghĩ lớn là điều cần thiết trong giai đoạn này bởi cơ hội thay đổi mình rất nhiều. Thị trường chuyển trạng thái cũng là thời điểm doanh nghiệp nhỏ hành động để trở nên lớn hơn”, ông Bình nhìn nhận.
Đề cập đến câu chuyện của AXYS, ông Bình cho biết việc chuẩn bị tốt giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với những tác động tiêu cực đến từ bên ngoài. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nên sẽ có lợi thế để bứt tốc, bởi nhiều hoạt động kinh tế hiện nay phần lớn dựa vào những tiến bộ của công nghệ.
“Đối diện với khủng hoảng, đà suy thoái của Mắt Bão chậm hơn nhưng phục hồi nhanh hơn bởi doanh nghiệp không phải chuyển đổi số mà đã ở trong môi trường số hàng chục năm qua. Mọi sự thay đổi doanh nghiệp đều có dữ kiện, thậm chí là số liệu của hàng chục năm qua nên sự thay đổi sẽ ít rủi ro, dễ thành công hơn các quyết định cảm tính”, ông Bình cho hay.
Tư duy toàn cầu, hành động địa phương
Không được may mắn như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp bất động sản đang phải gánh chịu những thách thức lớn từ biến động kinh tế lẫn khủng hoảng nội tại của ngành. Tuy vậy dù với hình thái doanh nghiệp nào, để tồn tại trước biến cố đều đòi hỏi một một tinh thần hành động quyết liệt, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng. Dù sự thay đổi đó phần nào làm ảnh hưởng đến những giá trị mà doanh nghiệp từng tạo dựng trong một thời gian dài.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, doanh nghiệp trên hành trình phát triển luôn sẵn sàng thay đổi khi nhận ra những hướng đi, cách làm, mô hình mới đủ để đưa doanh nghiệp tiến lên mà vẫn giữ được triết lý kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm và dựa trên giá trị cốt lõi tận tâm của mình.
Với quan điểm linh hoạt như dòng nước, ngoài việc thay đổi mô hình kinh doanh doanh nghiệp cũng cố gắng điều chỉnh phương án tiếp cận, truyền thông thông tin đến với khách hàng, đồng thời gia tăng trải nghiệm sản phẩm thực, nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Tận dụng được cá kênh tương tác trên nền tảng công nghệ, mạng xã hội để thấu hiểu khách hàng và hướng đến những chiến lược thay đổi hiệu quả nhất.
Mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có khát vọng của riêng mình, khát vọng đó là kim chỉ nam, là động lực để giúp họ tiến lên. Những biến động trong nền kinh tế đang diễn ra là liều thuốc thử rất nặng đô cho các doanh nghiệp trong bài kiểm tra về khả năng chịu đựng, thích nghi và thay đổi. Thị trường đang vào khúc cua gắt, ai đủ bản lĩnh thì sẽ tận dụng khúc cua này để bứt phá vượt lên. Thời điểm như thế này cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ tận dụng lợi thế cạnh tranh là sự linh hoạt của mình để tăng tốc và đạt được những thành tựu như kỳ vọng.
“Quan điểm cá nhân của tôi luôn tin rằng thời thế sẽ tạo anh hùng. Nhưng, hãy “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” bằng cách các doanh nghiệp nhỏ phải ngay lập tức tái cấu trúc, xử lý thành công những khủng hoảng, khó khăn, rồi hãy nghĩ đến chuyện chuẩn bị nguồn lực, nắm bắt cơ hội để bứt phá.
Những lúc giao thoa giữa bức tranh sáng tối như thế này, thì người quản trị cần phải tỉnh táo để đưa ra những quyết sách đúng thời điểm. Hơn hết cần phải phát huy được tinh thần doanh nhân với tư duy hành động quyết liệt cùng những hoài bão lớn” ông Phúc chia sẻ.
Thấu rõ khủng hoảng sẽ tìm ra cơ hội
Trong nguy có cơ là câu nói mà nhiều doanh nghiệp vẫn thường nhắc đến khi đối diện với khủng hoảng. Đây là thời điểm tương đối nhạy cảm nhưng đồng thời cũng là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) nghĩ lớn, làm lớn nhằm chuyển trạng thái và tăng tốc. Do vậy, việc xây dựng các kịch bản cho sự thay đổi của mình là kỹ năng cần thiết của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Thế Anh, Giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc Skyline, sau những biến động liên tiếp từ Covid-19 đến khủng hoảng chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp nên hình thành một thói quen lập kế hoạch quản trị rủi ro về nhân sự, nguồn việc và tài chính. Đây là yếu tố mà trong điều kiện phát triển bình thường ít có doanh nghiệp nhỏ nào lưu ý.
Các doanh nghiệp tinh gọn quy mô trong khủng hoảng nhưng cần tận dụng sự linh hoạt để mở rộng thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm để tìm kiếm cơ hội dù là nhỏ nhất nằm thoát hiểm. Thấu hiểu được khủng hoảng sẽ tìm thấy cơ hội và mọi cơ hội chỉ được chuyển hóa thành công với những người có sự chuẩn bị sẵn sàng và chấp nhận thay đổi tư duy.
“Dù doanh nghiệp nhỏ nhưng việc tập trung tái cấu trúc một cách bàn bản, chuẩn hóa quy trình sẽ giúp họ tự tin để nghĩ lớn hơn, có nhiều năng lượng hơn để bước vào vùng đất mà trước đó họ chưa từng nghĩ tới.
Với Skylines việc dám nghĩ dám làm dám thay đổi đã giúp chúng tôi chuyển hóa được các cơ hội từ nhiều lĩnh vực mà chúng tôi chưa từng nghĩ tới. Trong năm qua chúng tôi tiếp cận những phân khúc canh tranh hơn để có được những hợp đồng có giá trị lớn mà doanh nghiệp chưa từng nghĩ đến trong các kế hoạch kinh doanh trước đây” ông Đặng Thế Anh nhìn nhận.
Nhìn tổng quan, Việt Nam đang trải qua một thời kỳ thách thức với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang quyết liệt tái cơ cấu, đổi mới trong hoạt động sản xuất-kinh doanh vì sự sống còn của mình. Ngược lại cũng sẽ có một thế hệ doanh nghiệp tăng trưởng thần tốc trong giai đoạn đặc biệt này nếu họ biết nắm bắt những cơ hội từ sự thay đổi. Dù ở trên phương diện nào thì vai trò của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân rất quan trọng trong công cuộc kiến thiết quốc gia thịnh vượng trong tương lai.
V.Dũng – Minh Anh – Lê Vũ