Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về vụ 3 người lớn ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa; hiện việc điều trị cho những bệnh nhân này đang rất khó khăn vì không còn thuốc giải, các bệnh nhân đang thở máy.
- Bệnh viện có thể quyết định mua thuốc không thuộc bảo hiểm y tế
- Sau khi được gỡ vướng, các bệnh viện vẫn vừa mừng vừa lo
Cổng thông tin Trung tâm báo chí TPHCM cho biết, đến trưa 21-5, sức khỏe các bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa không tiến triển, đã bị liệt và đang thở máy. Hiện cũng không có phương án cứu chữa khác để thay thế, chưa có thuốc giải độc botulinum.
Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đầu tuần tiếp nhận 3 người ngộ độc botulinum, trong đó 2 anh em ruột ăn bánh mì kèm chả lụa từ người bán dạo, một người ăn mắm để lâu ngày. Nhiễm độc botulinum nếu phát hiên ngay và sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu, chỉ trong vòng 48-72 giờ, bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và không dẫn đến tình trạng thở máy.
Tuy nhiên, do giá thuốc giải độc BAT khá cao, 8.000 đô la/lọ và nguồn nhập thuốc này đang khó khăn, nếu bệnh nhân vẫn phải thở máy kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm, chất độc của botulinum sẽ làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TPHCM cho biết đang truy xuất nguồn gốc, xác định mẫu giò chả của cơ sở sản xuất ở phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, nơi sản xuất giò chả cung cấp cho một số điểm kinh doanh đồ ăn dạo trong địa bàn. Nếu xác định giò chả nhiễm botulinum, sẽ khoanh vùng xác minh, điều tra. Được biết, cơ sở sản xuất chả lụa mới hoạt động được 2 tháng, không có biển hiệu và không có giấy đăng ký kinh doanh cũng như giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 14-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận 3 bệnh nhi từ Quảng Nam ngộ độc botulinum. Sau chẩn đoán, xét nghiệm, các bệnh nhi đã được uống thuốc giải độc BAT, tình hình sức khỏe đang phục hồi.
Liên quan đến phòng tránh nhiễm độc botulinum, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM thông tin, các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc botulinum dễ xuất hiện khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.
Bên cạnh đó, vi khuẩn C.botulinum khá phổ biến trong môi trường, có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí.
Vì thế, người tiêu dùng cần sử dụng các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, thương hiệu uy tín; không sử dụng thực phẩm quá hạn, các loại mắm không rõ nguồn gốc, nhất là trong điều kiện nắng nóng gay gắt hiện nay, thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ nguy cơ nhiễm khuẩn C.botulinum rất cao, tình trạng ngộ độc rất dễ xảy ra.
T.Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online