Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Khi trẻ chậm tăng trưởng chiều cao

Ngày nay, các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như thiếu dinh dưỡng, thiếu hóc môn tăng trưởng chiều cao... nên trẻ thấp còi so với trẻ cùng lứa. Câu hỏi đặt ra là phụ huynh cần làm gì để đảm bảo tăng trưởng chiều cao cho trẻ.

Chơi thể thao là phương pháp tăng chiều cao một cách tự nhiên cho trẻ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong tháng 5 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Điển hình là trường hợp của bé gái N.T.P., nhà ở TPHCM. Dù đã 11 tuổi, nhưng bé cân nặng 23 kg và cao 115 cm, thấp hơn người em họ cùng tuổi gần 10 cm. Khi đến trường, bé P. thường bị bạn bè hiếp đáp, trêu chọc vì sự thấp bé của mình. Bố mẹ bé lo lắng nên đã mua nhiều loại sữa giàu canxi cho con mình sử dụng nhưng không thấy khả quan. Lâu dần, bé sinh ra tâm lý tự ti, mặc cảm về chiều cao của mình và khó hòa nhập tập thể.

Trước tình trạng phát triển bất bình thường về thể chất lẫn tâm lý của con mình, ba mẹ bé P. đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bé P. được bác sĩ chẩn đoán lùn do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau một thời gian, kết quả điều trị có tín hiệu khả quan, năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm. Hiện tại bé vẫn đang tiếp tục điều trị nhưng đã tự tin, vui tươi hơn trước và không còn mặc cảm về chiều cao của mình.

Một vấn đề có nhiều nguyên nhân

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25 cm và trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Hậu quả là trẻ sẽ bị lùn so với các bạn cùng lứa. Nếu không đươc chẩn đoán, điều trị kịp thời, sự chênh lệch này sẽ ngày càng nhiều, gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm sự tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng... Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ mắc chứng thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, ví dụ như do bị chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não). Một số trường hợp vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Chế độ ăn uống cần phù hợp

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng, trong giai đoạn thai kỳ, bà mẹ mang thai cũng cần ăn đủ chất dinh dưỡng để con có đầy đủ chiều cao và cân nặng theo chuẩn hiện nay của thế giới. Thực tế, hiện nay, nhiều bà mẹ vẫn chưa ăn uống để đáp ứng sự phát triển của thai nhi nên con sinh ra bị thấp còi.

BS. Ngọc Diệp cũng cho hay, nhiều bà mẹ rất muốn con mình phát triển chiều cao nhưng lại có những quan niệm sai lầm trong việc chăm lo dinh dưỡng cho con mình. Nhiều bà mẹ chỉ tập trung cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi, vitamin D, thậm chí cho uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng có nhiều canxi, vitamin D với hi vọng sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, nếu chỉ bổ sung canxi và vitamin D sẽ không thể giúp trẻ phát triển chiều cao một cách thần kỳ được. Một số bà mẹ lại cho con ăn rất nhiều thịt, uống rất nhiều sữa vì nghĩ ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa sẽ phát triển chiều cao, nhưng điều này cũng không chính xác. Thay vào đó, chế độ dinh dưỡng cần cân đối, đa dạng, phù hợp với trẻ.

Một số chú ý khác

Theo TS. Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, các tổn thương, cú sốc lớn về tinh thần cũng cản trở quá trình phát triển của các bé. Do đó, trẻ cần môi trường nuôi dưỡng lành mạnh để đạt được sự tăng trưởng tốt nhất. BS. Quỳnh cho rằng, giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Ngủ đủ giấc sẽ giúp kích thích các hormone tăng trưởng được tiết ra đều đặn. Ngủ không đủ giấc, bé thiếu ngủ hoặc ngủ không đúng giờ đều có thể ảnh hưởng tới chiều cao của bé. Thời gian ngủ hợp lý cho bé là trước 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

TS BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh khuyên khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu, chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm (<5cm/ năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên) thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, trẻ có thể đạt được chiều cao bình thường khi trưởng thành.

Thể thao tác động rất lớn đến chiều cao của bé, là cách phát triển chiều cao tự nhiên nhất. Hãy lựa chọn và khuyến khích các bé tập thể dục đều đặn và thường xuyên. Phụ huynh hãy luôn duy trì cho bé tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, tránh dùng các sản phẩm có estrogen và chất giống như estrogen (chẳng hạn như nhân sâm, mỹ phẩm) vốn có tác động xấu đến sự phát triển xương ở trẻ nhỏ.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối