Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Khi mê tín dị đoan len vào tín ngưỡng

Hải Dương –

UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) ngày 1-12-2016 đã công nhận “hầu đồng” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại nhưng hầu đồng vẫn chưa được nhiều người hiểu đúng bản chất là một lễ trình diễn trong văn hóa dân gian của tín ngưỡng thờ Mẫu. Một số người vẫn thường lợi dụng nó, hiểu về nó như một trò mê tín dị đoan để trục lợi, kiếm tiền từ những ai cả tin vào thần thánh.

Có một thời gian dài hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan, bị cơ quan chức năng cấm đoán và phải hoạt động lén lút, trong bóng tối. Mấy năm gần đây, lễ hầu đồng tại các điện, phủ, đình chùa đã dần dần được mở trở lại.

Đẹp nếu hiểu đúng

VH_6 Khung cảnh một lễ hầu đồng.

Lễ hầu đồng hay còn gọi là “giá đồng” là hình thức trình diễn tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ Mẫu đặc trưng (đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam). Giá đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu chuẩn mực đẹp bởi nó là một tiết mục trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian, thể hiện sống động bởi những bài hát chầu văn, những âm thanh, điệu nhạc độc đáo, khác biệt không thể lẫn vào một loại hình âm nhạc biểu diễn nào khác.

Nó còn là sự kết hợp thú vị giữa trang phục hoa văn truyền thống đầy sắc màu và điệu nhảy của các đồng cô, bóng cậu trình diễn trên giá đồng. Những câu chuyện kể trong các bài hát chầu văn nói lên tính đoàn kết cộng đồng, đề cao hình tượng người phụ nữ cũng như vai trò của họ trong đời sống xã hội (Mẫu có nghĩa là Mẹ).

Thờ Mẫu trong tâm thức người Việt như một lẽ tự nhiên và thiên nhiên đất trời như một người mẹ vĩ đại để tôn thờ. Chính vì thế trong dân gian mới có Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải… và thờ Mẫu là một tín ngưỡng hiện sinh trong dân gian, mang lại cho con người sống trên đời ba điều tốt đẹp: phúc-lộc-thọ.

Trong đạo Mẫu ở Việt Nam có đến hơn 50 vị thần, mà hầu hết trong đó đều là nguyên mẫu nhân vật trong lịch sử có công với nước, với dân được hình tượng hóa, thần thánh hóa thành thánh Mẫu. Nhưng cũng có những người chỉ tồn tại trong truyền thuyết dân gian, như một vị thánh được nhà Trời phán xuống giúp dân, tiêu biểu nhất là Bà Chúa Mẫu Liễu Hạnh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam có tính đa dạng văn hóa và có rất nhiều nước trên thế giới có thờ Mẫu, nhưng chỉ tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam mới được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến tướng những giá đồng

Những gì đẹp của lý thuyết, sách vở và hồ sơ mà cơ quan chức năng trình UNESCO là vậy nhưng để có cái nhìn chính xác hơn về hiện thực các giá đồng (lễ trình diễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu) ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã tìm tới những đền phủ, đình chùa, ở một số nơi thường xuyên diễn ra lễ hầu đồng ở miền Bắc để xem thực hư ra sao?

Đền Mẫu T., nằm chót vót trên đỉnh núi, là một nơi quen thuộc của giới đồng cô, bóng cậu và những ai có đức tin vào chúa Mẫu. Đền nằm giữa rừng trúc, quanh năm u tịch, khung cảnh y như trong những phim kiếm hiệp. Chúng tôi đã đến đây nhiều lần và quả thực lần nào leo lên đền cũng bắt gặp một giá đồng đang trình diễn. Một giá đồng mà chúng tôi mới chứng kiến ở đâu diễn ra như sau: những tiếng nhạc của ban kèn, trống vang lên liên hồi. Âm thanh của kép chính hát điệu chầu văn qua micro làm khuấy động một vùng núi rừng. Có tiếng nhạc nổi lên, đồng cô (là một người phụ nữ trạc 60 tuổi) bắt đầu nhảy tưng tửng. Đồng cô vận bộ áo dài đỏ, hoa văn rồng phượng, vấn khăn đỏ và trùm lên đầu tấm vải cũng màu đỏ. Đồng cô là nhân vật chính của giá hầu hôm ấy. Bà nhảy khắp nơi trong gian điện, trước bàn thờ thánh Mẫu. Nhảy không đạo cụ được một lúc, thì bà chuyển sang cầm trên tay hai xấp tiền lẻ rồi tiếp tục uốn theo điệu nhạc vang lên không dứt.

Sau khi thấy nhiều du khách hiếu kỳ đứng xem xung quanh, đồng cô ra ngoài sân, tiếp tục nhảy với hai xấp tiền trên tay. Bà lắc lư, khuôn mặt mơ màng như cố thể hiện thánh Mẫu đã nhập vào mình. Bỗng đồng cô hét lên một tiếng rồi tung hai xấp tiền trên tay lên trời, tiền bay tứ tung rơi khắp sân. Thấy thế mọi người từ già cho đến trẻ đều hò reo sung sướng và tranh nhau cúi xuống nhặt những đồng tiền lẻ trên nền sân.

Nhiều người không hiểu bản chất của hầu đồng, thấy vậy đều rất thích thú và tin rằng thần thánh đã hiển linh. Hành động nhặt tiền của đồng cô vứt ra là để cầu tài lộc, bình an. Quả thực những hành động biến mình thành thánh Mẫu, rải tiền bạc để mua chuộc sự cả tin của du khách vẫn ngày ngày diễn ra ở ngôi đền này.

Ở thành phố nọ có cụm đền-chùa cũng rất nổi tiếng trong giới hầu đồng hiện nay. Trong một chuyến đến đây, chúng tôi đã bắt gặp một giá đồng rất hoành tráng. Gia chủ của giá đồng hôm ấy là một doanh nhân giàu có ở Hà Nội. Vợ chồng doanh nhân này có một cậu con trai nhưng thường xuyên bị ốm đau. Dù gia đình đã bỏ nhiều tiền đi chữa trị các nơi nhưng bệnh tình của cậu con trai vẫn không thuyên giảm. Họ đi xem thầy bói, được thầy phán gia chủ phải đi làm lễ qua nhiều điện phủ, đình chùa, “hầu thánh” thì mới mong con hết bệnh.

Trước khi lên làm lễ ở cụm đền-chùa này, họ đã “hầu thánh” ở hai đền đều ở Hải Dương.

“Hầu thánh” là một từ quen thuộc trong các giá đồng và quan niệm hiện nay, giá (tiền) phải bỏ ra cho đội lên động cũng phải “đẹp”. Cho nên một số người cho rằng phải nhà giàu mới có thể theo hầu thánh các giá đồng hiện nay.

Minh chứng là doanh nhân nói trên đã mua hẳn một xe vàng mã (quan, ngựa, tiền, giấy) mà người tài xế cho biết là ông bà chủ đã bỏ ra 35 triệu đồng chỉ để mua vàng mã mang đi đốt. Còn tiền chi cho hầu đồng thì không được tiết lộ nhưng chắc chắn nó cũng không phải ít.

Những đồng cô, bóng cậu trong giới hầu đồng có tiếng hiện nay, theo tìm hiểu của người viết, đều rất khá giả. Có nhiều người kết hợp làm thầy bói kiêm đi hầu đồng. Thường ở nhà các đồng cô, bóng cậu có điện, phủ riêng để thờ thánh Mẫu. Những thành viên ban nhạc của giá đồng cũng có đời sống sung túc. Có người làm kép chính hát chầu văn tại giá đồng cụm đền-chùa, dần dà lập ban nhạc và theo giá đồng 15 năm này, giờ có nhà lầu, xe ô tô riêng. Gia chủ muốn hầu đồng các tỉnh khác phải đưa xe ô tô tới đón rước.

Ngay cả ban nhạc chầu văn nay cũng hiện đại hóa, có micro, loa-amply, kèn, trống và cả máy quay camera chuyên nghiệp để gửi video clip lại cho gia chủ làm kỷ niệm.

Từ tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa dân gian ở các tỉnh phía Bắc, nay có không ít người đã bóp méo đi bản chất đẹp của nét văn hóa dân gian truyền thống này và từ đó cũng không ít người dân dần dà hiểu sai về thờ Mẫu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thể thao

0
(SGTT) - Trong những năm gần đây, các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các môn thể thao đang ngày càng thịnh...

Kết nối