Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Kẻ lạc quan, người dè dặt với xuất khẩu gạo

Trung Chánh

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo khá lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2018. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước thì có cái nhìn lạc quan và e ngại khác nhau về dự báo này.

Dự báo sẽ tăng

Báo cáo Makets & Trade phát hành trong tháng 2-2018 của USDA đưa ra dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 của Việt Nam khá lạc quan. Theo đó, Việt Nam sẽ xuất 6,7 triệu tấn gạo, tăng 200.000 tấn so với dự báo cũng do tổ chức này đưa ra trước đó một tháng.

Số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho thấy, kết quả xuất khẩu gạo Việt Nam năm ngoái đạt 5,89 triệu tấn. Như vậy, so với dự báo của USDA trong năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 0,81 triệu tấn.

Cơ sở để USDA đưa ra dự báo như trên xuất phát từ sự kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng doanh số từ thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Theo đó, đối với thị trường Trung Quốc, USDA dự báo quốc gia hơn một tỉ dân này sẽ nhập khẩu 5,5 triệu tấn trong năm 2018, tăng 250.000 tấn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1-2018. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vào năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào quốc gia này chiếm đến 39,2% thị phần xuất khẩu gạo cả năm 2017 của Việt Nam (5,89 triệu tấn).

Đối với khu vực Đông Nam Á, USDA cho rằng trong năm 2018 Indonesia sẽ nhập khẩu 800.000 tấn gạo, tăng 500.000 tấn so với dự báo trước đó. Trên thực tế, hồi đầu năm nay, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 141.000 tấn gạo vào quốc gia này. Còn với Philippines, USDA dự báo năm 2018 quốc gia này cũng sẽ nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo các loại và Việt Nam cũng là quốc gia bán gạo truyền thống vào đây.

Nhưng vẫn dè chừng     

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về dự báo của USDA, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng khả năng Việt Nam đạt con số đó trong năm nay là hoàn toàn có thể.

Ông Bình nêu cơ sở cho nhận định của mình. Thứ nhất, nhu cầu thương mại gạo thế giới đang tăng. Thứ hai, sản xuất lúa của Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực sang hướng nâng cao chất lượng, an toàn. Vụ đông xuân 2017-2018 đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, có năng suất cao nên có thể gia tăng xuất khẩu. Thứ ba, xuất khẩu đường tiểu ngạch của Việt Nam bị hạn hẹp nên xuất khẩu chính ngạch sẽ tăng lên.

“Dựa vào ba yếu tố đó, tôi nghĩ rằng việc xuất khẩu có khả năng đạt được”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho rằng ai cũng dự báo xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam là khả quan, nhưng thực tế như thế nào thì khó nói trước.

Theo ông Tuấn, hiện nay giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của Thái Lan đang thấp hơn so với giá Việt Nam, thành ra doanh nghiệp chào bán chưa được. “Hiện nay, mình chủ yếu xuất theo các hợp đồng đã ký, những hợp đồng lớn chưa ký nên cũng khó nói trước về kết quả xuất khẩu gạo năm nay”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông, căn cứ được không ít người đưa ra để nói Việt Nam có triển vọng gia tăng xuất khẩu gạo trong năm nay xuất phát từ nhu cầu của Indonesia và Philippines. “Rõ ràng, mình thấy được điều như vậy, nhưng thực tế vẫn chưa đàm phán được gì”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2018 có tăng so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ vào 141.000 tấn của Indonesia, “nhưng thật ra tới giờ này chưa bán được gì nhiều. Ngay cả Philippines tuyên bố sẽ mua, nhưng tới giờ phút này vẫn chưa có thông tin cụ thể nên chưa thể nói trước được điều gì”, ông nhận xét.

Trong khi đó, trước diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn Thái Lan, chuyên gia Nguyễn Đình Bích lo lắng xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn. Theo kinh nghiệm quan sát thị trường của ông trong nhiều năm qua, mỗi khi giá gạo Việt Nam tăng cao, tình hình xuất khẩu sẽ đi xuống.

“Khi đó doanh nghiệp buộc phải hạ giá để “kéo” hợp đồng xuất khẩu tăng lên”, ông Bích nói và khuyến cáo việc điều hành xuất khẩu gạo cần phải có một cái nhìn và định hướng chiến lược khôn khéo hơn.

Ngoài ra, theo ông, trước động thái Trung Quốc gia tăng bán gạo chất lượng thấp sang thị trường châu Phi, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa, việc xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2018 chưa chắc đã lạc quan như một số thông tin nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Lễ 30-4, cơ sở lưu trú chờ khách ‘chốt’ phòng giờ...

0
(SGTT ) – Mặc dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều cơ sở lưu trú...

216 doanh nhân sẽ tranh tài ở Giải golf Lương Văn...

0
(SGTT) - Giải golf Lương Văn Can 2024 lần đầu tiên tổ chức sẽ diễn ra tại sân golf Tân Sơn Nhất vào ngày...

Kết nối