Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

IEA: Thế giới bắt đầu kỷ nguyên chấm dứt nhiên liệu hóa thạch

(SGTT) – Thế giới đang bắt đầu chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch nhờ hoạt động triển khai các công nghệ tái tạo đã tăng tốc trong 12 tháng qua, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Những dự báo mới của IEA cho rằng mức tiêu thụ ba loại nhiên liệu hóa thạch chính gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên và than sẽ bắt đầu giảm trong thập niên này khi năng lượng tái tạo và xe điện tăng trưởng nhanh chóng.
Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, năng lượng mặt trời, gió và hạt nhân sẽ làm cạn kiệt tiềm năng phát triển than ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua/AP

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 11-9, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết IEA dự báo nhu cầu của thế giới đối với dầu thô, khí đốt tự nhiên và than sẽ đạt đỉnh trước năm 2030.

“Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và chúng ta phải chuẩn bị cho kỷ nguyên tiếp theo. Điều này cho thấy chính sách về khí hậu đang có hiệu quả”, Giám đốc IEA Fatih Birol nói.

Ông Birol ca ngợi việc thế giới thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là “bước ngoặt lịch sử”. Tuy nhiên, ông hối thúc các nhà hoạch định chính sách hành động nhiều hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm khí thải nhà kính.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng năng lượng sau chiến sự Ukraine. Song nhiều nước đã vấp phải những phản ứng dữ dội khi giá năng lượng đắt đỏ dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Trong một dự báo hồi năm ngoái, IEA cho biết tổng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch của thế giới có thể đạt đỉnh vào khoảng năm 2030. Nhưng hiện tại, IEA cho rằng điều này sẽ diễn ra trước năm 2030 nhờ hoạt động triển khai các công nghệ tái tạo đã tăng tốc trong 12 tháng qua.

Ông Birol cũng nhấn mạnh “sự thay đổi cơ cấu” trong nền kinh tế Trung Quốc khi nước này chuyển từ công nghiệp nặng sang các ngành công nghiệp và dịch vụ ít sử dụng năng lượng hơn.

“Trong 10 năm qua, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 mức tăng trưởng về nhu cầu khí đốt tự nhiên trên toàn cầu và 2/3 mức tăng trưởng về nhu cầu dầu mỏ. Năng lượng mặt trời, gió và hạt nhân sẽ làm cạn kiệt tiềm năng phát triển than ở Trung Quốc”, ông nói.

Người đứng đầu IEA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông cho rằng quá trình này có thể được thúc đẩy nhanh hơn thông qua các chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai các chương trình đầy tham vọng nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nhưng vấp phải sự chỉ trích từ các đối thủ chính trị về chi phí.

Trong tháng này, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Roberta Metsola cảnh báo, các chính sách về khí hậu của Brussels có nguy cơ khiến cử tri hướng tới các đảng dân túy. Trong khi đó, chính phủ Anh ủng hộ hoạt động khoan dầu khí mới và chỉ trích chính quyền thành phố London mở rộng vùng phát thải cực thấp, trong đó, yêu cầu xe cộ phải tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải.

Ông Birol lưu ý, các dự án nhiên liệu hóa thạch lớn mới có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt. Nhưng ông cũng đồng thời thừa nhận rằng cần phải đầu tư một số vào nguồn cung dầu và khí đốt để giải quyết tình trạng sụt giảm sản lượng ở các mỏ hiện hành.

Quan điểm trên của IEA vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn khi họ cảnh báo việc đầu tư không đúng mức vào nguồn cung dầu khí có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng năng lượng trong tương lai. Họ cho rằng dự báo của IEA về mức tiêu thụ nhiên liệu sắp đạt đỉnh là quá lạc quan.

Hồi tháng 4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cáo buộc IEA gây ra “sự biến động” trên thị trường thông qua lời kêu gọi ngừng đầu tư vào các dự án phát triển mỏ dầu mới.

Về điều này, ông Birol cho hay: “Các công ty dầu khí có thể không chỉ đánh giá sai ý kiến ​​của dư luận mà còn đang đánh giá sai thị trường nếu họ kỳ vọng nhu cầu dầu khí sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thập niên này”.

Theo ông, các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, có quy mô lớn mới không chỉ gây rủi ro lớn về khí hậu mà còn rủi ro tài chính lớn.

Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không nên tự mãn. Ông cho rằng lượng khí thải cần phải giảm nhanh chóng sau khi đạt mức đỉnh điểm vào giữa thập niên 2020 để thế giới có cơ hội đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Chúng tôi dự kiến lượng phát thải toàn cầu vào giữa thập niên sẽ đạt đỉnh, nhưng thế giới vẫn còn lâu mới đạt được các mục tiêu về khí hậu ngay cả khi có các chính sách bổ sung”.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cơ chế mua bán điện trực tiếp – động lực mới...

0
(SGTT) - Con số 300 tỉ đô la Mỹ giá trị kinh tế xanh của Việt Nam vào năm 2050 có thể là tính...

Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời...

0
(SGTT) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước 30-4, Bộ Công Thương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế,...

Mở rộng hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam –...

0
(SGTT) - Trong buổi làm việc hôm 20-3 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương hai nước Việt Nam và Singapore đã dành thời...

Nhiều khó khăn trong triển khai dự án điện khí, điện...

0
(SGTT) - Hiện nay, nhiều dự án của ngành năng lượng vẫn còn gặp vướng mắc về xác định giá mua điện và sản...

Khuyến khích doanh nghiệp Úc hợp tác về năng lượng tái...

0
(SGTT) - Tại buổi làm việc với Bộ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu và năng lượng Úc, đại diện Bộ Công Thương...

Trung Quốc muốn mở rộng hợp tác sản xuất năng lượng...

0
(SGTT) - Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc – Việt Nam đề nghị hai bên thúc đẩy...

Kết nối