Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Ghé thăm “Xóm cối Cù Là” mấy trăm năm tuổi

(SGTTO) – Cối xay lúa Cù Là nổi tiếng xa xưa ở miền Tây sông nước có từ khi nào không ai rõ nhưng theo những bậc cao niên thì nhiều gia đình ở đây đã làm cối xay lúa cha truyền con nối trải nhiều thế hệ.

Cối hoàn chỉnh

Địa danh Cù Là hiện nay bao gồm ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp, một góc khu phố Minh Phú và một góc khu phố Minh Lạc của thị trấn Minh Lương với địa hình của một ngã ba sông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Nghề làm cối có những bước thăng trầm theo đời sống kinh tế xã hội của đất nước, lúc bình thường thì chỉ khoảng chục hộ duy trì lấy nghề, lúc phát triển đỉnh cao có đến bốn năm chục hộ làm cối chở đi bán vùng Miệt Thứ, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… Họ cũng chính là con cháu, láng giềng đã học được nghề của người đi trước. Và cũng từ đây, khu vực họ sinh sống được mang danh “xóm cối”, một bộ phận của địa danh Cù Là.

Có hai thời kỳ nghề làm cối ở Cù Là phát triền rất mạnh mẽ, thời kỳ thứ nhất là giai đoạn 1945-1954, khi Pháp thực hiện chính sách bao vây kinh tế, người dân vùng giải phóng phải xay lúa, giã gạo bằng tay. Thời kỳ thứ hai từ năm 1976-1986, đất nước tuy thống nhất nhưng nền kinh tế gặp khó khăn do sự cấm vận của các nước phương Tây, do thiên tai và nặng nhất là hai cuộc chiến tranh biên giới, nhiên liệu cho các loại máy móc hoạt động rất khan hiếm, người dân nông thôn lại phải xay lúa, giã gạo bằng tay.

Từ sau công cuộc đổi mới của đất nước năm 1986, chiếc cối xay lúa bằng tay dần bị thay bằng những nhà máy xay gạo lớn nhỏ và mất hẳn từ những năm 1990.

Theo các lão chuyên gia xóm cối, để làm ra một cối xay lúa chánh hiệu Cù Là, trước hết phải có đủ bộ đồ nghề và kỹ năng cơ bản của một thợ mộc, quy trình thực hiện phải trải qua bốn bước cơ bản.

Đầu tiên là chọn gỗ làm chân, tay cối. Đó phải là gỗ của các loại cây chắc, bền như tràm, sắn, giá…, ngày nay cây tràm bông vàng là đáp ứng tốt nhất. Đối với tre, trúc để đan phần vỏ cối, chọn những cây già không nhặt mắt. Cây đước dùng làm răng cối vừa chắc vừa bền là đước già Cà Mau, trường hợp khó khăn quá thì dùng tạm cây dương (cây phi lao) cũng được.

Thứ hai là chọn đủ ba loại đất cho ba vị trí khác nhau. Đất sét dẻo dùng để lót nền cho thớt cối dưới trước khi vắt răng, đất sét pha cát dùng cho thớt trên để chống nứt, đất sét gan rùa (đất sét dẻo, cứng) dùng sảm răng cối cho cả thớt trên và thớt dưới.

Thứ ba là bắt tay vào làm. Chân cối là hai thanh gỗ vuông 6-8 phân, dài khoảng 6 tấc (có thể gia giảm chút ít tùy theo người thợ), được bào gọt và bắt chéo vào nhau tạo thành hình chữ thập, tại điểm giữa đục một lỗ tròn để gắn trục cốt. Vót 32 thanh tre làm cong (bộ khung) cho thớt cối dưới, khi cắm cong vào nòng (là cái khuôn để đan cối làm bằng cây chia đều 32 lỗ), các vị trí 1-9-17-25 gắn các cong dài, còn lại gọi là cong cái (dài hơn công thường khoảng 6 phân), sau này sẽ gắn vào bốn góc của chân cối, để khi xay cối không bị lắc. Thớt cối trên cũng đan bằng nòng với 32 cong, trong đó có hai cong cái sẽ được gắn vào hai bên tay cối, sau khi gắn vào còn được nêm chặt.

Việc tạo ra 4 cong cái thớt dưới, hai cong cái thớt trên gắn chặt vào chân và tay cối kết hợp với việc sử dụng cây đước già Cà Mau làm răng cối chính là điểm khác biệt căn bản của cối xay lúa Cù Là so với cối xay lúa làm ở các nơi khác. Điều đó làm cho cối không bị rung lắc khi xay và tỷ lệ ra gạo lức lên đến trên 90%  trong loại cối xay lúa dùng ván đóng làm mặt thớt trên và thớt dưới, sau đó đục làm răng tỷ lệ ra gạo lức chỉ đạt 60% là tốt rồi.

Cuối cùng là khâu lắp ráp, đưa vỏ thớt cối dưới lên chân cối, gắn 4 cong cái vào 4 chân cối, dùng ván lót đáy thớt dưới sau đó cho vào đất sét dẻo, không cần khô lắm, vừa bỏ đất vào vừa dùng chày nện cho dẽ chặt (giai đoạn này thường gọi là dong nền). Cần phải độn rơm (hay cỏ) khô cho thớt cối dưới với khối lượng nhất định để tránh cối quá nặng. Khi cách mặt thớt khoảng bốn phân thì ngưng dùng đất này và tiến hành lắp răng cối (vắt răng). Răng cối là những miếng gỗ đước cao bảy phân, dày nửa phân, chiều dài tùy theo thân đước to hay nhỏ. Trước khi vắt răng cối phải phân vạt cho đều, thớt trên 12 vạt, thớt dưới 10 vạt, vắt theo hình rẽ quạt, mỗi hàng răng cách nhau 7-8 ly, nếu dày quá khi xay dễ gãy gạo, nếu thưa quá thì sót lúa nhiều (điều này cũng còn tùy thuộc lúc sảm răng và vuốt láng nũa).

Vắt răng xong là bước sảm răng, dùng loại đất gan rùa đã phơi khô, đập mịn và phun nước dạng sương mù, trộn đều rồi sảm vào khoàng cách của hai hàng răng, mỗi lần cho vào một lớp đất là dùng búa và chành sảm (giống như đục nhưng bằng cây, mũi tà, nhỏ hơn khoảng cách giữa hai hàng răng một ít) để nén đất giữa các hàng răng càng chặt càng tốt.

Đối với thớt trên, trước hết là lắp tay cối vào khoảng giữa và xuyên tâm của thớt, chú ý khoét lỗ sâu khoảng 3 phân ở giữa phải đúng tâm của tay cối để khi đặt lên thớt dưới là vừa trùng khít, sau đó úp mặt trên xuống để dong nền, không được phép dùng rơm, khi dong nền đến ngang bằng tay cối thì đặt trên tay cối một khung ván hình vuông mỗi cạnh khoảng 1,8 tấc, có độ cao từ tay cối đến mặt dưới của thớt cối trên, đây là hộc để lúa rớt xuống thớt cối dưới. Sau đó tiếp tục dong nền đến khi còn cách mặt cối 4 phân thì dừng, chuyển qua vắt răng và sảm đất giống như thớt dưới.

Khâu cuối cùng là hoàn thiện, bao gồm khoét sân thớt trên (nơi đổ lúa vào xay) cho láng, bào răng cho bằng đều và kéo láng các rãnh giữa 2 răng, hớt miệng cả thớt cối trên và thớt dưới. Khâu này còn được gọi vui là khâu trang trí, làm xong khâu này cũng đồng nghĩa là một chiếc cối xay lúa mới đã ra đời.

Trong suốt quá trình làm cối, từng hộ đều huy động hết nguồn nhân lực tham gia, vì đây là một nghề kiếm sống của gia đình. Trẻ em phụ đập đất, ôm rơm và những chuyện lặt vặt khác, phụ nữ chủ yếu là đan vỏ cối, chẻ răng cối, sảm răng, một số ít người có thể vắt răng cối.

Vắt răng xong là xảm đất cho dẻ chặt để cố định các hàng răng, xong xuôi là dọn, sửa cho tươm tất.

Theo ông Trần Văn Sửu, 70 tuổi, cối làm xong, thường thì của ai nấy chở đi bán, bán bằng tiền mặt hoặc đổi lúa, một cái cối đặt làm hồi xưa khoảng 25 giạ lúa, sau này nhiều hộ làm nên có rẻ hơn nhưng cũng không dưới 20 giạ, cối làm bình thường cũng giảm nhưng ít lắm cũng từ 15 giạ lúa trở lên. Cũng có khi thương lái đặt nhiều hộ cùng làm rồi họ lấy chở đi bán các xứ xa.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, 82 tuổi, cho biết cối Cù Là thời của ông còn trẻ làm chủ yếu là cối nhì (đường kính 4,2 tấc mặt) dùng cho từng hộ gia đình, chỉ cần một hoặc hai người xay. Còn một loại cối lớn hơn, đường kính 5,3 tấc, còn gọi là cối tàu, rất nặng thì hai người xay không nổi. Để khắc phục điều này, tay cối được khoét thông để ngỗng cối trỗ lên, phía trên người ta gắn một con bọ để điều chỉnh độ khít giữa thớt trên và thớt dưới, càng khít thì xay càng nặng. Do việc điều chỉnh này cũng mất công nên người ta chủ yếu chỉ sản xuất cối loại nhì (bốn tấc hai).

Trong quyển Lịch sử khẩn hoang Miền Nam của nhà văn Sơn Nam, việc bán gạo từ hải cảng Rạch Giá đã có từ thời Mạc Cửu của chúa Nguyễn do người Hoa kiều độc quyền đảm trách. Dịch vụ xay lúa được tổ chức theo kỹ thuật cổ truyền, dùng loại cối to, mỗi cối có bốn người cầm giàn xay, hai người xàng, một người quạt và một người giần tấm. Năm 1884, chợ Rạch Giá có sáu trại xay lúa, sử dụng 40 cối to. Khi tàu Hải Nam gần đến để ăn gạo, trại hoạt động xuống ngày đêm, dùng toàn sức người.

Như vậy có phải xóm cối Cù Là đã từng cung cấp cối xay lúa để có hạt gạo Việt Nam từ Rạch Giá xuất đi Hải Nam và các nơi khác ở cuối thế kỷ 19?

Để có câu trả lời chính xác cần phải đi tìm thêm dữ liệu chứng minh nhưng dù sao, địa danh “Xóm cối”, “Cối xay Cù Là” cũng đã trở thành thương hiệu, niềm tự hào của người dân Cù Là về một thời để nhớ. Và cũng chính vì vậy việc bảo tồn “Chiếc cối Cù Là” là một việc làm hết sức cần thiết mà Nhà nước và xã hội phải quan tâm.

Lê Quốc Việt

2 BÌNH LUẬN

  1. Mình muốn mua cái cối này thì phải làm sao ? Hiện tại mình có 20 giạ lúa Châu Hạng Võ mới thu hoạch hồi rằm tháng giêng này nhưng chưa có cối xay lúa, ai biết địa chỉ và số đt cụ thể của người bán thì vui lòng liên hệ với minh qua đt nhé 093945251 mình tên Kim hoặc email là tốt nhất kathykimaco@ gmail com, rất cảm ơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Băng rừng’ ngắm đom đóm, động vật hoang dã ở Vườn...

0
(SGTT) – Ngắm đom đóm và động vật hoang dã về đêm là những trải nghiệm mới tại Vườn quốc gia Cúc Phương mà...

Booking.com: Khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch...

0
Có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Đồng...

Loạt giải pháp kéo sếu đầu đỏ về Tràm Chim

0
(SGTT) – Vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học,...

5 lý do thúc đẩy khách Việt chọn du lịch bền...

0
Các ưu đãi tài chính và trải nghiệm khi du lịch bền vững là hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách Việt chọn...

Chuyện về anh họa sĩ ‘điên’ biến phế liệu thành tác...

0
(SGTT) - Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã...

Khám phá góc xanh nơi lăng Gia Long ở Huế

0
(SGTT) - Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh, giúp du khách vừa có thể...

Kết nối