Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Đừng chủ quan với chấn thương khớp gối

Tình trạng chấn thương khớp gối trong sinh hoạt cũng như trong vận động thể dục thể thao đang ngày một phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị  sớm, những chấn thương này sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến vận động, gây khó khăn cho việc điều trị.

Trong tháng 3-2018, anh Nguyễn Thành T., 27 tuổi, ngụ tại TPHCM, bị tai nạn giao thông và bị chiếc xe máy đang đi đổ đè lên gối. Sau khi về nhà, anh bị đau nhiều ở khớp gối, không đi lại được. Nghĩ mình còn trẻ khỏe, anh quyết định không đến bệnh viện kiểm tra mà chỉ ở nhà nghỉ ngơi.

Nguyễn Trần Ng., 20 tuổi ngụ tại TPHCM, là sinh viên đại học và rất đam mê đá bóng. Trong một lần đang chơi bóng cùng bạn, em bị chấn thương gối. Sau một tuần không hề khám chữa, em thường bị đau nhói khi đi hoặc chạy và gối không bớt sưng.

Hậu quả từ sự chủ quan

Sau hơn một tuần, đầu gối của anh T. vẫn rất đau mỗi khi đi lại. Thấy tình hình không thuyên giảm, anh đã đến phòng khám Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Đại học Y dược để khám và chụp MRI. Anh bất ngờ vì tình trạng chấn thương là khá nghiêm trọng: bị đứt cả dây chằng chéo trước lẫn dây chằng bên trong gối trái. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật tái tạo lại hai dây chằng cho anh T.. Phẫu thuật xong, anh T. cần phải đợi ba tháng nữa mới có thể vận động trở lại mà không bị sưng, đau khớp gối khi đi. Dự kiến nửa năm sau, anh mới có thể chơi được các môn thể thao nhẹ như chạy bộ và bơi lội.

Về phần em Ng., nhờ có người thân khuyên bảo, em đã đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược để kiểm tra. Lúc này tình trạng chấn thương đã chuyển nặng, em bị đau, sưng, kẹt gối khi đi lại, thường xuyên nghe tiếng lụp cụp trong gối. Bác sĩ quyết định cho em chụp MRI và kết quả là bị rách sụn chêm. Theo bác sĩ Việt, trường hợp của em Ng. là dạng rách sụn chêm nhưng vẫn có thể khâu lại được. Em được chỉ định phẫu thuật nội soi, hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại phòng tập và tại nhà. Sau hai tháng, em đã có đi lại tương đối bình thường, không còn đau, kẹt gối khi đi. Sau khoảng nửa năm, em Ng. đã có thể chơi thể thao như trước.

Cần điều trị sớm

Khớp gối là loại khớp phức tạp, hoạt động nhờ sự phối hợp của nhiều cấu trúc như gân, cơ, dây chằng, bao khớp… Trong đó, các dây chằng trong và quanh khớp gối giữ vai trò quan trọng trong sự vận động và giữ vững khớp gối. Chấn thương dây chằng khớp bao gồm đứt, rách các dây chằng quanh khớp gối như dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên… Nguyên nhân của tổn thương dây chằng khớp gối thường do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và thường gặp ở người trẻ với các hoạt động mạnh.

Đứt dây chằng khớp gối thường xảy ra sau chấn thương, khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu, sau đó tự giảm dần. Một số trường hợp bị tổn thương dây chằng vẫn có thể đi lại bình thường sau chấn thương, nhưng khi vận động mạnh thì khớp gối lại sưng đau. Nếu bệnh nhân chủ quan, không đi điều trị sớm sẽ dẫn đến teo cơ đùi, phải phẫu thuật tái tạo dây chằng và thậm chí phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Phẫu thuật mổ tái tạo dây chằng chéo khớp gối không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tuân thủ điều trị của người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật. Nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ phẫu thuật thành công cao hơn, vì khi đó, các cấu trúc trong khớp ít bị tổn thương, tình trạng cơ đùi ít bị teo hơn, sự phục hồi tốt hơn.

Các nghiên cứu cho thấy, trong các dây chằng khớp gối thì dây chằng chéo trước thường bị tổn thương nhiều nhất. Số lượng người bị đứt dây chằng chéo trước ở Mỹ từ 100.000 – 200.000 người/năm, tại Úc, tỷ lệ tổn thương loại này chiếm khoảng 1,5% số người bị chấn thương gối. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính xác tỷ lệ tổn thương dây chằng khớp gối, nhưng quan sát ban đầu cho thấy tỷ lệ này khá cao. Riêng tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận điều trị hơn 200 trường hợp chấn thương loại này mỗi năm.

ThS BS. Mai Thanh Việt, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bệnh viện đã ứng dụng các phương pháp mới nhất của thế giới như kỹ thuật All – inside, tight-rope, dây chằng chéo trước hai bó… trong điều trị nhiều trường hợp đứt dây chằng chéo khớp gối. Với sự kết hợp của vật lý trị liệu sớm cho người bệnh, tỷ lệ hồi phục sau mổ khá cao, từ 82% đến 95%. Thời gian phục hồi sẽ tùy vào mức độ tổn thương, số dây chằng tổn thương cũng như khả năng tập luyện của người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tổn thương dây chằng đều cần can thiệp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng khớp gối, loại dây chằng bị tổn thương, độ tuổi, nhu cầu vận động… mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi bị chấn thương khớp gối, nếu xảy ra tình trạng sưng, đau kéo dài hoặc sưng, đau gối khi vận động mạnh thì phải đến các bệnh viện có chuyên khoa về Chấn thương chỉnh hình để được đánh giá chính xác các tổn thương và có phương pháp điều trị thích hợp.

Minh An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối