Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024

Đừng chủ quan “với bệnh chuyển mùa

Bác sĩ Đỗ Ngọc Đức, Chuyên khoa cấp II – Nhi khoa – Phòng khám Victoria Healthcare

Khi những cơn mưa rào ở Sài Gòn thưa thớt dần, nhường chỗ cho những ngọn gió heo may nhè nhẹ và cái lạnh tràn về cũng là lúc trẻ em phải đối mặt với bệnh chuyển mùa. Vào thời điểm này, nhiều trẻ em ở TPHCM đang phải nhập viện điều trị vì nhiễm các bệnh truyền nhiễm do chuyển mùa.

Những bệnh phổ biến

Các bậc cha mẹ không nên chủ quan bởi mỗi khi chuyển mùa trẻ thường mắc các bệnh sau:

– Nhiễm siêu vi: là bệnh mà dân gian gọi nôm na là cảm cúm. Bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, đôi khi sốt cao, ho, sổ mũi và hắt hơi. Cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, dùng thuốc hạ sốt như Paracetamol và rửa mũi. Về chế độ dinh dưỡng nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, trái cây, sữa chua. Thông thường trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cha mẹ nên theo dõi một số biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi để cho bé đi khám kịp thời nếu bé có biểu hiện nặng hơn.

– Viêm họng: là khi trẻ sốt, đau họng, nuốt khó, buồn nôn, nôn ói và amidan của trẻ thường sưng to khiến trẻ ngủ ngáy, thở khò khè và hơi thở có mùi hôi. Bệnh viêm họng thường xảy ra ở trẻ 3-15 tuổi do vi trùng Streptococcus bêta tan huyết nhóm A gây ra. Vi trùng này gây viêm họng, tấn công khớp thoáng qua và gây viêm tim dẫn đến suy tim, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vi trùng Streptococcus bêta tan huyết nhóm A còn gây ra viêm cầu thận cấp, trẻ có tiểu máu, phù và cao huyết áp. Vì vậy, trẻ cần phải nhập viện để điều trị và theo dõi. Khi trẻ sốt cao, đau họng, cha mẹ không nên chủ quan và cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị đúng lúc tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.

– Viêm mũi dị ứng: trẻ sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi do dị ứng với thời tiết lạnh. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ rửa mũi bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày, lau mũi bằng khăn giấy và giữ ấm cơ thể. Nên đưa bé đi khám sau một tuần nếu bệnh không tự khỏi, bệnh làm trẻ mất ngủ và ăn uống kém.

– Viêm tiểu phế quản: bệnh do siêu vi trùng VRS gây ra vào lúc trời trở lạnh và thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ sốt, ho, sổ mũi, nôn ói, khò khè và một số trẻ nhanh chóng bị tím tái, khó thở do nghẽn tắc đàm nhớt. Đây là một bệnh nặng, vì vậy, trẻ cần được bác sĩ khám theo dõi hàng ngày. Nếu trẻ khó thở thì phải nhập viện điều trị.

Cách điều trị chứng viêm tiểu phế quản bao gồm hạ nhiệt, bổ sung nước đầy đủ cho trẻ, trong trường hợp nôn ói trẻ sẽ được truyền dịch, rửa mũi để thông thoáng đường hô hấp. Bác sĩ sẽ khám và chỉ định điều trị bằng khí dung và vật lý trị liệu phổi ở những trẻ có ứ đọng nhiều đàm nhớt và có tắc nghẽn đường hô hấp. Bệnh có thể có biến chứng thành viêm phổi nặng, xẹp phổi và ngưng thở nếu không được chăm sóc tích cực và kịp thời.

– Viêm thanh quản: do siêu vi trùng gây ra khiến trẻ có sốt nhẹ hoặc không sốt, ho khàn giọng và đôi khi mất giọng. Các triệu chứng này thường xảy ra về đêm, có thể kèm theo co thắt thanh quản gây khó thở. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay vì chứng khó thở đột ngột có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

– Hen suyễn: xảy ra ở trẻ có tiền căn hen suyễn hoặc gia đình có người bị hen suyễn như ba, mẹ, cô, cậu, dì, chú, bác hoặc ông bà nội ngoại. Một số ít trường hợp trẻ có hen suyễn nhưng gia đình hoàn toàn bình thường. Khi bị hen suyễn, trẻ có những triệu chứng báo trước như ho, sổ mũi, hắt hơi, sau vài giờ xảy ra khó thở và thở rít. Trẻ cần được khám bác sĩ ngay và được điều trị đặc hiệu nhằm cắt cơn khó thở. Sau đó, trẻ cần được theo dõi, điều trị duy trì để bệnh ổn định và tiếp tục được bác sĩ tư vấn, điều trị phòng ngừa bệnh hen tái phát.

Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì mắc các bệnh chuyển mùa. Ảnh: Hoàng Nhung
Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì mắc các bệnh chuyển mùa. Ảnh: Hoàng Nhung

[box type=”bio”] Đi khám bác sĩ khi nào?

–  “Khi trẻ sốt cao 39-40 độ.

– “Khi trẻ quấy khóc, bức rức, nôn ói nhiều, không uống nước hay bú kém.

– “Khi trẻ khó thở, co lõm lồng ngực và thở rít.

– “Khi trẻ ho khàn tiếng hay mất giọng.

– “Khi trẻ co giật.

– “Khi trẻ vẫn sốt sau 3-4 ngày.

– “Khi trẻ có tím tái, lừ đừ.

– “Khi trẻ ho kéo dài về đêm, không ngủ được.[/box]

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thời tiết lúc chuyển mùa thường lạnh về đêm và sáng nhưng lại nóng vào buổi trưa. Do vậy các bậc cha mẹ nên lưu ý cho trẻ mặc quần áo thích hợp, giữ ấm khi trời lạnh nhưng mặc thoáng, dễ chịu khi nhiệt độ nóng để trẻ thoái mải chơi đùa. Phải thay quần áo thường xuyên khi trẻ bị đổ mồ hôi để tránh cảm lạnh.

Về chế độ dinh dưỡng nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để tăng cường sức đề kháng chống bệnh tật. Đồng thời, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau khi chơi đùa, nghịch bẩn và rửa tay sau khi xì mũi.

Nên cho trẻ chơi đùa vận động, tập thể dục ngoài trời vào cuối tuần hay những ngày nghỉ để trẻ được hít thở không khí trong lành. Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học để chăm sóc, theo dõi tại nhà nhằm tránh lây lan bệnh cho trẻ khác. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị ho cảm.

Cha mẹ nên vệ sinh, lau chùi nhà cửa thường xuyên để giảm thiểu bụi bẩn gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt là trẻ bị hen suyễn.

Ngoài ra, hàng năm nên đưa trẻ đi chích ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ, cơ sở y tế..

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bệnh nhân sốt rét nhập viện ở TPHCM cần khai báo...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, dù nguy cơ lây lan bệnh sốt rét trên địa bàn thành phố là gần như không...

Lo trẻ nhỏ ốm những ngày tựu trường

0
(SGTT) - Chỉ còn vài ngày nữa là các em nhỏ sẽ tựu trường. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến các mầm...

Kết nối