Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Dùng chiêu thức mới để kéo khách

Chánh Tài –

Để thu hút khách hàng, các cửa hàng thường đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi, phát hành thẻ thành viên với nhiều ưu đãi. Mới đây, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đã tung ra một số chiêu thức mới, trong đó có dịch vụ cho thuê xe đạp dùng chung, lắp đặt máy giặt tự phục vụ hay mở phòng tập gym ở các cửa hàng, theo Nikkei Asian Review.

Thêm dịch vụ

Hồi cuối tháng 11, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven đã hợp tác với công ty xe đạp dùng chung Hello Cycling để ra mắt dịch vụ cho thuê xe đạp dùng chung tại các cửa hàng. Theo kế hoạch, Hello Cycling sẽ triển khai 5.000 chiếc xe đạp tại 1.000 cửa hàng 7-Eleven trên khắp nước Nhật vào cuối năm 2018.

Trước đó, vào tháng 2-2017, 7-Eleven cũng hợp tác với công ty xe đạp dùng chung Docomo BikeShare để triển khai 150 xe đạp cho thuê ở 32 cửa hàng của 7-Eleven ở Tokyo và các thành phố khác. Dĩ nhiên, 7-Eleven hy vọng các khách hàng đến thuê xe đạp sẽ nhân tiện ghé vào các cửa hàng của 7-Eleven để mua các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Cũng vào cuối tháng 11, trong nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ để thu hút khách hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart thông báo sẽ lắp đặt các máy giặt tự phục vụ ở khu vực đỗ xe của 100 cửa hàng của FamilyMart vào năm sau. Nếu kế hoạch này diễn ra suôn sẻ, FamilyMart đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500 cửa hàng được lắp đặt máy giặt tự phục vụ. FamilyMart hy vọng trong thời gian chờ áo quần giặt xong, khách hàng sẽ vào bên trong cửa hàng để ăn uống hoặc mua sắm.

Các xe đạp cho thuê được đặt trước một cửa hàng 7-Eleven ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review

FamilyMart còn cho biết trong vòng năm năm tới sẽ mở 300 phòng tập gym hoạt động 24/24 trên tầng hai của các cửa hàng FamilyMart. Phòng tập gym đầu tiên ở cửa hàng FamilyMart sẽ được khai trương vào giữa tháng 2-2018.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản cũng đang mở rộng danh mục các thực phẩm nấu sẵn để bán cho những khách hàng không có thời gian nấu nướng. Sadanobu Takemasu, Chủ tịch chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, tin rằng phân khúc này còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo ông, trong bối cảnh ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động và dân số Nhật Bản ngày càng già, các gia đình sẽ giảm thời gian nấu nướng. Đó là cơ hội tốt cho mảng kinh doanh thực phẩm nấu sẵn.

Theo Hiệp hội thức ăn nấu sẵn Nhật Bản, trong giai đoạn 2011-2016, doanh thu các suất thức ăn nấu sẵn ở Nhật Bản tăng 20% lên hơn 9.800 tỉ yen, trong đó các chuỗi cửa hàng tiện lợi chiếm 30% thị phần.

Thay đổi khi thị trường bão hòa

Những thay đổi trên diễn ra trong bối cảnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản chứng kiến lượng khách đã đạt điểm bão hòa do cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng dược phẩm và các nhà bán lẻ khác.

Bốn thập niên sau khi mô hình cửa hàng tiện lợi được khai sinh ở Nhật Bản, các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở nước này dường như đang mở rộng ra tất cả mọi mảng kinh doanh có thể và gia tăng vai trò của họ trong cộng đồng, đồng thời định vị họ như là “cơ sở hạ tầng” cốt lõi của thành phố.

Đó là một xu hướng có thể lan tỏa ra bên ngoài Nhật Bản, chẳng hạn như châu Á, nơi các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản đã thiết lập chuẩn mực trong ngành kinh doanh này ở các nước như Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc với các tiêu chuẩn dịch vụ cao, chủng loại hàng hóa phong phú, trình bày bắt mắt.

“Ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi của Trung Quốc luôn theo dõi sát sao thị trường Nhật Bản, nên việc các máy giặt tự phục vụ và phòng tập gym xuất hiện ở các cửa hàng tiện lợi của Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian”, Kosuke Okame, nhà phân tích từ công ty tư vấn Cast Consulting ở Thượng Hải, nói.

Động lực sâu xa khiến ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản phải thay đổi là do thị trường gần như hết dư địa tăng trưởng trong khi đó, chi phí nhân công lại tăng lên. Thị trường vốn đã quá đông đúc nên rất khó để tăng doanh thu bằng cách mở cửa hàng mới. Tính đến cuối tháng 10, có đến 55.000 cửa hàng tiện lợi của chín công ty dẫn đầu ở Nhật Bản.

Koji Takayanagi, Chủ tịch của FamilyMart, nói đây không phải là thời điểm tốt để mở rộng, vì thế công ty sẽ nghĩ cách nâng cao chất lượng trải nghiệm ở cửa hàng. Số cửa hàng của FamilyMart đã tăng lên 18.000 sau khi sáp nhập với chuỗi cửa hàng tiện lợi nhỏ hơn Circle K Sunkus vào năm 2016.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Kết nối